Trong 25 quỹ đầu tư dạng đóng hoạt động tại Việt Nam, có ít nhất 6 quỹ có lịch sử tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) vượt xa mức tăng của chỉ số VN-Index.
6 quỹ vượt VN-Index
Tăng trưởng NAV của Quỹ Đầu tư cân bằng Prudential (PRUBF1) của Eastspring Investments vượt mức tăng của VN-Index gần 125%. PRUBF1 tăng 88,6% NAV sau 7 năm hoạt động từ tháng 12/2006 đến khi giải thể vào tháng 10/2013, trong khi cùng kỳ, VN-Index giảm 36%, theo báo cáo của Eastspring Investments.
Tăng trưởng NAV của Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) của ManulifeAM Việt Nam vượt mức tăng của VN-Index 48%. Cụ thể, NAV của MAFPF1 tăng hơn 3% trong 7 năm hoạt động (từ tháng 10/2007 đến tháng 10/2014), so với VN-Index giảm gần 45%. Kết quả này được Công ty tự đánh giá là “chứng minh sự vượt trội trong hiệu quả đầu tư của ManulifeAM Việt Nam trong bối cảnh thị trường nhiều biến động” trong thư gửi nhà đầu tư khi giải thể Quỹ.
Quỹ Đầu tư cổ phần MB Capital 1 (Japan Asia MBCapital Fund - JAMBF) của MBCapital vượt VN-Index gần 38% trong khoảng thời gian 4 năm. Theo thông tin trên website của MBCapital, NAV của JAMBF trong 4 năm (kể từ tháng 4/2010 đến cuối năm 2013) tăng 47,4%, so với VN-Index tăng 9,6% và HNX-Index giảm 54,5%. Đồng thời, Quỹ đã trả cổ tức 27% năm 2012 và 13% năm 2013, dự kiến năm 2014 trả tối thiểu 13%, cũng theo thông tin của Công ty. JAMBF do MB Group và đối tác Nhật Japan Asia Group thành lập, đầu tư tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) của VFM vượt VN-Index trên 30% trong 4 năm: Quỹ đã tăng 3,1% trong 4 năm (kể từ 28/2/2008 đến khi chuyển đổi sang quỹ mở vào năm 2012), trong khi VN-Index giảm 27,3%. Trong những năm thị trường hồi phục, NAV của VF4 đã tăng cao hơn nhiều so với chỉ số của sàn HOSE: năm 2012, VF4 tăng 20,2%, VN-Index tăng 17,7%; 9 tháng năm 2013, VF4 tăng 25,6%, VN-Index tăng 19,1%.
Tăng trưởng NAV của Quỹ Đầu tư Việt Nam (VIF) do BIDV - Vietnam Partners (BVIM) quản lý vượt VN-Index khoảng 70%, theo thông tin ông Nguyễn Nhân Nghĩa, Tổng giám đốc BVIM cung cấp cho ĐTCK. Cụ thể, VIF đã tăng trưởng khoảng 30% trong 7 năm kể từ khi khai trương vào cuối năm 2007, còn chỉ số VN-Index giảm khoảng 40% trong cùng thời gian.
Quỹ VIF II của BVIM, cũng theo ông Nghĩa, đã vượt chỉ số VN-Index rất nhiều. Khai trương vào năm 2008, mặc dù đã phải giải thể trước hạn vào tháng 11/2012 sau 4 năm hoạt động do không đạt được quy mô như cam kết ban đầu, nhưng khi thanh lý VIF vẫn hoàn lại được số tiền gốc bằng đồng USD cho nhà đầu tư, cộng thêm một khoản lãi đầu tư 16%/năm.
