TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

Muốn giải quyết nợ xấu, phải có sự chung sức từ phía ngân hàng

(ĐTCK) Đó là ý kiến của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khi trao đổi với ĐTCK.

Nợ xấu đang trở thành vấn nạn trong ngành ngân hàng, khiến dòng chảy tín dụng bị tắc nghẽn. Theo ông, có nên thành lập công ty mua – bán nợ xấu quốc gia?

Trên thực tế, thị trường đã có nhiều công ty mua – bán nợ, trong đó, có công ty mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính và các công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng. Vấn đề là các công ty mua bán nợ này có khả năng xử lý được các khoản nợ xấu đang tồn đọng hiện nay hay không? Vì nợ xấu ngành ngân hàng rất lớn, đó là chưa kể các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Các khoản nợ xấu này còn cao hơn nhiều so với nợ xấu ngân hàng.

 

Vấn đề khó khăn nhất trong giải quyết nợ xấu hiện nay là gì, thưa ông?

Đó là việc định giá các khoản nợ xấu. Chẳng hạn như nợ xấu liên quan tới bất động sản, trước đây bất động sản được định giá cho vay rất cao, giờ thị trường nhà đất giảm thì phải định giá lại món nợ này như thế nào?

Tôi cho rằng, để giải quyết được vấn đề nợ xấu, trước hết, các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh mục tiêu lợi nhuận, thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ.

Mặt khác, các nhà băng cũng cần mạnh dạn cho vay đối với các doanh nghiệp có dự án khả thi, dù hết tài sản để thế chấp. Có như vậy, ngân hàng mới giải quyết được đầu ra và các doanh nghiệp mới trả được nợ vay cũ. Bởi hiện thanh khoản của các ngân hàng đang khá dôi dư, nhưng khó cho vay ra.

 

Nhưng các ngân hàng cũng phải tự bảo vệ cái túi của mình, nhất là trước xu hướng nợ xấu gia tăng, nên khó có thể chấp nhận rủi ro để đẩy mạnh cho vay?

Đúng vậy! Với xu hướng nợ xấu gia tăng, khi cho vay ra, các ngân hàng phải tự thủ. Mặt khác, nếu đòi hỏi trích lập dự phòng đủ 75% cho các khoản nợ xấu thì các ngân hàng sẽ không còn lãi, thì lấy đâu ra để chia cổ tức cho cổ đông. Trong khi đó, các cổ đông lớn của ngân hàng luôn muốn đưa ra mức cổ tức cao để đẩy thị giá cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu không tìm sự đồng thuận với doanh nghiệp, ngân hàng sẽ khó giải quyết được vấn đề nợ xấu cũng như bài toán vốn đang ứ đọng. Trên thực tế, nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh trong những tháng cuối năm qua và nửa đầu năm nay, trong khi đó, nhà băng tiếp tục công bố con số lãi lớn. 

 

Phải làm sao để ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, thưa ông?

Để có thể giảm dần nợ xấu, ngân hàng và doanh nghiệp phải tìm được tiếng nói chung. Về phía ngân hàng, phải mạnh dạn cho vay với các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, nhưng hết tài sản thế chấp, giúp doanh nghiệp có thể xoay xở trả nợ cũ. Có như vậy, vấn đề nợ xấu mới dần được giải quyết. Bởi thực tế hiện nay, khả năng đổ vỡ của ngân hàng sẽ không còn, nhưng các nhà băng phải tăng cường huy động để giữ thị phần nên ngân hàng cũng cần có doanh nghiệp mới sống được.

 

Theo ông, phải mất bao lâu mới giải quyết được vấn đề nợ xấu ngân hàng?

Muốn xử lý nợ xấu không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian dài, thậm chí hàng chục năm. Nhưng trước hết, đòi hỏi các ngân hàng phải chung sức xử lý cục máu đông này, mới có thể giải quyết được bài toán vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu và đẩy mạnh cho vay.