Khoảng trống pháp lý trong Luật Doanh nghiệp đối với DNNN gây ra tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan

Khoảng trống pháp lý trong Luật Doanh nghiệp đối với DNNN gây ra tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan

Muốn siết DNNN chỉ có cách sửa Luật

(ĐTCK) Việc quản lý DNNN hiện trông chờ vào các văn bản dưới luật, nên bộc lộ nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cần bổ sung một chương về DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty.

Muốn siết DNNN chỉ có cách sửa Luật ảnh 1

Khoảng trống pháp lý trong Luật Doanh nghiệp đối với DNNN gây ra tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan

Luật hóa là cần thiết

Với tư cách là thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang có những bước tham vấn cộng đồng DN, các chuyên gia, để hoàn chỉnh bản dự thảo sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp đầu năm sau và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2014.

Một trong những nội dung đáng chú ý mà Ban soạn thảo đề nghị các DN, chuyên gia tập trung cho ý kiến là Luật Doanh nghiệp sửa đổi có nên luật hóa chế định về DNNN, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty, các DN hoạt động độc lập theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu…, để khắc phục khoảng trống pháp lý hiện hành.

Sở dĩ Ban soạn thảo đặt ra chủ điểm “nóng” trên, bởi sau khi Luật DNNN 2003 hết hiệu lực, nhưng khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời lại không có quy định điều chỉnh về thành lập, hoạt động, quản lý và giám sát DNNN, nên hiện không có luật nào quản lý DNNN, mà trông chờ vào hệ thống nghị định, thông tư… Trong khi khối DN này hiện nắm giữ lượng tài sản rất lớn của dân, của Nhà nước, nên theo các chuyên gia, việc quản DNNN chỉ dừng ở cấp văn bản dưới luật là không ổn, mà cần siết quản lý DNNN bằng việc định ra các quy định mới ở tầm luật.

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đề nghị, việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này cần tạo đột phá, trong đó có cả đột phá về quản lý DNNN. Do DNNN cũng là một loại hình DN, nên trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Ban soạn thảo nên xem xét quy định một chương riêng về hệ thống DN này, để đảm bảo làm minh bạch hóa hoạt động của DNNN, giảm thiểu rủi ro cho tài sản của dân, của Nhà nước hiện do các DN này nắm quá lớn, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty.

“Việc ban hành một chương riêng về DNNN trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi là cần thiết, nhằm tạo ra hành lang pháp lý đủ chặt chẽ và thống nhất trong quản lý DNNN.

Đây là một trong những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đầu tư tràn lan, đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, làm mất vốn của Nhà nước…”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam kiến nghị.

 

Luật chơi phải bình đẳng, minh bạch

Bình đẳng, minh bạch, tuân thủ luật chơi của thị trường là ba yêu cầu chính yếu mà các chuyên gia đề nghị Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm khi tính toán phương án luật hóa chế định về DNNN, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty.

“DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty hiện được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, nhưng kinh doanh lại không hiệu quả, không tuân thủ luật chơi bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường như các loại hình DN khác. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, biểu hiện qua khả năng chèn ép các khu vực DN ngoài Nhà nước, mà còn khiến khối tài sản của Nhà nước để tại DNNN đối mặt với nhiều rủi ro…”, Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự cảnh báo và cho rằng, để khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý DNNN, việc luật hóa chế định về DNNN là cần thiết.

Trong đó, điều quan trọng nhất là xác định rõ phạm vi kinh doanh mà DNNN hoạt động, để các loại hình DN ngoài Nhà nước nắm được đâu là sân chơi của họ. Đây là cách vừa ngăn chặn tình trạng đầu tư tràn lan, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực Nhà nước như hiện tại, mà còn giúp khối DN dân doanh chủ động hoạch định chiến lược hoạt động dài hơi, tránh đối mặt với rủi ro cạnh tranh không cân sức với DNNN.

Mặt khác, cơ chế mới về quản lý DNNN cũng cần quy định chi tiết tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN và người quản lý DNNN, thay vì quy định chung chung hiện tại, khiến khi xảy ra sai phạm, sẽ rất khó khăn trong việc quy trách nhiệm cá nhân cho từng thành viên ban điều hành DN…

Các khu vực DN ngoài Nhà nước, theo ông Tuấn, đang chịu sức ép lớn khi nhiều DNNN hoạt động không chịu sự điều chỉnh của các luật chơi bình đẳng, theo quy luật thị trường. Tình trạng kém minh bạch đang “tạo đất” cho người điều hành DNNN có cơ hội trục lợi tài sản của DN, mà thực chất là của nhân dân, của Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Ban soạn thảo cần thiết kế các quy định chặt chẽ, đồng bộ để buộc DNNN hoạt động minh bạch hơn. Theo đó, quan trọng nhất là minh bạch về mối quan hệ giữa các cấp quản lý nhà nước với DN; thông tin tài chính; quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự ban điều hành; về quyết định đầu tư các dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng…, để chủ sở hữu, cũng như người dân giám sát.

Là người tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết, ý kiến đa chiều của các chuyên gia sẽ được Ban soạn thảo chắt lọc, tiếp thu tối đa, để trình cấp có thẩm quyền quyết định trước khi hoàn chỉnh dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp đầu năm 2014.

Do thời gian hoàn thiện dự thảo không còn nhiều, nên Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận thêm các kiến nghị, đề xuất từ phía chuyên gia, cộng đồng DN, để việc luật hóa chế định về DNNN đảm bảo chặt chẽ, có tính khả thi cao. 

>>Sắp có giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu DNNN

>>Thua lỗ, lãnh đạo DN vẫn thu tiền tỷ

>>Nhiều sếp DNNN vẫn "giấu" được lương tiền tỷ