Ông Obama không dễ “qua cửa” Hạ viện khi Đảng Cộng hòa còn nắm quyền kiểm soát.

Ông Obama không dễ “qua cửa” Hạ viện khi Đảng Cộng hòa còn nắm quyền kiểm soát.

Mỹ: Cuộc chiến tài khóa đe dọa các mục tiêu khác

(ĐTCK) Nước Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục các cuộc tranh cãi xung quanh chính sách tài khóa của nước này. Cuộc chiến tài khóa đang đe dọa các mục tiêu chính sách khác.

Ngay sau khi vấn đề “vách đá tài chính” được đẩy lùi, Tổng thống Barack Obama đã rảo bước tới bục phát biểu của Nhà Trắng để nói lời cảm ơn với các nhà lãnh đạo trong Quốc hội của cả hai đảng, đồng thời nhắc nhở họ về những thách thức chính sách khác sẽ cần đến sự hợp tác của hai bên.

Obama có một danh sách các mục tiêu tham vọng cho nhiệm kỳ thứ hai của mình, gồm: cải cách chính sách nhập cư, đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước, kiểm soát súng ống, và trên tất cả có lẽ là tìm cách cải thiện nền kinh tế cũng như thu nhập của người dân.

“Không chỉ là chúng ta có thể làm được những việc này, đó còn là bổn phận với chính chúng ta và với các thế hệ tương lai. Tôi sẽ làm việc với từng thành viên của Quốc hội để thực hiện bổn phận này trong năm nay”, Obama nói.

Tuy nhiên, động thái giảng hòa của ông Obama với các nghị sĩ đảng Cộng hòa không phủ lấp được thực tế hiềm khích ở Đồi Capitol, thứ sẽ gây khó dễ cho bất kỳ mục tiêu nào trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống.

Mâu thuẫn xung quanh vấn đề “vách đá tài chính” đã làm xói mòn mối quan hệ giữa ông Obama và đối tác thương lượng quan trọng nhất của ông ở Quốc hội, John Boehner, Chủ tịch Hạ viện, người của đảng Cộng hòa.

“Tôi không nghĩ ai trong số họ xem người còn lại có thể chia sẻ quan điểm với họ”, William Galston, một cựu quan chức của chính quyền Clinton , hiện đang làm việc cho Viện Brookings nói.

Ngay bên trong Quốc hội, mối quan hệ giữa các lãnh đạo thượng viện thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là Harry Reid và Mitch McConnell, hai “lão tướng” có thể thường xuyên tìm ra cách giải quyết công việc chung, cũng bị sứt mẻ bởi các cuộc tranh luận xung quanh “vách đá tài chính”.

Trước mắt, các cuộc tranh cãi về tài khóa sẽ lấn át các vấn đề chính trị trong khoảng vài tháng, với vấn đề nổi lên là nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2013.

Chỉ riêng thỏa hiệp xử lý “vách đá tài chính” cũng sẽ là một trở ngại cho nền kinh tế Mỹ, chủ yếu do việc chấm dứt chính sách miễn thuế tiền lương, mà thực chất là tăng thu nhập cho tầng lớp trung lưu.

“Nền kinh tế cần một sự kích thích, nhưng với thỏa thuận trên, nhiều sắc thuế sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2013”, William Gale, chuyên viên của Trung tâm Chính sách thuế ở Washington nói. “Với hầu hết hộ gia đình, thuế đánh vào tiền lương còn nặng hơn cả thuế thu nhập, vì thế, việc miễn loại thuế này trước đây có ý nghĩa kích thích hiệu quả hơn miễn thuế thu nhập”.

Những cuộc tranh cãi sắp tới sẽ có thể có một tác động tương tự, khi các chính trị gia Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ bước vào các cuộc thương lượng nâng trần nợ trong những tuần tới với một… bàn tay mạnh mẽ hơn nhiều so với khi họ trao đổi về “vách đá tài chính”.

Dưới áp lực của “vách đá tài chính”, các loại thuế có thể tăng lên, bất chấp các nghị sĩ Đảng Cộng hòa làm gì. Tuy nhiên, việc nâng trần nợ sẽ không thể được thực hiện nếu họ không bỏ phiếu cho nó.

Dave Camp, người đứng đầu một ủy ban giám sát các chính sách thuế của Quốc hội Mỹ cho biết, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã không đả động gì đến việc nâng trần nợ mà chỉ chú trọng đến việc cắt giảm chi tiêu mạnh hơn. “Trước khi chúng ta nâng mức giới hạn nợ, chúng ta phải giảm chi tiêu đã”, ông Camp nói .

Nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa còn có suy nghĩ cá nhân, họ coi cuộc tranh đấu về trần nợ là cơ hội để “trả thù” cả Nhà Trắng và các nhà thương thuyết trong nội bộ đảng mình nhằm gây áp lực chấp thuận việc tăng thuế trong tuần này.

Trong tất cả những vấn đề phủ kín lịch làm việc của Tổng thống Obama, luật nhập cư có hy vọng lớn nhất sẽ được thông qua, khi Đảng Cộng hòa thất bại trong việc thuyết phục các nhóm thiểu số ủng hộ họ trong năm 2012 và giờ họ muốn sửa chữa thất bại đó.

Còn với những vấn đề còn lại, khi mà Đảng Cộng hòa còn nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Obama cần tất cả những kỹ năng “tán tỉnh và dụ dỗ” để thuyết phục Quốc hội rằng, chả có dấu hiệu nào về sự phát triển của đất nước cả.