Muốn an toàn, hãy mua cổ phiếu dược

Muốn an toàn, hãy mua cổ phiếu dược

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm ít khi thua lỗ, chủ yếu là lãi ít hay nhiều.

Tuần cuối tháng 3/2013, toàn bộ 16 doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012, trong đó 75% báo lợi nhuận tăng so với 2011. Trên 80% doanh nghiệp dược niêm yết tại 2 sàn chứng khoán đạt doanh thu hàng trăm cho tới hàng nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Dược phẩm Traphaco (TRA) và Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco là những đơn vị dẫn đầu với doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, theo số liệu của VNDirect.

Tổng lợi nhuận ngành dược niêm yết đạt hơn 1.200 tỷ đồng năm 2012, tăng gần 20% so với năm 2011. Trong đó, lãi khủng nhất vẫn là Dược Hậu Giang (DHG) với lợi nhuận sau thuế gần 497 tỷ đồng, tăng 18% so với 2011. Trên sàn giao dịch năm qua, giá cổ phiếu DHG tăng trên 45%, từ 57.000 đồng lên 83.000 đồng, tính theo giá đóng cửa ngày 25/3.

Muốn an toàn, hãy mua cổ phiếu dược  ảnh 1 Sản xuất thuốc tại nhà máy Dược Hậu Giang.

 

Đứng sau Dược Hậu Giang là Công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), kinh doanh trong cả lĩnh vực sản xuất dược và thiết bị y tế, đạt lợi nhuận 171 tỷ đồng, tăng 27% so với 2011. Một số công ty khác chỉ tập trung chính trong lĩnh vực dược phẩm đạt lợi nhuận sau thuế hàng chục tỷ đồng như Dược Phẩm Imexpharm (77,6 tỷ đồng), Cổ phần S.P.M (gần 65 tỷ đồng) và Dược phẩm OPC (55,7 tỷ đồng).

Trong khi các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản còn nhiều doanh nghiệp kêu lỗ, thậm chí giải thể hoặc đang chấp chới trước nguy cơ phá sản, thì chỉ duy nhất một đơn vị trong ngành dược đang niêm yết báo lỗ. Đó là Công ty Kinh doanh trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV), lợi nhuận sau thuế âm gần 530 triệu đồng. Trước đó, năm 2011, đơn vị này lỗ 2,7 tỷ đồng.

Trong đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang khẳng định, trong lĩnh vực dược phẩm, rất ít công ty bị lỗ, chỉ là lãi ít hay nhiều. Đối với những công ty quy mô nhỏ, chi phí ít, lợi nhuận của họ có thể thấp hơn những doanh nghiệp kỳ cựu, lâu năm khác.

Năm qua, dù báo lãi, Dược Hậu Giang vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất là hàng tồn kho, chủ yếu là mặt hàng dinh dưỡng do giá thành cao, người dân ít lựa chọn. Ngoài ra, việc tăng giá điện của nhà nước cũng khiến giá thành sản phẩm một số mặt hàng tăng theo, dẫn đến khó khăn trong công tác bán hàng, bà Nga chia sẻ.

“Lợi nhuận chính trong năm qua của Dược Hậu Giang chủ yếu nhờ thu nợ những khoản bán chịu. Đồng thời, những mặt hàng không sinh lãi nhiều, công ty cũng không đầu tư thêm để tránh thua lỗ”, bà Nga nói. Trong năm 2013, bà Nga cho rằng kinh doanh cũng chưa thể tốt như mong đợi do “tình hình bán hàng từ đầu năm tới giờ vẫn khó khăn, tồn kho vẫn còn cao”.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng: “Dược phẩm là một trong những lĩnh vực hiếm hoi kiếm bộn tiền nhất năm qua, đi ngược với xu thế những ngành khác trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế”.

Lý do dẫn tới nhận định trên, theo ông Khánh, là khi thị trường gặp biến động, nhiều người sẽ phải đối mặt với áp lực công việc, thậm chí cả áp lực bị mất việc hay bị stress, dẫn tới nhiều bệnh tật. Chưa kể, hiện thời con người cũng đang phải chịu đựng ô nhiễm môi trường nhiều hơn trong quá khứ, tốc độ đô thị hóa ngày một cao cũng tạo ra các căn bệnh xã hội, dẫn tới nhu cầu sử dụng thuốc gia tăng.

“Nền kinh tế có thể đang phục hồi, nhưng trong bất cứ thời điểm nào, ngành dược cũng luôn phát huy hết khả năng của mình. Tôi nghĩ còn có nhiều khoản lợi nhuận các công ty dược chưa hạch toán xong nên sẽ chuyển bớt sang năm sau, nhằm tránh những phiền phức liên quan đến thuế hay thắc mắc từ cổ đông. Do vậy, tôi cho rằng lãi của các doanh nghiệp dược trong năm 2013 sẽ không thua kém gì những năm trước”, ông Khánh nói.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngành dược cũng được giới đầu tư đánh giá là mã chất lượng tốt, an toàn tuy nhiên chỉ hợp với nhà đầu tư ưa thích chiến lược dài hạn. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC khuyến nghị cổ phiếu ngành dược là loại phòng thủ, nếu ai đầu tư dài hạn thì nên chọn.

Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn, các ngành khác chưa xuất hiện tín hiệu khởi sắc, lĩnh vực dược vẫn ảnh hưởng nhưng không lại nhiều. Hơn nữa, so với thế giới, thị trường dược Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, tiềm năng tăng trưởng còn phát triển mạnh, ông Tuấn phân tích.

Điểm yếu của cổ phiếu dược, theo ông Tuấn, là bản chất dòng tiền vào ngành này không đủ mạnh để lướt sóng. Nhiều doanh nghiệp room nước ngoài đã cạn, room trong nước lại có sự góp mặt của nhà nước nên tính thanh khoản không cao.

Quan sát cổ phiếu ngành dược, ông Tuấn nhận thấy hầu như thị trường không đi xuống, giá cổ phiếu tăng hầu hết dựa vào kết quả hoạt động kinh doanh, sản phẩm mới, đầu tư nhà máy… Trong trường hợp thị trường có biến động, cổ phiếu dược cũng không bị ảnh hưởng, ông Tuấn phân tích.

Ngay cả khi có tin đồn, cổ phiếu ngành này vẫn không rớt giá mạnh như các mã bất động sản hay ngân hàng. Tuy nhiên, ở ngành dược, lượng nhà đầu tư lại không đa dạng, không có nhà đầu tư nhỏ lẻ mà chủ yếu nhà đầu tư lớn, ông Tuấn nhận xét.