Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan "có đi có lại" (chính sách thuế đối ứng mới) đối với hàng loạt quốc gia, có hiệu lực từ 9/4.
Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%. Theo biểu thuế mới này, hơn 90% hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 46% (trước đó chỉ 7%, 10%, 12%, 17%, 27%..., tuỳ mặt hàng - PV)
Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chung quanh vấn đề này.
![]() |
TS Nguyễn Quốc Việt |
Ông nhận định thế nào về động thái áp thuế mới này của chính quyền Tổng thống Donald Trump?
Cách đây vài tháng, ngay từ lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump có động thái áp thuế cao với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc, tôi đã cảnh báo cuộc thương chiến mà Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng. Và điều đó đã xảy ra.
Thời điểm đó, Việt Nam chưa nằm trong các quốc gia bị Mỹ áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực.
Tuy nhiên, tôi cho rằng sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn, trong đó có Việt Nam.
Cần lưu ý rằng, chính quyền Mỹ, đặc biệt dưới thời Trump 2.0, có xu hướng sử dụng thuế suất như một công cụ mặc cả trong quan hệ thương mại. Bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu. Đó là lý do tôi nhấn mạnh Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Mặt khác, một hệ quả tất yếu của căng thẳng thương mại là sự dịch chuyển sản xuất. Các doanh nghiệp Đông Bắc Á có thể chuyển một phần sản xuất sang Đông Nam Á để né thuế, từ đó làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa các nước đó và Mỹ.
Đó cũng là lý do Việt Nam bị Mỹ "soi" kỹ hơn, khi khoảng cách giữa xuất khẩu vào Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ ngày càng lớn.
Việt Nam sẽ chịu tác động thế nào từ chính sách thuế này?
Khi các biện pháp thuế quan và trừng phạt qua lại giữa các nền kinh tế lớn leo thang, giá cả hàng hóa sẽ tăng mạnh. Doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển phần thuế này vào giá bán, khiến người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu chi phí cao hơn.
Đối với doanh nghiệp, chi phí cao sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ bị giảm sức cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Mỹ.
Cụ thể, các ngành dệt may, thủy sản, điện tử sẽ chịu tác động mạnh mẽ, vì Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của các ngành này.
Hậu quả là nếu không có giải pháp kịp thời, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác hoặc giảm thị phần tại Mỹ.
Riêng đối với Việt Nam, những mặt hàng chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Khi doanh nghiệp các nhóm này bị ảnh hưởng, Việt Nam cũng sẽ mất đi nguồn thu từ thuế và cơ hội tạo việc làm.
Đối với nền kinh tế nói chung, Việt Nam còn chịu tác động cộng hưởng từ cú sốc toàn cầu, bao gồm chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế, làm giảm sút thương mại toàn cầu và đầu tư quốc tế.
![]() |
Số liệu thống kê của Hoa Kỳ từ năm 2002 đến 2024 cho thấy, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ tư với nước này (sau Trung Quốc, EU và Mexico) |
Khi xuất khẩu và nhập khẩu giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc duy trì sự tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước (vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động)…
Bên cạnh đó, nếu phải chịu mức thuế cao, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ giảm đi rất nhiều. Trước đây, Việt Nam có lợi thế thu hút FDI nhờ vào việc các nhà đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc do chiến tranh thương mại và các chính sách thuế quan từ Mỹ. Giờ đây, các nhà đầu tư có thể quay trở lại Mỹ hoặc chuyển sang các quốc gia khác với chi phí sản xuất và mức thuế thấp hơn.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để giảm thiểu những tác động này?
Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng có các biện pháp đàm phán để hạ mức thuế suất này xuống. Theo tôi, khó có cơ sở để đàm phán mức nền 10% vì Việt Nam nằm trong top 5 nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, tuy nhiên chúng ta kỳ vọng có thể thương thảo để kéo từ mức 46% xuống còn khoảng 25-30%.
Thời gian hiện đã rất gấp rồi, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần làm ngay ba biện pháp sau đây:
Thứ nhất: Cần bày tỏ thiện chí sẵn sàng minh bạch giải trình cũng như đòi hỏi trách nhiệm giải trình từ chính phủ Mỹ. Trước hết, hai bên nên đối chiếu lập luận để làm rõ số liệu. Mỹ nói Việt Nam đang áp thuế 90% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ và Mỹ phải áp thuế đối ứng 46% với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam - vậy dựa trên cơ sở nào?