Ngoài 6 quỹ nói trên, Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1), loại quỹ đầu tư cân bằng (do đó không dùng VN-Index làm chỉ số tham chiếu), trong suốt 9 năm hoạt động đã tăng trưởng 90,5%, trong khi HNX-Index giảm 32% và VN-Index tăng 93%. Thậm chí, năm 2010, VF1 đạt mức tăng 112,6% so với khi thành lập, vượt xa mức tăng 14,2% của HNX-Index và 85,3% của VN-Index trong cùng giai đoạn.
Tổng số vốn điều lệ của 7 quỹ này đạt gần 4.900 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng số vốn của các quỹ đóng tại Việt Nam, theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2 quỹ thua VN-Index
Nhưng nhà đầu tư có những lý do cụ thể để thận trọng khi đầu tư qua quỹ, bởi có những quỹ kém hiệu quả hơn hẳn thị trường. Quỹ Đầu tư tăng trưởng ACB (ACBGF) của Công ty TNHH MTV ACB (ACB Capital) có mức tăng trưởng thấp hơn VN-Index khoảng 14%: ACBGF trong 2 năm kể từ tháng 6/2012 đến 30/9/2014 chỉ tăng 4,7%, trong khi VN-Index tăng 18,7% và HNX-Index tăng 29,5%, theo số liệu của ACBCapital. Theo yêu cầu của nhà đầu tư lớn, ACBCapital đã phải giải thể ACBGF trước hạn sau 2 năm hoạt động, chưa bằng nửa thời hạn hoạt động 5 năm của Quỹ.
Cũng do VFM quản lý, nhưng Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam (VFA) lại không có được kết quả vượt trội như của hai quỹ VF1 và VF4. VFA thua VN-Index khoảng 27% trong 3 năm: kể từ khi khai trương đến khi chuyển đổi sang quỹ mở vào năm 2013, VFA đã giảm 27,8%, so với VN-Index chỉ giảm 1,1%. Trong quá trình hoạt động, VFA từng giảm thấp hơn thị trường khi VN-Index suy giảm vào năm 2011, nhưng khi thị trường hồi phục, VFA lại không tăng cao bằng mức tăng của chỉ số này.
16 quỹ còn lại
Trong khi đó, kết quả của 16 quỹ đầu tư dạng đóng còn lại dường như phân hóa khá mạnh, những quỹ này không buộc phải công bố kết quả hoặc không công bố do yêu cầu bảo mật của quỹ.
Có quỹ ít nhiều có dấu hiệu hoạt động tốt, như Quỹ thành viên y tế Bản Việt của QLQ Bản Việt, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng được hưởng khoản phí thưởng hoạt động 7,1 tỷ đồng trong năm 2013, loại phí Công ty được hưởng khi quỹ có kết quả tốt hơn mức đã cam kết từ đầu với nhà đầu tư.
Một số quỹ lớn khác không công khai kết quả cụ thể, nhưng cũng chưa có số liệu nào để khẳng định các quỹ hoạt động vượt trội so với thị trường. Quỹ thành viên Việt Nhật FPT Capital (vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng) không ghi nhận khoản phí thưởng nào trong hai năm gần đây. Quỹ thành viên Vietcombank 1, 2, 3 (VPF1, VPF2, VPF3) của Vietcombank Fund (VCBF) cũng không ghi nhận khoản phí thưởng nào từ năm 2008 cho đến khi giải thể.
VPF3 thậm chí hoàn tất giải thể trước hạn vào đầu năm 2014, trong khi quỹ này có thời hạn hoạt động 8 năm đến cuối năm 2015.
VCBF không bình luận về việc giải thể quỹ trước hạn. Ông Avinash Deepak Satwalekar, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) trong lần trả lời phỏng vấn với ĐTCK hồi cuối năm 2013 đã khẳng định, các quỹ thành viên VPF1, VPF2, VPF3 “nằm trong những quỹ có kết quả hoạt động tốt nhất thị trường, nếu so với các quỹ được thành lập trong cùng thời kỳ” và cho biết, VPF3 “vẫn có lãi”, tuy nhiên, ông không tiết lộ số liệu cụ thể.
