Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp là nơi hứng chịu hậu quả thảm khốc từ Covid-19. Đối diện với khó khăn bủa vây, họ rắn rỏi và… không rơi lệ, bởi sau họ, là cuộc sống, là gia đình của người lao động.

Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng. Hàng trăm triệu người mất việc. Việt Nam cũng chịu tổn thương từ cơn sóng dữ quái ác. Hàng triệu lao động không có việc làm. Tuy nhiên, họ không cam chịu buông tay, phó mặc số phận. Cuộc chiến tìm phao cứu sinh vẫn tiếp diễn.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc ảnh 1

Bài 3: Doanh nhân không khóc

Doanh nghiệp - nơi tạo ra triệu triệu việc làm cũng là nơi hứng chịu hậu quả thảm khốc từ Covid-19. Cũng như triệu người đang xoay vần, bám trụ thị thành, những người chủ doanh nghiệp đã có ngàn cách để né đòn. Họ rắn rỏi và… không rơi lệ, bởi sau lưng họ, là cuộc sống, là gia đình của những người lao động.

Còn sống là còn cơ hội

Không hoảng hốt hay lo ngại như khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội  vào tháng 3/2020, lần này, khi Covid-19 trở lại, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group bình tĩnh hơn. Bởi với ông, còn sống là còn cơ hội.

“Những tháng qua, chúng tôi đã làm được việc phi thường là truyền cho tất cả anh em trong Công ty tinh thần thích ứng với thời cuộc. Họ đã thích nghi rất tốt, tìm ra cách bán hàng mới, sáng tạo và linh hoạt hơn. Chúng tôi quyết tâm hơn với đợt dịch thứ hai này”, ông Hà khẳng định.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc ảnh 2

Dịch bệnh đã chặn đứng luồng khách quốc tế, buộc Lux Group phải thay đổi và linh hoạt hơn, đa năng hơn trong lĩnh vực du lịch nội địa, vận tải, du thuyền.

Trước khi cơn lốc Covid-19 ập đến, Lux Group đã ngụp lặn trong vùng an toàn. Đó là thời hoàng kim khi doanh thu luôn tăng trưởng 30% mỗi năm, nhân viên làm không hết việc, 99% khách hàng của Công ty là khách quốc tế.

“Dịch bệnh đã chặn đứng luồng khách quốc tế, buộc chúng tôi phải thay đổi và linh hoạt hơn, đa năng hơn trong lĩnh vực du lịch nội địa, vận tải, du thuyền”, ông Hà chia sẻ.

Ông nhấn mạnh, trong trạng thái “bình thường mới”, Lux Group đã chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp để tinh gọn hơn. Sau khi số hóa toàn bộ doanh nghiệp và đồng lòng vượt bão, Lux Group cắt bỏ những hoạt động không cần thiết, tập trung vào giá trị cốt lõi và thế mạnh nhằm tạo ra những trải nghiệm du lịch sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao.

Cũng đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhưng trước tác động của Covid-19, Lê Xuân Vinh (33 tuổi) chủ chuỗi 8 khách sạn trên phố cổ Hà Nội lại quyết định nhảy sang lĩnh vực hoàn toàn mới.

Sự xuất hiện của anh mới đây khiến người quen đối diện suýt không nhận ra, bởi suốt từ khi Covid-19 ập đến, họ chưa gặp nhau.

“Do nhiều đêm thức trắng đấy! Bao công sức và tâm huyết gây dựng giờ đổ xuống sông, xuống biển, hàng tháng đều phải lo vay lãi để nộp tiền nhà. Buồn nhất là hàng trăm nhân viên không biết bám víu vào đâu trong thời buổi khó khăn thế này. Tôi đã thử đầu tư chứng khoán, buôn khẩu trang với mong muốn kiếm được chút ít để lấy ngắn nuôi dài, vậy mà suýt lỗ, nếu không rút vốn nhanh”, với gương mặt hốc hác, Vinh lý giải trước sự băn khoăn của cô bạn.

