Mỹ lại đối diện nguy cơ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm

Mỹ lại đối diện nguy cơ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm

(ĐTCK) Năm 2011, nước Mỹ đã gây chú ý với một cuộc vật lộn cắt giảm ngân sách song vẫn bị đánh tụt khỏi mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA lần đầu tiền trong lịch sử. Năm 2013, câu chuyện đó có thể sẽ lặp lại nóng hơn.

Chống lại cái gọi là “vách đá tài chính“ sẽ mở màn cho một loạt những tranh cãi đảng phái ở Washington trong năm tới, mà nếu không được giải quyết thì có thể dẫn đến việc mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ bị đánh tụt nhiều hơn.

“Mức xếp hạng tín nhiệm đang nằm trong tay những người làm chính sách”, John Chambers, Chủ tịch Ủy ban xếp hạng nợ công của Standard & Poor’s nói. S&P là tổ chức đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ hồi tháng 8 năm 2011.

Trả lời phỏng vấn của Reuters ngày 6/11, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn đều nói việc cắt mức xếp hạng nợ công của Mỹ – hiện vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới – là rất có thể, nếu tiến trình ngân sách năm tới tái diễn việc trì hoãn nâng trần nợ hoặc nếu mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách không đạt được.

Trong trường hợp nước Mỹ không đưa ra được một tầm nhìn trung hạn khả thi cho ngân sách liên bang – đã thâm hụt trên 1.000 tỷ USD mỗi năm trong 4 năm qua, xếp hạng tín nhiệm của nước này sẽ bị cắt giảm. “Vách đá tài chính” sẽ là thử thách đầu tiên, nhưng trong trường hợp vượt qua được, khả năng bị cắt giảm ngân sách vẫn sẽ luôn hiện hữu trước mắt Washington trong suốt năm tới.

“Nếu thỏa thuận về ngân sách không sớm đạt được trong năm tới, đường cong nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục đi lên… khi đó, Mỹ sẽ bị hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm xuống còn Aa1”, Bart Oosterveld, Giám đốc rủi ro nợ công của Moody’s nói.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết, ngay cả khi thỏa thuận ngân sách ngăn được “vách đá tài chính”, nó cũng không đủ để cứu mức xếp hạng AAA của Mỹ.

Những biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn cú sốc về ngân sách mà không kèm theo một chiến dịch đáng tin cậy cho những năm tới không giúp nước này khỏi bị hạ xếp hạng tín nhiệm, David Riley, giám đốc xếp hạng nợ công của Fitch cho biết.

“Hãy chờ xem điều gì sẽ đến trong những tháng tới, liệu Fitch có làm như đã tuyên bố”, Riley nói. “Thời gian cũng không còn nhiều”.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng đang theo dõi các cuộc thảo luận về việc nâng mức trần nợ vào năm tới. S&P đã cắt giảm mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ xuống mức AA+ từ mức AAA vào ngày 5/8/2011, một phản ứng đối với các tranh cãi về nợ ở Mỹ, rằng nó chỉ khiến nguy cơ quốc gia này rơi vào vỡ nợ tăng lên, và sự cản trở của Đảng Cộng hòa đã làm cho quá trình xử lý nợ kéo dài thêm hàng năm trời.

Nếu điều tương tự lại xảy ra vào thời gian này, theo Riley, Fitch có thể sẽ cắt xếp hạng của Mỹ vào nửa đầu năm sau.

Khi S&P cắt mức xếp hạng của Mỹ vào năm ngoái, các thị trường đã phản ứng một cách tồi tệ. Chỉ số S&P 500 giảm mạnh 6,7% vào ngày thứ Hai sau đó, xuống mức thấp nhất trong 11 tháng.

Nhưng ngược đời là lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ lại giảm do nhà đầu tư hoảng loạn chạy đến như một nơi chú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu cơ bản 10 năm đã giảm xuống còn 2,32%/năm vào ngày 8/8 từ mức 2,56% của ngày 5/8 – và giờ còn khoảng 1,6%. Phản ứng như vậy có thể lặp lại.

“Nhà đầu tư cần nắm giữ hàng tỷ, tỷ USD”, Andrew Wilkinson, Chiến lược gia kinh tế trưởng của Miller Tabak & Co nói. “Họ còn đâu khác để đến? Tuyên bố của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ không thay đổi được điều đó”.

Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực đồng euro tiếp tục rối loạn, trái phiếu Mỹ càng được tìm đến nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 3 năm qua của khu vực này vẫn còn lâu mới được giải quyết.

“Khi bạn nhìn nước Mỹ từ bên kia Đại Tây Dương, bạn sẽ thấy rằng, nơi đó (về kinh tế) vẫn tốt hơn nếu so với Anh Quốc và phần còn lại ở châu Âu”, Riley của Fitch nói.