Mỹ có nguy cơ mất quyền phủ quyết tại WB

Mỹ có nguy cơ mất quyền phủ quyết tại WB

Mỹ có nguy cơ mất quyền phủ quyết tại WB Mỹ có nguy cơ đánh mất quyền phủ quyết và cương vị lãnh đạo tại Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các ngân hàng phát triển đa phương khác, nếu Quốc hội nước này tiếp tục cắt giảm vốn chi cho các thể chế tài chính quốc tế.

 

 Mỹ có nguy cơ mất quyền phủ quyết tại WB ảnh 1

Mỹ có nguy cơ mất quyền phủ quyết tại WB.

 

Mỹ có nguy cơ đánh mất quyền phủ quyết và cương vị lãnh đạo tại Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các ngân hàng phát triển đa phương khác, nếu Quốc hội nước này tiếp tục cắt giảm vốn chi cho các thể chế tài chính quốc tế.

 

Cảnh báo trên được bà Lael Brainard, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế nêu ra trong phiên điều trần trước Tiểu ban các dịch vụ tài chính Hạ viện mới đây. Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của WB với quyền bỏ phiếu 15,85% để nắm quyền phủ quyết mọi quyết định của ngân hàng.

 

Tờ WSJ dẫn lời bà Brainard cho hay, nếu Quốc hội Mỹ không ủng hộ các yêu cầu tăng vốn của WB, nước này sẽ mất quyền phủ quyết duy nhất có được tại thể chế tài chính đa phương này. Như vậy, Mỹ không thể sử dụng công cụ tài chính này để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị trong thế giới đang phát triển.

 

Bà Brainard khẳng định, Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt nếu nguy cơ này trở thành hiện thực vào thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết hiện nay.

 

“Chúng tôi tin tưởng rằng, WB đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự lãnh đạo của Mỹ suốt mấy thập kỷ qua. Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của WB, và sẽ là một thiệt hại lớn nếu Mỹ mất quyền lãnh đạo WB vào thời điểm này”, bà Brainard nhấn mạnh.

 

Quốc hội Mỹ đang xem xét yêu cầu của Tổng thống Obama bổ sung vốn cho WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác, trong bối cảnh cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tiến vào giai đoạn cam go.

 

Ngày 13/6, IMF đã chính thức công bố danh sách ứng cử viên chức Tổng giám đốc thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này. Danh sách gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens.

 

Cả bà Lagarde và ông Carstens đều được đánh giá là những ứng cử viên tiềm năng. Hiện cả hai quan chức này đều đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các nền kinh tế chính có ảnh hưởng lớn tới quá trình lựa chọn người lãnh đạo của IMF.

 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Bộ trưởng Tài chính Pháp Lagarde có ưu thế hơn so với ông Carstens với sự ủng hộ từ các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, nơi bà đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

 

Bầu chọn lãnh đạo IMF cũng là tiến trình gắn với việc lựa chọn chức Chủ tịch WB. Theo một quy định bất thành văn từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, châu Âu giành quyền chỉ định người đứng đầu IMF và Mỹ giành quyền chỉ định người đứng đầu WB suốt bảy thập kỷ qua.

 

Các nền kinh tế mới nổi hiện đang gây sức ép để Mỹ ủng hộ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens, vào chức Tổng Giám đốc IMF trong cuộc chạy đua không cân sức của ông này với bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp.

 

Tuy nhiên, nếu không ủng hộ ứng cử viên đối thủ là bà Christine Lagarde, Mỹ có nguy cơ mất khả năng bổ nhiệm Chủ tịch WB.

 

Mặc dù, Mỹ không công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ ai và giữ thái độ trung lập, nhưng theo giới phân tích, dù thế nào, Mỹ cũng sẽ ủng hộ ứng cử viên của châu Âu để đảm bảo quyền chỉ định của Mỹ ở WB và được đảm bảo chỉ định nhân vật số hai của IMF.