Muộn tràn lan
Mới đây, hàng loạt cổ phiếu đã bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp chậm công bố thông tin về đại hội cổ đông thường niên 2021, trong đó có cổ phiếu của một số doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn như PPH (Tổng công ty cổ phần Phong Phú), ACV (Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không Việt Nam), VSF (Tổng công ty Lương thực Miền Nam)…
Sau khi bị tạm dừng giao dịch 3 phiên từ 22-26/7/2021 nhưng không khắc phục được nguyên nhân, ngày 27/7/2021, HNX đã ra quyết định chỉ cho phép cổ phiếu ACV giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.
ACV đã lên kế hoạch họp đại hội cổ đông vào ngày 22/5/2021, sau đó xin gia hạn sang ngày 11/6/2021. Đến ngày 4/6/2021, Công ty bất ngờ ra thông báo hoãn họp với lý do dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại TP.HCM. Ngày 21/6/2021, ACV phát thư mời họp đại hội cổ đông vào ngày 28/6/2021 theo hình thức trực tuyến.
Công ty đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quy chế tổ chức họp trực tuyến với tỷ lệ tán thành 95,5%.
Nhưng một lần nữa, Công ty thông báo tạm hoãn, với lý do “để đảm bảo công tác tổ chức theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đến sáng ngày 27/7/2021, sau khi có biện pháp “tăng cường” của HNX, ACV đã tổ chức đại hội cổ đông thành công theo hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, dù quá thời hạn tổ chức đại hội cổ đông thường niên theo quy định được hơn 1 tháng, Vinafood 2 đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng” về kế hoạch tổ chức đại hội. Trên website Công ty ,không có bất kỳ thông tin nào liên quan.
Tương tự, trên website của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã HAF) cũng “vắng bóng” thông tin trên.
Theo ông Ngô Đức Long, Giám đốc Thực phẩm Hà Nội, Công ty dự định tổ chức đại hội vào tháng 5/2021 nhưng do vấn đề phòng chống dịch Covid-19 nên không thực hiện được. Công ty đã giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Công ty đang tính toán giải pháp tổ chức đại hội cổ đông theo hình thức trực tuyến hoặc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Phần lớn các doanh nghiệp chậm tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 đều biện hộ là do dịch Covid-19 bùng phát, như Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Đại Trường Thành Holdings (mã DTE), Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng cơ điện (mã EMG), Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (mã MTA), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (mã YTC), Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Tràng Thi (mã T12)…
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Vinatex Đà Nẵng (mã VDN) đã có công văn giải trình khá chi tiết với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về lý do chậm họp đại hội cổ đông.
Theo đó, vào cuối tháng 5/2021, Công ty có 2 ca nhiễm Covid-19 nên cán bộ, công nhân viên phải đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, nên mọi hoạt động bị tạm dừng. VDN có 174 cổ đông nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước nên khi dịch bệnh bùng phát Công ty phải hoãn họp cổ đông.
VDN cũng giải thích việc không tổ chức đại hội theo hình thức trực tuyến là “Điều lệ Công ty không quy định” và “Công ty đang sửa đổi và bổ sung thông qua tại đại hội đồng cổ đông lần này thì mới được áp dụng cho đại hội sau”.
Công bố thông tin đại hội cổ đông thường niên là yêu cầu bắt buộc đối với công ty đại chúng. Tối thiểu 21 ngày trước ngày khai mạc đại hội nếu điều lệ không quy định thời gian dài hơn, công ty đại chúng phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán về các nội dung như thời gian họp, tài liệu đại hội... Biên bản họp, nghị quyết họp phải được công bố trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện (Điều 10, Điều 11, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán).
Theo Quy chế đăng ký giao dịch chứng khoán của HNX, sẽ có thông báo cho phép các cổ phiếu nêu trên được giao dịch trở lại bình thường sau khi các công ty vi phạm thực hiện công bố thông tin về đại hội cổ đông thường niên năm 2021.
Trường hợp các công ty này vẫn không thực hiện công bố thông tin, hết thời hạn tạm dừng giao dịch, HNX sẽ xem xét áp dụng hình thức hạn chế giao dịch đối với các cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch đó.
Covid-19 không thể là lý do duy nhất
Đại hội cổ đông thường niên là dịp để cổ đông, nhà đầu tư tiếp cận với những thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của năm cũ, kế hoạch kinh doanh năm mới và dài hơi hơn. Đây cũng là dịp để cổ đông chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về những vấn đề nội tại, góp ý về chiến lược kinh doanh… Do vậy, đại hội cổ đông là sự kiện được cổ đông của doanh nghiệp và giới đầu tư rất mong chờ.
Khoản 2, Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, thời gian họp đại hội cổ đông thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị có quyền gia hạn họp trong “trường hợp cần thiết”, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Về hình thức tổ chức đại hội, Điều 144, Điều 147, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, đại hội cổ đông có thể tổ chức họp, hoặc lấy ý kiến để thông qua nghị quyết theo các hình thức sau: họp trực tiếp, bỏ phiếu trực tiếp; họp trực tuyến, bỏ phiếu trực tuyến theo các hình thức điện tử được quy định; họp bán trực tiếp, bán trực tuyến: phiên họp trực tiếp nhưng đồng thời có người tham dự trực tuyến cùng thời gian thực diễn ra phiên họp; lấy ý kiến bằng văn bản: gửi tài liệu, dự thảo nghị quyết, phiếu biểu quyết trước cho cổ đông và nhận lại phản hồi của cổ đông thông qua thư tín, fax, email, hoặc các hình thực giao nhận thư tín khác, sau đó tổng hợp ý kiến biểu quyết để thông qua nghị quyết.
Trước ý kiến “Điều lệ không quy định nên không họp trực tuyến”, luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty TNHH SaigonMind cho rằng: “Doanh nghiệp không nhất thiết phải sửa điều lệ mới họp đại hội cổ đông trực tuyến. Điều lệ không quy định nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể căn cứ vào luật để thực hiện. Pháp luật và điều lệ công ty có điều khoản cho phép Hội đồng quản trị có thể ban hành các quy chế như quy chế tổ chức bộ máy điều hành, quy chế họp đại hội cổ đông… thông qua đại hội bất thường hoặc lấy ý kiến bằng văn bản để ban hành các quy chế này”.
Dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài hơn 1 năm qua nên được coi là “yếu tố có thể nhận biết được” và không thể được xem là tình thế “bất khả kháng”
Cũng theo luật sư Hoành, dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài hơn 1 năm qua nên được coi là “yếu tố có thể nhận biết được” và không thể được xem là tình thế “bất khả kháng”.
Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, nếu coi dịch bệnh là tình thế bất khả kháng thì doanh nghiệp đã phải thực hiện các biện pháp để khắc phục việc đó, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện “hết sức” thì không được coi là bất khả kháng.
Thực tế, số doanh nghiệp chậm trễ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số các công ty đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nên việc “đổ thừa” cho đại dịch Covid-19 là rất khó chấp nhận.