Muôn kiểu xoay vốn của doanh nghiệp

Muôn kiểu xoay vốn của doanh nghiệp

Khó tiếp cận ngân hàng, nhiều ông chủ doanh nghiệp phải tìm mọi cách để có vốn làm ăn, nơi thì mượn từ dân cư, nơi lại chọn giải pháp vay chính nhân viên với lãi suất cao 24 phần trăm.

Chủ tịch một tập đoàn lớn chuyên ngành vận tải tại TP HCM than thở, hiện nay đơn vị ông đang rất cần nguồn vốn vay ngắn hạn để bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tất cả những gì có thể đem ra thế chấp để vay vốn ngân hàng như, trụ sở công ty, xe khách, hay uy tín thương hiệu, thậm chí ngay cả ngôi nhà của cá nhân ông...cũng đều đã đem ra làm tài sản đảm bảo.

 

Muôn kiểu xoay vốn của doanh nghiệp ảnh 1Khó tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp tự tìm cách xoay sở

 

Đây là giai đoạn khó khăn nên các đối tác làm ăn chung cũng kẹt tiền khiến họ không thể trả nợ cho doanh nghiệp. Để duy trì hoạt động của công ty và trả lương cho 25.000 cán bộ nhân viên, ông không còn cách nào khác là phải kêu gọi nhân viên đi tìm kiếm khách hàng cá nhân vay vốn.

 

Bằng cách này, đơn vị ông có thể vay được vốn bằng tín chấp mà không cần tài sản đảm bảo như ngân hàng. Theo đó, với các kỳ hạn ngắn 3, 6, 9 tháng, doanh nghiệp sẽ trả lãi cho khách là 13-15%, cao hơn lãi suất huy động trong ngân hàng, nhưng thấp hơn lãi suất cho vay. Riêng kỳ hạn dài, khách sẽ được hưởng lãi 16-18%.

 

Theo vị chủ tịch này, hiện nay nguồn vốn vay từ cá nhân chiếm khoảng 20% tổng vốn vay của công ty. Tuy nhiên, vì vay của từng cá nhân lẻ tẻ nên nguồn vốn không ổn định. "Có người cho vay chưa đến hạn nhưng vì cần tiền giải quyết chuyện gia đình liền đến đòi nợ bất ngờ. Hoặc có những khoản tiền đến hạn, nhưng đối tác chưa kịp thanh toán cho công ty khiến việc trả nợ cho khách bị chậm trễ, ngay lập tức nhân viên sẽ bị khách dùng những lời lẽ nặng nề nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng", ông tâm sự.

 

Câu chuyện một doanh nghiệp điều phải đi vay nóng bên ngoài trả nợ ngân hàng cũng được Chủ tịch Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam nêu ra tại Hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô ngày 20/7 như một bài học đau xót. Nợ tứ bề, bị người dân vây đòi tiền, ngân hàng chỉ chờ mỗi khi có nguồn tiền và hàng về là xiết, doanh nghiệp lâm vào phá sản, thậm chí còn đang chờ cơ quan điều tra xem xét tội danh lừa đảo, xử dụng vốn không đúng mục đích.

 

Bên cạnh việc vay vốn từ cá nhân, một số doanh nghiệp phải cầu cứu ngay chính nhân viên của mình. Trường hợp Công ty cổ phần du lịch Golf Việt Nam (VNG) phải vay lãi cao của nhân viên để trả nợ ngân hàng là một ví dụ.

 

Nghị quyết Hội đồng quản trị Công ty Vinagolf hôm tháng 5 cho biết, công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng vay vốn từ cán bộ công ty và nguồn khác với lãi suất 24% một năm. Khoản tín dụng này theo Quyết nghị của Hội đồng quản trị là để thanh toán các khoản nợ gốc và lãi đến hạn của Khách sạn Vinagolf AngKor tại hai Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Campuchia và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Siêm Riệp.

 

Lãnh đạo một công ty kinh doanh thuốc thú y trên đường Chùa Láng, Hà Nội cho biết: "Thời buổi ngân hàng khó gõ cửa thì thà vay chính nhân viên của mình còn hơn. Vay vốn của họ vừa để san sẻ khó khăn vừa tạo động lực để họ gắn bó cùng công ty".

