Mỹ điều chỉnh quy định phân phối vắcxin, Canada mua thêm 20 triệu liều

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Mỹ sẽ cho phép các nhà sản xuất đưa tất cả những vắcxin sẵn có ra phân phối thay vì phải dự trữ một số lượng nhất định để phục vụ việc tiêm mũi thứ hai.
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer cho người dân. (Ảnh: PAP/TTXVN).

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer cho người dân. (Ảnh: PAP/TTXVN).

Ngày 12/1, Bộ Y tế Mỹ thông báo chính phủ liên bang sẽ cho phép các nhà sản xuất đưa tất cả những vắcxin sẵn có ra phân phối thay vì phải dự trữ một số lượng nhất định để phục vụ việc tiêm mũi thứ hai.

Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vắcxin cho người dân nước này.

Phát biểu với kênh truyền hình ABC, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar ước tính hiện năng lực sản xuất vắcxin của Pfizer và Moderna đã đủ để đáp ứng mũi tiêm thứ hai đúng hạn cho người dân.

Bình luận này cho thấy đã có sự điều chỉnh trong kế hoạch được công bố trước đó rằng vắcxin có sẵn sẽ không được mang ra tiêm hết mà sẽ có một lượng được giữ lại để tiêm đúng hạn mũi thứ hai cho những người đã được tiêm mũi đầu.

Mũi thứ hai của vắcxin Pfizer/BioNtech và Moderna cần được tiêm sau mũi thứ nhất lần lượt 3 và 4 tuần. Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tuyên bố nhất trí với cách tiếp cận này.

Chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của Mỹ được cho là khá chậm chạp trong thời gian đầu, nhưng tới nay đã có dấu hiệu cải thiện tốc độ.

Trong số 25,4 triệu liều vắcxin đầu tiên được phân phối cho các bang tới nay, có 8,9 triệu liều đã được tiêm cho người dân (tương đương 35%).

Bộ trưởng Azar cũng khuyến nghị các bang nên nới lỏng tiêu chuẩn phù hợp để tiêm vắcxin, bắt đầu với những người trên 65 tuổi nhưng không có bệnh lý nền và người 65 tuổi có bệnh lý nền.

Ông Azar cũng cho biết việc tiêm chủng tới nay mới chỉ được thực hiện tại các bệnh viện cần phải được mở rộng ra các hiệu thuốc, trung tâm y tế và các điểm tiêm chủng quy mô lớn.

Theo phân tích của Quỹ Gia đình Kaiser, tất cả các bang của Mỹ và thủ đô Washignton đều triển khai tiêm chủng theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Cụ thể, giai đoạn 1a ưu tiên các nhân viên y tế và những người sống nhiều năm trong các viện dưỡng lão. Sau đó, giai đoạn 1b ưu tiên các đối tượng từ 65 tuổi trở lên.

Bộ trưởng Azar cũng cho biết cơ chế vắcxin của Chính phủ Mỹ (Operation Warp Speed) sẽ thay đổi cách phân phối vắcxin để khuyến khích các bang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và báo cáo tình hình hoạt động. Theo đó, việc phân phối vắcxin trong tương lai sẽ gắn với tiêu chí về tỷ lệ tiêm chủng cũng như tỷ lệ dân trên 65 tuổi ở các bang.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ chính quyền mới của ông Joe Biden có tiếp tục cách làm này khi ông nhậm chức từ ngày 20/1 tới hay không.

Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 377.000 ca tử vong và cũng đang trải qua đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất với hơn 3.000 ca tử vong mới mỗi ngày.

Các chuyên gia dịch tễ lo ngại tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng lây lan cao hơn, xuất hiện nhiều hơn tại Mỹ.

Vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer-BioNtech. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer-BioNtech. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Cũng trong ngày 13/1, Canada thông báo đạt thỏa thuận mua thêm 20 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, theo đó cho phép tiêm chủng cho hơn 50% dân số nước này trước mùa Hè.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho biết đối tác cũng sẽ đẩy nhanh việc bàn giao vắcxin cho Canada trong vài tháng tới.

Theo ông Trudeau, từ giữa tháng 4-6/2021, nước này sẽ có đủ vắcxin để tiêm cho khoảng 20 triệu người, tương đương hơn 50% dân số đất nước.

Kế hoạch trên, kết hợp với chương trình tiêm vắcxin của Moderna đã được triển khai song song trong tháng 12/2020, sẽ giúp Canada đạt được mục tiêu mỗi người dân đều sẽ được tiêm mũi vắcxin đầu tiên trước tháng 9/2021.

Trong kế hoạch dự phòng, Canada đã đặt mua hoặc làm việc với 7 hãng dược phẩm khác với tổng số liều vắcxin được xem xét trong những phương án này lên tới 400 triệu liều.

Tính đến ngày 12/1, Canada ghi nhận hơn 673.000 ca bệnh, trong đó có 17.000 ca tử vong.

Tin bài liên quan