Muôn nẻo M&A

Muôn nẻo M&A

0:00 / 0:00
0:00

Chiến lược M&A được thực thi theo cách thức nào thì hiệu quả dòng tiền, lòng tin cho các cổ đông, sự an tâm cho khách hàng, không vi phạm pháp luật… vẫn là đích đến của các thương vụ.

“Đi tắt đón đầu” bằng M&A

An Thịnh Group được hình thành từ nhóm các công ty, cá nhân với hàng chục năm kinh nghiệm, nhưng ít người biết đến, cũng bởi cách thức “đi tắt đón đầu” thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A), đẩy nhanh phát triển các dự án của tên tuổi này.

Chỉ trong thời gian ngắn, An Thịnh Group đã ghi tên mình trên bản đồ thị trường bất động sản phía Bắc với nhiều dự án lớn có quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng ở địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Dự án Tổ hợp căn hộ - Trung tâm thương mại và Văn phòng hạng A, The Legacy ngay ngã tư Ngụy Như Kontum - Lê Văn Thiêm; Dự án Phú Cát City tại Thạch Thất - Hà Nội; Tổ hợp nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng, điều dưỡng và vui chơi giải trí Legacy Hill Hòa Bình; Khu biệt thự nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái Hồ Lụa; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Reenco Hòa Bình; Khu đô thị Hòa Bình Green…

“Đi tắt, đón đầu” qua M&A dự án đã giúp An Thịnh Group nhanh chóng tạo lập quỹ đất. Thế nhưng, con đường này không dễ dàng, chưa kể, những dự án mà An Thịnh mua lại đều là dự án “đắp chiếu” lâu năm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch An Thịnh Group thừa nhận, cái khó nhất trong việc hồi sinh các dự án “rùa” là tìm được tiếng nói chung giữa các bên liên quan, bao gồm ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng cố hữu (nếu có).

Theo bà Hương, khi mua lại dự án, doanh nghiệp có thể thay tên dự án để phù hợp với chiến lược phát triển mới và đổ tiền vào phát triển. Song, nếu không đàm phán được với khách hàng cũ và các bên có liên quan thì rất khó có thể đưa dự án tới thành công, bởi chỉ những dự án tốt mới bán được hàng.

Do vậy, khi tham gia tái khởi động các dự án “đắp chiếu”, An Thịnh Group xác định phải lấy hành động để chứng minh thực lực và uy tín của mình, từ đó làm khách hàng yên tâm khi đổ tiền vào dự án.

Bất đồng về quyền lợi với khách hàng chỉ là một vấn đề, vấn đề còn lại là khi An Thịnh Group tham gia vào dự án, thì sẽ khởi động lại ra sao và sau khi thành hình liệu có khác biệt hoặc mang tới nhiều lợi ích hơn so với những gì chủ đầu tư cũ từng cam kết không.

Điều này đòi hỏi ngoài tài chính chắc chắn phải có, An Thịnh Group cũng phải bắt được “bệnh” thực sự của dự án, từ đó tìm đúng thầy với đơn thuốc chuẩn để chữa.

“Với các doanh nghiệp, bài toán lợi nhuận luôn là tối quan trọng, nhưng An Thịnh Group chấp nhận đánh đổi một phần lợi ích để tạo giá trị vượt trội cho dự án của mình”, bà Hương khẳng định.

Không ẩn mình như An Thịnh Group, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) là cái tên tốn nhiều giấy mực của báo chí và độ quan tâm của giới đầu tư trên thị trường M&A Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.

Giới chuyên môn cho rằng, chiến lược M&A của Novaland không khác mấy so với Vingroup. Hầu hết các thương vụ M&A mục tiêu của Novaland thường được mua gom bởi các cá nhân, pháp nhân thuộc “họ” Novaland, sau đó mới được tập đoàn này mua lại, tùy vào mục đích cụ thể ở từng giai đoạn phát triển. Các địa bàn chính mà Novaland có mặt là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Thuận và Đồng Nai.

