Muốn có ông lớn “chống lưng”

Muốn có ông lớn “chống lưng”

(ĐTCK) Ngoài hỗ trợ tài chính, các ông lớn tạo ra nhiều giá trị vô hình, vì thế không ít DN luôn sẵn tư tưởng muốn có ông lớn “chống lưng”.

Hai đợt phát hành của Tổng CTCP Vinaconex (VCG) và Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX) tạm coi là thành công gần đây đều có sự hỗ trợ đắc lực từ các cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngoài hỗ trợ về nguồn lực tài chính khi cần thiết, những cổ đông như vậy tạo ra nhiều giá trị vô hình với doanh nghiệp, vì thế không ít doanh nghiệp luôn sẵn tư tưởng muốn có ông lớn “chống lưng”.

Theo Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX),  đợt phát hành tăng vốn điều lệ của tổng công ty này thực hiện được nhờ có sự hỗ trợ rất lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cụ thể, trong 125 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu của PVX chỉ có 9.609 cổ phiếu được đăng ký mua; 12,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cán bộ công nhân viên không có ai đăng ký mua; 100 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược không phân phối được cổ phiếu nào. Tổng số cổ phiếu còn lại sau đợt chào bán là 137.490.391 cổ phiếu.

Đợt phát hành thành công của Vinaconex mới đây có sự hỗ trợ đắc lực của tập đoàn, tổng công ty nhà nước

 

Khi các cổ đông khác từ chối mua cổ phần, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị có liên quan với ngành dầu khí đã quyết định mua vào số lượng lớn với giá 10.000 đồng/CP, trong đó, PVN mua 110 triệu cổ phiếu, Ngân hàng TMCP Đại Dương mua 4.090.391 cổ phiếu. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Xây dựng Đông Thành mua 15 triệu cổ phiếu, CTCP Đầu tư và Vật liệu PVV mua 8,4 triệu cổ phiếu. Kết thúc đợt chào bán, PVX thu được 1.375 tỷ đồng. Cộng thêm số cổ phiếu phát hành thêm để trả cổ tức cho năm 2010 theo tỷ lệ 5%, vốn điều lệ của PVX tăng từ 2.500 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Hiện, trong cơ cấu cổ đông của PVX, vốn nhà nước chiếm tỷ lệ 53,25%, cổ đông nước ngoài sở hữu có 18.028.356 cổ phần, chiếm tỷ lệ 4,51%.

Khi cổ phiếu PVX giảm xuống dưới mệnh giá, nguy cơ đợt phát hành thất bại, ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT của PVX vẫn tự tin cho hay, nếu các cổ đông hiện hữu từ chối mua cổ phần, Tập đoàn Dầu khí sẽ mua và hỗ trợ PVX như trước đây đã từng làm. Có ông lớn là PVN đứng sau sẽ hỗ trợ cho PVX rất nhiều trong sản xuất kinh doanh. Chính vì lẽ đó, mặc dù PVN chủ trương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PVX xuống 20% nhưng lãnh đạo PVX vẫn muốn PVN nắm quyền chi phối tại DN, cả về nhân sự cấp cao, thương hiệu và sản xuất kinh doanh. Nội dung này đã được Tổng công ty đưa ra xin ý kiến cổ đông để sửa đổi điều lệ doanh nghiệp tại cuộc họp ĐHCĐ năm ngoái. Lợi ích của việc có “ông lớn” chống lưng không thể phủ nhận, vì thế, rất nhiều cổ đông tổ chức là các quỹ đầu tư vốn rành rẽ về luật, sau khi suy nghĩ đã giơ phiếu biểu quyết thông qua.

Trước đó, đợt phát hành của Vinaconex (VCG) nếu không có sự tham gia của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ không thể hoàn thành do cổ phiếu rơi xuống dưới mệnh giá. Nhờ 2 tên tuổi trên, VCG đã phân phối thành công 141,71 triệu cổ phiếu, tương đương 70,86% tổng số cổ phiếu đăng ký phát hành. Hiện SCIC nắm 255,25 triệu cổ phiếu, tương đương 57,79% vốn điều lệ của VCG, Viettel nắm giữ 94,01 triệu cổ phiếu, tương đương 21,28% vốn VCG. Trước đợt phát hành, SCIC đã liệt kê nhiều vấn đề cần chấn chỉnh của VCG, trong đó, nổi bật là khả năng bất lợi về dòng tiền. Một lãnh đạo của SCIC cho hay, biết là doanh nghiệp “căng” song các cổ đông lớn phải ngồi lại, thống nhất hỗ trợ để DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Việc có ông lớn “chống lưng” quan trọng đến nỗi một số đơn vị thành viên của ngành than sau một thời gian tự chèo lái đã quyết tâm xin về dưới bóng của Tập đoàn. CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Vinacomin (V-Itasco) xin ý kiến cổ đông để bổ sung điều lệ Công ty giữ quyền chi phối của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam dù tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn tại doanh nghiệp này chỉ có 36%. Nhiều công ty họ HUD đang thực hiện tăng vốn cũng nhất nhất muốn Tập đoàn giữ quyền chi phối, dù có hoặc không tham gia các đợt tăng vốn của họ.

Xu hướng muốn có ông lớn chống lưng càng phổ biến ở giai đoạn kinh tế khó khăn, khi nhiều doanh nghiệp nhỏ khó chống đỡ với những thách thức và cạnh tranh trên thương trường. Việc duy trì quyền chi phối của các tập đoàn, tổng công ty lớn tại các đơn vị thành viên do ĐHCĐ của các doanh nghiệp quyết định. Điều đáng nói là xu hướng này có thể tạo ra những độc quyền ngành và mối quan hệ khép kín, trong nhiều trường hợp có thể phương hại lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, thay đổi cung cách quản trị doanh nghiệp, một trong những đích lớn nhất của việc cổ phần hóa và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các công ty cổ phần cũng khó có thể đạt như kỳ vọng ban đầu.