Muốn cải cách, phải cắt bỏ đặc quyền của các “ông lớn”

Muốn cải cách, phải cắt bỏ đặc quyền của các “ông lớn”

Thông điệp đẩy nhanh tái cấu trúc các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước vừa được phát đi sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Muốn tiến trình này đi vào thực chất và mang lại hiệu quả, cần mạnh tay cắt bỏ đặc quyền, đặc lợi mà các TĐ, TCT đang được thụ hưởng", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất khi trao đổi với ĐTCK.

Việc tái cơ cấu các TĐ, TCT, theo ông, nên bắt đầu từ đâu?

 

Có rất nhiều việc phải làm nếu muốn tái cấu trúc hoạt động của các TĐ, TCT đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ cần ban hành quy chế công khai thông tin áp dụng cho các TĐ, TCT theo thông lệ quốc tế, hoặc ít nhất là theo tiêu chí đang áp dụng cho các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, vì các TĐ, TCT là những DN còn có tính chất đại chúng lớn hơn rất nhiều so với các DN niêm yết. Lâu nay, việc công khai thông tin hoạt động của các TĐ, TCT mới chỉ thiên về thông tin tài chính, mà chưa chú ý tới nhiều thông tin quan trọng khác như: tình hình đầu tư, triển khai các dự án, đội ngũ lãnh đạo, các giao dịch quy mô lớn, biến động tài sản… Với thông tin được công bố đầy đủ, có hệ thống, kịp thời như vậy sẽ giúp thị trường giám sát hiệu quả hoạt động của các TĐ, TCT. Trên cơ sở đó, tạo áp lực cho ban điều hành DN dần từ bỏ thói quen hưởng đặc quyền, đặc lợi tồn tại suốt thời gian dài, để thay đổi tư duy, cách quản lý, điều hành DN theo nguyên tắc thị trường.

 

Theo ông, đâu là những những đặc quyền, đặc lợi mà các TĐ, TCT đang thụ hưởng?

 

Để có câu trả lời chuẩn xác, đầy đủ cần có nghiên cứu, đánh giá hệ thống. Bản chất của tái cơ cấu các TĐ, TCT là phải đặt các DN này vào môi trường hoạt động theo nguyên tắc thị trường, chịu sự điều tiết và giám sát của thị trường. Với cách nhìn như vậy, để đưa ra các biện pháp tái cơ cấu các TĐ, TCT hiệu quả, cần làm rõ xem họ đang được thụ hưởng những đặc quyền, đặc lợi gì, được tiếp cận những nguồn lực ưu đãi nào so với khu vực DN tư nhân; hoạt động của các TĐ, TCT đang không phải chịu sự ràng buộc của cơ chế thị trường mà ngược lại còn được o bế ra sao…

 

Việc chỉ ra những đặc quyền, đặc lợi không khó, nhưng biện pháp nào để cắt bỏ những ưu ái đó không đơn giản?

 

Một khi làm rõ được các vấn đề này, cần một quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo, điều hành cao nhất, để phát đi thông điệp rõ ràng rằng, nếu những đặc quyền đặc lợi mà các TĐ, TCT đang thụ hưởng mang tính chất thể chế, thì phải mạnh dạn cắt bỏ, còn những gì mang tính chất độc quyền tự nhiên, thì phải kiểm soát thật hiệu quả, chặt chẽ để đảm bảo quy luật thị trường được tuân thủ trong hoạt động của các DN này. Với luật chơi như vậy, nếu các TĐ, TCT làm ăn thua lỗ, thì dứt khoát Nhà nước không đứng ra bão lãnh cho họ vay vốn, không trả nợ thay DN. Những DN nào làm ăn thua lỗ thì buộc phải giải thể, phá sản như DN tư nhân, chứ không thể có hình thức chiếu cố như thời gian qua.

 

Muốn đạt mục tiêu như ông nói, thì Nhà nước phải sòng phẳng tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu tại các TĐ, TCT, bởi như vậy khi quy trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của DN, thì mới làm rõ được đâu là trách nhiệm của chủ sở hữu và ban điều hành DN?

 

Đúng vậy, ngoài thiết lập hệ thống quy định rõ ràng để tách bạch chức năng quản lý và chủ sở hữu tại các TĐ, TCT, Nhà nước cần kiên trì thực hiện cho bằng được các quy định này theo hướng thật chuyên nghiệp, đầy đủ và độc lập theo thông lệ quốc tế, thì mới tạo bước đột phá trong nâng cao năng lực quản trị tại các DNNN. Một khi hai chức năng này được tách bạch rõ ràng, thì sẽ tạo động lực cho ban điều hành DN luôn sáng tạo, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đổi mới công nghệ… để nâng cao hiệu quả hoạt động của TĐ, TCT. Khi đó, nếu cần thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, nước ngoài đầu tư vào DNNN không có gì khó khăn.

 

Nếu thực hiện đồng bộ, kiên trì và nhất quán các giải pháp trên ít nhất trong 2 năm, thì sẽ tạo ra sự thay đổi về chất trong hoạt động của các TĐ, TCT, qua đó, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả của tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng ổn định được vĩ mô và tăng trưởng bền vững.