Novaland đang sở hữu 75 công ty con và 6 công ty liên kết. Kết thúc 3 quý đầu năm 2020, Novaland đã thực hiện được 90% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm, ghi nhận 3.298 tỷ đồng, tăng 204% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù Ban lãnh đạo Công ty cho rằng, đây là một năm đầy thách thức, nhưng chiến lược dài hạn sẽ không thay đổi.

Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng lớn từ Covid-19, tên tuổi này đã và đang nhanh chóng kích hoạt các dự án và thực hiện các hoạt động M&A hiệu quả. Bên cạnh đó, Novaland tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thoái vốn tại các dự án đạt tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng.

Riêng quý III/2020, Novaland đã hoàn tất thỏa thuận chuyển nhượng 51% cổ phần đang nắm giữ tại một công ty sở hữu dự án bất động sản thuộc khu vực trung tâm TP.HCM. Dự kiến, các giao dịch chuyển nhượng khác sẽ được hoàn tất trong quý cuối năm và trong năm 2021.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng nợ vay và nợ thuê tài chính của Novaland ghi nhận là 44.396 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay tăng chủ yếu từ các khoản vay phục vụ cho hoạt động M&A của doanh nghiệp.

Ngoài Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi, An Gia, LDG Group đang săn tìm quỹ đất mới thông qua các thương vụ M&A. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2020, Danh Khôi đã tiến hành M&A khá nhiều dự án lớn, mỗi thương vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ mua lại 100% vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư Dự án Sun Frontier.

Ngoài dự án trên, Danh Khôi cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại Dự án Đà Nẵng Hotel and Resort, có quy mô 7,5 ha từ Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước; mua lại 3 lô đất vàng có diện tích hơn 11.000 m2 tại Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP. Nha Trang, Khánh Hòa).

Hậu M&A tái cấu trúc toàn diện

Trong lĩnh vực nhà hàng và quầy uống (F&B), thì ngành sữa cũng liên tục diễn ra các thương vụ M&A. Trong đó, Vinamilk nổi lên là “ông lớn” có nhiều thương vụ M&A nhất. Đây được coi là chiến lược quan trọng để đưa Vinamilk vào top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu.

Theo kế hoạch tăng tốc trong 5 năm 2017 - 2021, Vinamilk sẽ đầu tư mạnh vào các thị trường đang phát triển và mới nổi, xây dựng các công ty con thành công thông qua M&A và hợp tác.

Vinamilk ước tính đã bỏ ra 300 triệu USD cho hoạt động M&A. Hiện Vinamilk sở hữu nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, điển hình như các thương vụ mua lại nhà máy sữa Driftwood (Mỹ), nhà máy tại Ba Lan, Công ty Đường Khánh Hòa và gần đây nhất là thương vụ với GTNfoods mà đích nhắm đến phía sau là Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Năm 2019, vụ hợp nhất GTNFoods đưa Mộc Châu Milk về chung nhà với Vinamilk được bình chọn vào Top 10 vụ mua bán sáp nhập của năm do Diễn đàn M&A công bố. Thế mạnh quản trị, tài chính và công nghệ được xem là những yếu tố giúp Vinamilk cải tổ thành công nhiều công ty mới gia nhập hệ thống. Sau tái cấu trúc và thay đổi toàn diện chiến lược phát triển, các doanh nghiệp này đều ghi nhận kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2013, Vinamilk chi 10 triệu USD mua lại Driftwood, nhà máy sữa tại Mỹ. Nhà máy thành lập năm 1920 và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học Nam California hơn 50 năm qua. Đến năm 2016, công ty sữa của Việt Nam chính thức sở hữu 100% cổ phần nhà máy này. Sau khi Vinamilk tham gia, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà máy chuyển biến rõ nét, ghi nhận doanh thu nhiều năm đều hơn 100 triệu USD. Năm 2019, Tập đoàn tăng gấp đôi vốn đầu tư, lên 20 triệu USD, giúp Driftwood đạt doanh thu 114 triệu USD cùng năm.