Khi tham gia chuỗi thương mại, Việt Nam phải đi qua một nước thứ ba là bình thường, nhất là với những sản phẩm trung gian đầu vào. Nếu Mỹ cho rằng có sự "rửa xuất xứ" của hàng hoá nước thứ ba trước khi vào Việt Nam thì phải lập luận rõ ràng hơn. Việt Nam cũng cần biết mức độ Mỹ muốn đòi hỏi ở chính sách thuế quan của Việt Nam...
Việc hai bên đàm phán song phương để minh bạch các con số là cần thiết. Là động thái để các nhà hoạch định chính sách kết luận các con số đưa ra có cảm tính hay không. Trong trường hợp Việt Nam nhượng bộ mở cửa thị trường, giảm điều kiện hàng rào thương mại cho Mỹ thì đó là cơ sở để làm việc lại với các hiệp hội, ngành hàng...
Thứ hai: Chính phủ Việt Nam không nên hành động đơn độc mà cần có sự phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để thống nhất cách thức làm việc và tranh thủ sự ủng hộ chung tay của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nên trao đổi với cộng đồng các nước ASEAN để có tiếng nói chung, cách thức giải quyết vấn đề chung. Lưu ý rằng các quốc gia ASEAN cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan này.
Thứ ba: Chính phủ Việt Nam cần thể hiện thiện chí và cam kết rõ ràng của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ thể hiện thế mạnh của họ khi đầu tư ở Việt Nam.
Đàm phán thì quan trọng là đặt triển vọng trong tương lai chứ không nên chỉ dừng ở ngắn hạn. Trong đó, cần nhấn mạnh về việc tạo điều kiện cho những hàng hoá có công nghệ cao và đặc biệt là những dịch vụ thế mạnh của Hoa Kỳ, lĩnh vực mà Việt Nam hiện nay cũng đang bị thâm hụt thương mại lớn do phụ thuộc nước ngoài.
Việc này có thể sẽ làm giảm thâm hụt thương mại qua lại giữa hai nước và là cơ sở để đàm phán đi đến thành công.

Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ sẽ sang làm việc với Chính phủ Mỹ
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu thuế suất cao nhất
Thuế quan Mỹ áp cho Việt Nam là 46% đối ứng với mức thuế mà Mỹ tính toán Việt Nam đang áp cho Mỹ là 90%.
Nằm trong nhóm cao nhất với Việt Nam có Campuchia (49%, 97%), Lào (48%, 95%) và Madagascar (47%, 93%), Myanmar (44%, 88%), Thái Lan (36%, 72%), Sri Lanka (44%, 88%), Trung Quốc (34%, 67%)... Riêng Trung Quốc cộng với 20% đã áp trước đó là 54%, đối ứng mức 67%.
![]() |
Mỹ áp dụng biểu thuế đối ứng mới từ 9/4/2025 (Ảnh: BBC) |
Tiếp theo là Bangladesh (37%, 74%), Serbia (37%, 74%), Botswana (37%, 74%), Đài Loan - Trung Quốc (32%, 64%), Indonesia (32%, 64%), Thụy Sĩ (31%, 61%), Nam Phi (30%, 60%), Pakistan (29%, 58%), Tunisia (28%, 55%), Kazakhstan, (27%, 54%), Ấn Độ (26%, 52%), Hàn Quốc (25%, 50%), Malaysia (24%, 47%), Liên minh châu Âu (20%, 39%), Philippines (17%, 34%),...
Nhóm các nước chịu mức thuế 10% đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ có Vương quốc Anh, Australia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Morroco, Saudi Arabia, Argentina, Colombia, Chile, Brazil, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore, Cộng hòa Dominicana, Guatemala, El Salvador, Honduras và Peru.
Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ, tăng 22,48 tỷ USD(tương ứng tăng 23,2%) so với năm 2023; chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, có 15 nhóm ngành hàng xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt, may; điện thoại; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; chất dẻo; thủy sản; túi xách, ví, vali; đồ chơi, dụng cụ thể thao; sắt thép; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hạt điều, dây điện và dây cáp điện…
![]() |
Có 3 nhóm hàng áp đảo gồm: Máy tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD (19,4%); máy móc thiết bị với 22,05 tỷ USD (18,5%) và dệt may với 16,15 tỷ (13,5%).