Vinh vốn là người hào sảng, nhưng giờ đây, mỗi câu nói anh thốt ra đều nặng trĩu. Trước Covid-19, mỗi tháng, doanh thu 8 khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội của anh đạt khoảng 12 tỷ đồng. Từ đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4, có 6 khách sạn phải đóng cửa. Hai khách sạn mở cửa sau giãn cách, công suất chỉ đạt 35 - 50%, doanh thu vừa đủ trả tiền thuê nhà và lương nhân viên. Thế nhưng, sau một thời gian cố gắng cầm cự, anh phải cắn răng quyết định đóng cửa để bảo đảm an toàn, khi đợt dịch mới đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

“Hai khách sạn mở cửa chỉ đủ sống thoi thóp, nhưng còn có chỗ cho nhân viên làm việc. Giờ đóng cửa, cả 200 nhân viên của tôi đều thất nghiệp. Hầu hết, họ đều đã về quê trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh nhỏ”, Vinh tâm sự.

Nhìn ra ngoài trời, mưa ngày càng nặng hạt, bầu trời mịt mùng. “Bão tố này không biết khi nào sẽ qua”, Vinh thở dài. Anh bảo, khi Covid-19 quay trở lại, rất nhiều doanh nghiệp giống như người không biết bơi, bị rơi xuống nước, vẫy vùng mãi mới ngoi được lên để hít thở, thì lại có một cơn lốc xoáy nhấn chìm họ xuống.

Vinh không tưởng tượng được xã hội sẽ đi về đâu, bởi thất nghiệp là một trong những nguyên nhân chính sinh ra các tệ nạn xã hội. 

Anh tính mở hàng bán vịt trời đặc sản. Lãi cũng chẳng là bao, nhưng thời buổi người khôn, của khó, phải làm cái gì chắc ăn, không còn sức để phiêu lưu nữa.

“Doanh nhân khóc không ai thương đâu. Mình có tuổi trẻ, có trình độ, có kinh nghiệm, sợ gì không kiếm được miếng ăn”, Vinh trầm ngâm. Anh còn tính, khi nào hết dịch sẽ “tái khởi nghiệp”, làm lại từ đầu với một khách sạn nho nhỏ như 10 năm trước đã làm.

Biển lặng thì không có thủy thủ giỏi

Với ngành dịch vụ ăn uống, thì những ông chủ “sống sót” qua đợt dịch bùng phát hồi đầu năm cũng chỉ mới khôi phục hoạt động khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều cơ sở chưa lấy lại mức doanh thu như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc ảnh 3

Mô hình nhượng quyền cà phê pha máy mang đi của Coffee Bike tăng trưởng mạnh về điểm bán và đơn hàng.

Riêng đợt cao điểm giãn cách xã hội hồi tháng 4 đã cuốn mất của Hoàng Tiễn, đồng sáng lập, CEO chuỗi Coffee Bike nổi tiếng ở TP.HCM một mặt bằng đẹp ở quận 1.

“Chúng tôi cùng nhau xoay xở, sáng tạo nhiều cách để bán nhiều hàng hơn”, Tiễn nói. Tại chuỗi cửa hàng và điểm bán có chỗ ngồi lại của Coffee Bike, doanh thu giảm 15 - 20% sau giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, mô hình nhượng quyền cà phê pha máy mang đi thì tăng trưởng mạnh về điểm bán và đơn hàng.

Từng là thương hiệu gắn liền với vỉa hè, sau biến cố TP.HCM dẹp vỉa hè gần 2 năm trước, Coffee Bike chuyển từ kinh doanh vỉa hè sang kios và quán. Tiễn vẫn đang phiêu lưu và nghĩ mình là “thủy thủ”, nhưng nếu biển lặng thì sẽ không có thủy thủ giỏi. 

Tiễn đóng gói và nhượng quyền mô hình kinh doanh cho người muốn kinh doanh cà phê pha máy. Sau giai đoạn giãn cách, nhu cầu mua mô hình này nhiều hơn, tình hình kinh doanh tiến triển. Nhưng rồi, Covid-19 quay trở lại. Vào thời điểm này, thật khó để lên một kế hoạch kinh doanh.

“Những người kinh doanh đều bảo nhau phải “thủ” sẵn dòng tiền mặt, để có thể trụ được trước những cơn sóng lớn do dịch gây ra. Tôi cũng chọn kế án binh bất động, ưu tiên phòng thủ”, Tiễn nói.