 

Không chỉ hỏi vay nhân viên, các ông chủ doanh nghiệp có thể phải "gõ cửa" đến những người thân của mình để huy động vốn. Đầu tháng 7 năm nay, Công ty cổ phần Nhà Việt Nam cũng xin ý kiến cổ đông về việc huy động vốn từ chị ruột của một thành viên Hội đồng quản trị. Theo đó, khoản vay này sẽ có thời hạn 8 tháng với lãi suất 14% một năm. Theo công ty này, tài sản dùng để bảo đảm khoản vay là các tài sản và nguồn thu hợp pháp còn lại.

 

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, những câu chuyện trên một lần nữa cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn như thế nào trong tiếp cận vốn. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một trong những nguyên nhân khiến họ khó nắm được đồng vốn từ ngân hàng bởi họ yếu thế về quy mô cũng như uy tín. Ông cho rằng, việc doanh nghiệp bằng mọi giá tôn trọng hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng và xoay sở để trả lãi, nợ đúng hẹn là đáng ghi nhận.

 

Nhìn nhận về động thái doanh nghiệp đi vay vốn cá nhân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh doanh, một tiến sĩ luật thuộc trường Đại học Kinh tế-Luật TP HCM cho rằng, đây là một quan hệ dân sự giữa pháp nhân và cá nhân trên cơ sở tự thỏa thuận của đôi bên.

 

Theo ông, trừ trường hợp, nếu doanh nghiệp đi vay vốn từ cá nhân để cho vay lại thì là sai luật vì lúc này nó trở thành hoạt động tín dụng, chỉ có ngân hàng mới được phép thực hiện. Còn đây chỉ là hoạt động dân sự bình thường, có thể giúp doanh nghiệp cầm cự trong lúc khó khăn, nhưng nếu nó thành đại trà thì rất nguy hiểm. Bởi hoạt động này dù sao cũng tạo rủi ro cho người dân vì họ không có khả năng kiểm soát được nguồn vốn của mình khi cho doanh nghiệp vay. Mặc khác, do đây chỉ là quan hệ dân sự tự thỏa thuận nên không có sự quy định rõ ràng, sự kiểm soát chặt chẽ như hoạt động tín dụng của nhà băng.

 

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM nhấn mạnh, đây là quan hệ dân sự bình thường và pháp luật không cấm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc doanh nghiệp đi vay vốn cá nhân chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn để cầm cự tạm thời. Còn nếu duy trì lâu sẽ khiến cá nhân cho vay gặp rủi ro và bản thân doanh nghiệp cũng kiệt sức vì phải gánh lãi suất cao từ động thái vay này.

 

Về lâu dài, theo ông Dương, Việt Nam nên cố gắng phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh. Khi đó, người đi huy động vốn không chỉ có ngân hàng mà còn có tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần xóa bỏ sự độc quyền về vốn của ngân hàng, còn doanh nghiệp cũng không phải chịu cảnh lệ thuộc như bây giờ.

 

Nhưng để làm được việc này, ông Dương cho rằng, bên cạnh ba yếu tố chính là luật hóa rõ ràng, xây dựng độ tín nhiệm doanh nghiệp, phát triển thị trường thứ cấp, cần phải có một sự quyết tâm cao. Khi đó, Việt Nam mới tạo nên một thị trường tài chính hoàn hảo.

 

Trước đó, PGS. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng chia sẻ, người dân có tiền nhàn rỗi muốn sử dụng đồng vốn của mình như thế nào là quyền của mỗi người. Trong đó, lấy tiền cho doanh nghiệp, người thân quen vay với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm cũng là một cách để sinh lời. Điều này, về lâu dài sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn của các nhà băng.

 

Tuy nhiên, ông Ngân khuyến cáo, người dân nên cân nhắc kỹ giữa lợi ích và rủi ro. "Bởi bao giờ lợi ích càng cao thì rủi ro cũng càng lớn", ông nói.