Hay như cuối năm 2017, Vinamilk tiếp quản và tham gia điều hành Vietsugar. Từ khi tham gia nắm giữ 65% cổ phần của Vietsugar, Vinamilk đã chuyển đổi mô hình quản trị công ty từ quản lý tập trung theo định hướng cá nhân sang quản trị công ty theo các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp. Nhờ đó, doanh thu Vietsugar tăng gấp ba lần, lợi nhuận từ con số âm đã có lãi và lợi nhuận năm 2019 tăng hơn 200% so với năm 2018. Công ty này cũng giúp Vinamilk dần hoàn thiện chuỗi cung ứng và chủ động nguồn nguyên liệu.

Năm 2019 được giới chuyên gia kinh tế nhận định là năm cực kỳ sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam. Đình đám nhất có thể kể đến các thương vụ của Tập đoàn Masan. Sau M&A, những “đứa con” đều có kết quả kinh doanh khởi sắc.

Chẳng hạn, sau khi hoàn tất mua 52% cổ phần Công ty cổ phần Bột giặt Net (mã CK: NET), Masan có kế hoạch tích hợp NETCO với hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước. Theo Masan, đây là một trong những lĩnh vực lớn nhất và hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh. NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Lợi nhuận NET liên tục tăng thời gian gần đây và vừa lập kỷ lục 48 tỷ đồng trong quý II/2020, ngay sau khi trở thành công ty con của Masan. Lợi nhuận 6 tháng cũng tăng trưởng 130% so với cùng kỳ.

Về với Masan, không chỉ có Bột giặt NET đạt được thành tích ngoạn mục, mà VinCommerce (VCM - công ty chủ quản hệ thống VinMart/ VinMart+ và VinEco) cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc vượt trội: tăng 40% doanh thu, giảm lỗ một nửa. Trong năm nay, Masan dự kiến mở mới 100 - 300 cửa hàng VinMart+ và 10 - 30 siêu thị VinMart. Song song với đó, Masan cũng sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150 - 300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.

Chờ lộ thiên

Trên đây chỉ là một trong số các thương vụ M&A mà giới truyền thông biết đến, còn rất nhiều thương vụ ẩn mình, hoặc âm thầm ít người biết.

“Thiên cơ bất khả lộ”, là điều mà bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch An Thịnh Group áp dụng. Thời gian tới, bên cạnh các dự án mới sẽ là những khu đô thị sinh thái gắn với các yếu tố Green, Eco, Smart City, Smart Home với quy mô tầm cỡ và được thị trường đón nhận, tập đoàn sẽ không ngừng săn tìm những dự án phù hợp.

Bề nổi của tảng băng thì ai cũng nhìn thấy, song theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự báo M&A tăng mạnh và sẽ có sự trở lại của nhà đầu tư “kền kền”chuyên thực hiện các thương vụ M&A với giá rẻ. Thậm chí, các nhà đầu tư “kền kền” đang tiếp tục hiện diện nhiều hơn, đặc biệt trong thời gian này và có thể trở lại mạnh mẽ như ở giai đoạn 2010 - 2012.

Nguyên do, theo ông Lực, Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản, phải tái cơ cấu toàn diện hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác. Trên thế giới, một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, lưu trú, hàng không (hàng loạt hãng hàng không đã tuyên bố phá sản tự nguyện hoặc nộp đơn xin bảo hộ phá sản).

Báo cáo của Euromonitor International mới đây chỉ ra rằng, sau khi chững lại vì Covid-19, dự báo hoạt động M&A khu vực Đông Nam Á sẽ tăng vọt vào năm tới, hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, các quốc gia Ấn Độ, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh (khoảng 26%), nhất là trong lĩnh vực dịch vụ truyền thống, mạng lưới phân phối, bán lẻ, bất động sản...

Tin bài liên quan