Muôn kiểu lừa đảo chiếm đoạt cổ phần

Muôn kiểu lừa đảo chiếm đoạt cổ phần

(ĐTCK) Bị tước đoạt tư cách cổ đông, hay bị lãnh đạo doanh nghiệp chiếm đoạt phần vốn góp, tình huống đó không còn là chuyện hiếm. Để bảo vệ mình, không còn cách nào khác là cổ đông phải… vững luật.  

Câu chuyện tranh chấp giữa các nhóm cổ đông trong Công ty cổ phần Sản xuất hàng xuất nhập khẩu và xuất nhập khẩu Đống Đa (Dasimex) là một ví dụ điển hình về rủi ro bị chiếm đoạt cổ phần. Cụ thể, năm 2015, nhóm cổ đông gồm 4 cá nhân chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Vinh 20.496 cổ phần.

Các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng, nhưng chưa thanh toán tiền. Trong khi hoạt động chuyển nhượng chưa hoàn tất thì phía Dasimex đã xóa tên 4 cổ đông trên trong danh sách cổ đông Công ty. Còn bên nhận chuyển nhượng là bà Phạm Thị Vinh sang tay toàn bộ số cổ phần của mình cho hai con gái.

Nhóm 4 cổ đông theo đuổi vụ kiện đòi cổ phần từ năm 2015, đến đầu tháng 10/2017, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mới xác định, việc chuyển nhượng cổ phần chưa hoàn thành và tuyên buộc Công ty Dasimex phải khôi phục lại tư cách cổ đông cho nhóm cá nhân đó.

Còn trong vụ kiện hồi tháng 6/2017, ông Nguyễn Văn K. (Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên D. (ở Đà Nẵng) mất nhiều năm ròng đi đòi lại quyền sở hữu cổ phần. Theo hồ sơ vụ kiện, Công ty D. có vốn điều lệ 10 tỷ đồng với 8 thành viên góp vốn, trong đó, ông K. nắm giữ 5,5% vốn; Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng nắm 83% vốn (góp 8,3 tỷ đồng).

Năm 2014, Công ty D. thực hiện tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 16 tỷ đồng thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng. Tại phương án tăng vốn, Công ty quy định thành viên phải mua cổ phần của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng. Cụ thể, cứ 1 cổ phần của cổ đông Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng được góp vốn vào Công ty D. là 5.000 đồng.

Ông K đã mua 97.500 cổ phần của 74 cổ đông với số tiền 487,5 triệu đồng. Cộng với số lượng cổ phần cũ (8.100 cổ phần), ông K sở hữu 105.600 cổ phần của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng.

Quy đổi ra, ông K. được quyền góp thêm 528 triệu đồng vào Công ty D. Trong các ngày 28 - 29/4/2016, ông K góp tổng cộng 313 triệu đồng, nhưng không được Công ty cấp giấy chứng nhận số vốn góp này.

Đặc biệt, trong cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty D., ông K không được mời dự họp. Cuộc họp này đã thống nhất giảm vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng xuống 2,9 tỷ đồng; giảm số lượng thành viên từ 8 xuống còn 2 thành viên. Ngày 4/9/2014, Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Ngày 22/10/2014, Công ty tiếp tục tổ chức họp Hội đồng thành viên. Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng nhận chuyển nhượng nốt phần vốn góp của một cổ đông cá nhân. Do đó, công ty chuyển loại hình hoạt động thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Đáng nói là, ông K không rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn. Điều này đồng nghĩa là từ ngày 4/9/2014, ông K đã bị tước tư cách thành viên Công ty. Cho rằng phần vốn góp bị chiếm đoạt, cổ đông này khởi kiện vụ việc ra tòa án, buộc Công ty phải hoàn trả hơn 1 tỷ đồng.

Trên thực tế, tình trạng lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp lợi dụng, chiếm đoạt phần vốn góp của cổ đông xảy ra khá phổ biến. Đơn cử như trong vụ việc Công ty cổ phần An Phát (chủ đầu tư Dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân - ở Vĩnh Phúc), cổ đông tố cáo Giám đốc Công ty là bà Phan Thúy Mai có nhiều hành vi sai phạm góp vốn, chiếm dụng vốn.

Bà Mai bị khởi tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hành vi chuyển nhượng hai nền đất dự án thành tài sản cá nhân. Hậu quả là hoạt động doanh nghiệp bị đình trệ, dự án chậm tiến độ, còn quyền lợi của cổ đông bị xâm hại, nguy cơ mất vốn trầm trọng.

Hay như trong vụ án lừa đảo góp vốn đầu tư mỏ khoáng sản ở Lào của Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An, các cổ đông đã theo kiện 10 năm nay, nhưng quyền lợi hiện vẫn đang bỏ ngỏ vì vụ án tiếp tục bị hủy án, điều tra lại…

Khi xảy ra tranh chấp phần vốn góp, doanh nghiệp thường lựa chọn con đường thương lượng, nhưng việc thương lượng đòi hỏi sự khôn khéo của các bên. Theo luật sư Nguyễn Văn Thái, để giải quyết triệt để câu chuyện trên, các cổ đông cần hiểu quyền lợi của mình được quy định tại Điều lệ và Luật Doanh nghiệp. Khi phát hiện vi phạm của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông cần phản đối, hoặc tiến hành khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi kịp thời. 

Tin bài liên quan