Mỹ: Bẫy thanh khoản cho những kẻ săn tìm lợi suất

Mỹ: Bẫy thanh khoản cho những kẻ săn tìm lợi suất

(ĐTCK) Môi trường tiền rẻ đã khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ chạy theo lợi suất, khiến dòng tiền đang tích tụ trong một không gian mà lối thoát đang ngày một nhỏ đi tương đối.

Chạy theo lợi suất

Trái phiếu lợi suất cao trên thị trường Mỹ đã có một chặng đường kỷ lục. Với lợi nhuận lũy kế hơn 150% tính từ năm 2009, trái phiếu lợi suất cao đã chiến thắng cổ phiếu trong 3 trong 6 năm qua. Nhưng thị trường hiện đang sẩy chân và cơ quan quản lý thị trường đã đưa ra cảnh báo về những dấu hiệu bong bóng giá. Sự kết thúc trong tương lai gần của chính sách lãi suất thấp của Fed có thể dẫn nhà đầu tư bước vào một chặng đường trông gai.

Trong quá trình phục hồi nền kinh tế, phản ứng chính sách của Fed đã nuôi dưỡng nhu cầu của nhà đầu tư đối với các sản phẩm tín dụng, cho phép các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp được tái cấp vốn một cách rẻ mạt.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đã tăng lên 10.000 tỷ USD từ mức 6.000 tỷ USD và hiện đã chiếm hơn 2/3 tổng giá trị trái phiếu phát hành cho các nhóm đối tượng. Với tốc độ tăng trưởng 4%, tỷ lệ thất nghiệp gần 6% và những dấu hiệu tăng lương, nền kinh tế Mỹ hiện đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ yên ổn.

Nhưng sự kết thúc của chính sách tiền rẻ có thể biến các nhà hoạch định chính sách thành nạn nhân của chính sự thành công của họ. Trong 5 năm qua, các thị trường tín dụng đã lôi kéo các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm chuyển hướng đầu tư từ các trái phiếu chính phủ lợi suất thấp và các quỹ thị trường tiền tệ sang các tài sản nợ lợi suất cao tín nhiệm thấp.

Dòng chảy vốn này có thể đảo ngược nếu chính sách tiền tệ thay đổi khuynh hướng, y như những gì đã xảy ra ngay sau khi Fed tuyên bố cắt giảm gói nới lỏng định lượng hồi năm ngoái. Trên thực tế, các quỹ tương hỗ lợi suất cao và các quỹ ETFs của Mỹ đã ghi nhận mức thoái vốn kỷ lục 7,1 tỷ USD trong tuần đầu tháng 8.

Nguy cơ nghẽn giao dịch

Cùng thời điểm này, các ngân hàng ít có khả năng thực hiện được những giao dịch dễ dàng trên các thị trường thứ cấp, do bị dàng buộc bởi quy định hà khắc hơn và mức vốn pháp định cao hơn. Thanh khoản thấp có thể trở thành một “cái bẫy” đối với người bán, tăng tốc độ giảm giá. Điều này khiến cho các thị trường tín dụng trở nên dễ bị tổn thương bởi một sự rút lui khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Giới quản lý vừa gia tăng các cảnh báo. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh đến điểm yếu của trái phiếu lợi suất cao và các món vay đòn bẩy trong một đánh giá mới nhất về nền kinh tế Mỹ. Quỹ này đưa ra cảnh báo về “một rủi ro đổ vỡ khi số lượng nhà đầu tư cố gắng rút khỏi những thị trường nhất định tăng đột biến - có lẽ sẽ bị làm cho trầm trọng hơn bởi hoạt động tháo chạy khỏi các quỹ FTFs và quỹ tương hỗ, cũng như việc mất thanh khoản thị trường trong ngắn hạn”.

Một sự đổ vỡ như vậy sẽ đánh mạnh vào cả nền kinh tế: hơn một nửa người lao động Mỹ làm việc cho các công ty có phát hành trái phiếu với gần 10% trong số đó có lợi suất cao. Bất chấp những cảnh báo trên, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho đến nay vẫn tỏ ra lạc quan về vấn đề này khi nói rằng, “có bằng chứng về hiện tượng chạy theo lợi tức”, nhưng “lo ngại bất ổn tài chính vẫn ở mức vừa phải”.

“Nhưng lo ngại đó là có cơ sở, ít nhất ở 3 lý do”, Alberto Gallo, Trưởng nhóm nghiên cứu tín dụng vĩ mô của ngân hàng RBS, nhận định.

Thứ nhất, theo Gallo, đó là Fed đang tiến gần đến ngày rút hoàn toàn khỏi chương trình kích thích kinh tế vô tiền khoáng hậu của mình.

Thứ hai, chính sách tiền tệ nới lỏng đã khuyến khích làn sóng đầu tư rủi ro trên các thị trường tín dụng. Các nhà đầu tư đang chạy đến với những tài sản rủi ro hơn; doanh nghiệp đổ xô đi vay tiền để trả cổ tức cao hơn, mua lại cổ phiếu, hay phục vụ việc thâu tóm, sáp nhập.

Thứ ba, quan trọng nhất, hệ thống truyền dẫn của các thị trường tín dụng đã thay đổi. Các hộ gia đình và các quỹ tương hỗ sở hữu tới 37% các khoản tín dụng, tăng từ khoảng 29% trước khủng hoảng, theo dữ liệu của Fed. Trong bối cảnh đó, các nhà môi giới có ít khả năng hạn chế rủi ro và lấy lại cân bằng cho thị trường: một chỉ số do RBS ước tính cho thấy, thanh khoản của thị trường đã giảm 70% từ năm 2007.

Nhưng Fed vẫn tự mãn

Giới quản lý đã tập trung nâng cao sức khỏe cho các ngân hàng, nhưng chủ quan với những rủi ro trên thị trường tín dụng. Richard Fisher, Chủ tịch Fed ở Dallas, đã miêu tả cách tiếp cận này như một “phòng tuyến Maginot” - tuyến phòng thủ của Pháp nhằm chặn quân Đức trong Thế chiến II, nhưng thất bại.

Ông Fisher muốn ám chỉ rằng, việc lệ thuộc duy nhất vào công tác giảm sát an toàn vĩ mô có thể tạo ra “sự tự tin giả tạo”, không ngăn được khủng hoảng trên các thị trường tín dụng hiện đang cung cấp 80% nguồn tài chính cho các doanh nghiệp.

Các trái phiếu lợi suất cao đã bị bán mạnh trong những ngày vừa qua, nhưng mọi sự có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Fed quay sang thắt chặt tiền tệ.  

Tin bài liên quan