Cũng kinh doanh trong lĩnh vực đồ uống, với cơ sở tại khu phố cổ Hà Nội - một trong những địa điểm bị sóng sánh mạnh nhất trong cơn bão đại dịch, ông Nguyễn Văn Cường,  nghệ nhân nấu bia thủ công và sáng lập thương hiệu C-Brewmaster đang chứng minh, việc sống sót sau dịch cần nhiều nguồn lực và sự bền bỉ.  Với ông, khi đối mặt với suy thoái, để cứu mình, cần suy nghĩ và hành động mới.

“Chúng tôi đã và đang bán bia cả online lẫn offline”, ông Cường chia sẻ.

Không chỉ vậy, người nghệ nhân này còn hiện thực ước mơ lâu nay là tổ chức tour thăm nhà máy ở Mê Linh (Hà Nội) và Tiền Giang cho những du khách chưa từng biết về bia thủ công. Chỉ với 600.000 đồng, du khách tham gia tour được nghe, được kể, được cười sảng khoái, được trải nghiệm những sản phẩm độc đáo...

“Lợi nhuận ít, nhưng tour này được nhiều người yêu thích, nên chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức”, ông Cường nói.

Dẫu vậy, ông cũng xác định,  khó khăn vẫn ở phía trước, thậm chí là khó khăn hơn, vì vậy, phải chủ động có kế hoạch dự phòng.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc ảnh 4

Du khách thưởng thức bia thủ công C-Brewmaster.

Giải pháp bất thường trong tình thế bất thường

Sau lưng doanh nhân là người lao động. Doanh nghiệp đóng cửa, thì việc làm cũng đi theo. Vì vậy, chỉ khi những người chủ doanh nghiệp đứng vững, thì người lao động mới có cơ hội kiếm sống, để sống và sống tốt hơn.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC đã chứng kiến và đi lên sau những biến cố xảy ra với doanh nghiệp trong 3 thập niên qua. Nhưng đợt Covid-19 này đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên khó tránh khỏi tâm lý u ám, thậm chí buông xuôi nơi những người làm ăn, kinh doanh.

Ông nhấn mạnh: “Khó khăn còn ở phía trước, nhưng chúng ta không thể buông tay. Trong khó khăn nhất thời phải có giải pháp tình thế”.

Câu chuyện về sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử trong mùa dịch đã được Chủ tịch Tập đoàn TTC đề cao, khi nó làm thay đổi đức tính tiết kiệm, chi li của phần lớn người phụ nữ Việt Nam. Đó là câu chuyện điển hình về việc tìm kiếm các giải pháp để tồn tại trong mọi biến cố.

Rất ngán khi dịch quay lại là tâm lý chung của giới kinh doanh. Đặc biệt, những doanh nghiệp kinh doanh nằm trong top những ngành bị ăn “cú đấm” mạnh nhất từ đại dịch, như dịch vụ, du lịch, khách sạn, ăn uống, giao thông, vận chuyển hành khách, rồi đến các ngành công nghiệp chế tạo, gia công và sản xuất.

Nhưng với kinh nghiệm đã trải qua đợt giãn cách xã hội lần trước, họ đã kịp thời có những giải pháp không theo quy luật bình thường, nhanh tay nắm lấy những cơ hội tồn tại, thậm chí là phát triển trên sự thay đổi bất ngờ ấy để sẵn sàng bước vào cuộc chiến sinh tồn mới.

Các ông chủ với cái đầu có “sỏi” trên thương trường đã xoay vần từ giải pháp ngắn hạn đến những chiến lược dài hơi. Đó là bước chuyển về hình thức, còn bước chuyển về bên trong tư duy mới là điều cần nhất lúc này.

Để làm được điều đó, họ phải quản trị, điều hành và kiểm soát thật tốt để có sức đề kháng, không bị “đột quỵ”.

Cuộc chiến với đại dịch này thực sự gian nan, nên chưa thể mong có thay đổi lớn lao trong thời gian ngắn nếu mỗi cá nhân không hành động, mà chỉ mong ước hay than phiền.

“Lúc này, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp, doanh nhân là phải cùng nhau hợp lực, tìm quyết sách đột phá trên cơ sở đồng cảm và chia sẻ với nhau”, ông Thành nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan