Muôn vẻ “né luật” trên thị trường trái phiếu

Muôn vẻ “né luật” trên thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chịu tác động từ quy định về điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ, tổng lượng mua trái phiếu của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường sơ cấp đã giảm mạnh.

Nhà đầu tư cá nhân “bị siết”

Dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây cho thấy, trong quý I/2021, các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 1.529 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, chỉ bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ trọng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân giảm từ 19,7% trong quý I/2020 xuống mức 4,1% trong quý I/2021. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua 412 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng và 1.117 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Đáng chú ý, các công ty chứng khoán mua 7.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% lượng phát hành quý I/2021, bao gồm 5.300 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, 1.100 tỷ đồng trái phiếu năng lượng, 1.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng. Các công ty chứng khoán là trung gian phân phối trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất.

Nhìn rộng hơn, thị trường trái phiếu sơ cấp hạ nhiệt khi tổng lượng phát hành quý I/2021 là 37.400 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tỷ trọng phát hành ra công chúng tăng lên 19% (từ mức bình quân 5% của năm 2020).

Diễn biến trên được cho là chịu tác động đáng kể từ quy định mới của Luật Chứng khoán, yêu cầu các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phát hành riêng lẻ phải có xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân muốn được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cần phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán còn hiệu lực, hoặc xác nhận của các công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán về giá trị thị trường của các dnah mục chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch tại thời điểm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo Luật Chứng khoán, giá trị này phải đạt tối thiểu 2 tỷ đồng.

Một trường hợp khác được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.

Do Nghị định quy định chung chung như trên nên theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và công ty chứng khoán, rất khó để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chẳng hạn, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân được phép mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán, vậy họ có được cộng gộp giá trị các tài khoản hay chỉ được tính trên 1 tài khoản. Thời điểm xác nhận của công ty chứng khoán là thời điểm nào, vì tài khoản của khách hàng liên tục biến động?

Do cách hiểu mỗi nơi mỗi khác nên thị trường nảy sinh 101 cách chứng nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Nghị định cũng không quy định rõ nhà đầu tư phải lấy xác nhận mỗi năm một lần hay chỉ cần lấy 1 lần và được dùng mãi mãi.

Liên quan đến thu nhập chịu thuế trên 1 tỷ đồng còn phức tạp hơn, đó là thu nhập tính cả tiền công, tiền lương hay chỉ là lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán, trái phiếu, hay giá trị đầu tư trái phiếu từ 1 tỷ đồng trở lên?

Do cách hiểu mỗi nơi mỗi khác nên thị trường nảy sinh 101 cách chứng nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trong đó, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) có dịch vụ cung cấp xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp rất đáng chú ý. Cụ thể, nhà đầu tư được khuyên thực hiện 2 bước.

Bước 1: Mua trái phiếu chứng nhận để xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp bằng cách đặt lệnh mua một số lượng trái phiếu niêm yết do TCBS tính toán và gợi ý nhằm đạt tổng số dư nắm giữ sau khi mua là 2 tỷ đồng chứng khoán niêm yết. Sau khi mua trái phiếu chứng nhận, tài khoản của khách hàng được tự động nâng cấp lên tài khoản chuyên nghiệp trong vòng 24 giờ.

Bước 2: Sau 2 ngày làm việc, hệ thống sẽ tự động bán lại trái phiếu chứng nhận đã mua ở trên để hoàn lại tiền cho khách hàng.

Quan sát cách xác nhận trên, nhiều thành viên thị trường đặt câu hỏi, với cách đầu tư như vậy, liệu có nên coi đó là các nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Ở một công ty chứng khoán lớn khác, nhân viên tư vấn của công ty cho biết, hiện có dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, với giá gần chục triệu đồng/xác nhận.

Chuẩn bị cho thị trường bùng nổ

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được nhiều công ty chứng khoán nhận định sẽ tăng tốt trong quý II/2021, trong đó sẽ có thêm các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết) lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông nhiều doanh nghiệp họp trong tháng 4 đều có nội dung này.

Các doanh nghiệp bất động sản được nhận định vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất và lãi suất phát hành có thể tăng lên. Thị trường thứ cấp có thể có biến động nhất định vào cuối quý.

Trong năm 2020, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 463.700 tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2019.

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 191.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%); tiếp theo là nhóm ngân hàng phát hành 130.500 tỷ đồng (28,2%); năng lượng và khoáng sản phát hành 40.600 tỷ đồng (8,8%); định chế tài chính khác phát hành 11.300 tỷ đồng (2,4%); phát triển hạ tầng phát hành 8.800 tỷ đồng (1,9%); còn lại là các doanh nghiệp khác.

Trở lại với quý I năm nay, các tổ chức phát hành ra công chúng đa phần là các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup (mã VIC), Tập đoàn Masan (mã MSN), Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (mã LPB), Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Ngoại thương (mã VNT). Còn lại, đa phần các doanh nghiệp thực hiện phát hành riêng lẻ.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đứng đầu cả về quy mô phát hành và lãi suất. Cụ thể, khối doanh nghiệp này phát hành 23.150 tỷ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường.

Kỳ hạn bình quân các trái phiếu bất động sản phát hành đã giảm mạnh xuống 2,9 năm (từ mức bình quân 3,9 năm của cả 2 năm 2019 và 2020).

Mặc dù kỳ hạn trái phiếu ngắn hơn nhưng lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản lại tăng so với quý IV/2020, lên mức 10,41%/năm và hiện là nhóm có lãi suất cao nhất thị trường. Nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (chỉ 4,67%/năm).

Lượng phát hành trái phiếu dự kiến sẽ gia tăng trong quý II/2021 do quý I thường là quý thấp điểm phát hành trong năm (thời điểm Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp).

Thống kê của SSI cho thấy, lượng phát hành quý II các năm 2019 và 2020 đều tăng từ 111 - 160% so với quý liền trước. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất và lãi suất phát hành có thể tăng lên.

Một động lực thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát hành trái phiếu là do tín dụng bất động sản tính đến cuối quý I/2021 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (2,93%).

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản. Bởi vậy, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Lãi suất trái phiếu bất động sản nhích tăng sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác và có thể là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với kênh tiền gửi tiết kiệm cũng như chứng khoán, nếu khả năng kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư trong giai đoạn này khó khăn.

Tin bài liên quan