Quỹ BVF1 (có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) của Baoviet Fund được tập đoàn mẹ Bảo Việt tăng dự phòng giảm giá NAV lên gấp đôi vào thời điểm cuối năm 2012, khi BVF1 chuẩn bị đóng quỹ theo thời hạn. Tuy nhiên, “việc trích lập dự phòng cho Quỹ BVF1 vào năm 2012 không dựa theo nguyên tắc thông thường dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động, mà theo nguyên tắc của tài sản dừng hoạt động”, nên việc gia tăng trích lập dự phòng “không có nghĩa là có sự đột biến trong hoạt động của Quỹ BVF1”, ông Bùi Tuấn Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt trả lời ĐTCK.
Ông Trung không tiết lộ số liệu cụ thể về kết quả của BVF1, mà chỉ khẳng định: “Nếu đánh giá với nhiều quỹ đóng cùng thời điểm khác trên thị trường, NAV tại thời điểm đóng quỹ của Quỹ BVF1 là khá cao”.
Trong khi đó, một mảng tối đã tồn tại rõ rệt trong nhóm các quỹ đầu tư, chủ yếu là quỹ do các công ty nhỏ quản lý. Quỹ Đầu tư chứng khoán Sài Gòn A1 và Quỹ Đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 do QLQ Thành Việt quản lý đã bị đình chỉ hoạt động hồi tháng 5/2013. Quỹ Sabeco 1 do QLQ Sabeco quản lý đã giải thể trong cùng năm với QLQ Thành Việt.
Niềm tin thấp
Trong khi chưa có một thống kê chính thức nào về hiệu quả của gần 16.000 tỷ đồng đầu tư vào các quỹ đóng trong quá khứ, niềm tin của nhà đầu tư đối với ngành quản lý quỹ tiếp tục ở mức thấp, kể cả với những công ty đã từng có lịch sử hoạt động vượt thị trường.
Nhà đầu tư của MAFPF1, bất chấp việc quỹ đầu tư có quy mô hơn 200 tỷ đồng này đã vượt xa VN-Index, vẫn không chấp thuận duy trì hoạt động của Quỹ bằng cách chuyển đổi sang dạng mở như đề nghị của ManulifeAM Việt Nam. Ngay cả khi ManulifeAM Việt Nam thành lập một quỹ đầu tư mới, số tiền mà Công ty này huy động được cũng chỉ đạt vỏn vẹn hơn 60 tỷ đồng, trong đó 10 nhà đầu tư lớn đã góp đến 99,5% số tiền. ManulifeAM Việt Nam từ chối bình luận về vấn đề này.
Những công ty lớn khác, trong đó có Eastspring Investments, VFM, MBCapital, thời gian này cũng chỉ huy động được lượng tiền vừa đủ cho mức tối thiểu 50 tỷ đồng/quỹ theo quy định cho những quỹ đầu tư mới của mình, chưa kể việc các công ty này có thể phải tự bỏ một phần vốn vào những quỹ này. Các nhà quản lý quỹ nhìn chung cho biết việc kêu gọi được nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ lúc này vẫn rất khó khăn.
Có thể các nhà đầu tư cũ của các quỹ đóng có những cơ sở rõ ràng để ít tin vào các quỹ. Cũng có thể do bản thân niềm tin đối với thị trường chứng khoán nói chung của họ vẫn chưa hồi phục. Trên thực tế, dù những quỹ đầu tư có vượt thị trường rất nhiều, nhưng một số quỹ thành lập đúng vào giai đoạn đỉnh của thị trường cũng chỉ đem lại rất ít lợi nhuận cho nhà đầu tư, ví dụ như MAFPF1 chỉ tăng 3% trong suốt 7 năm hoạt động.
“Nhà đầu tư và các quỹ đã chịu tổn thương lớn từ cuộc khủng hoảng của thị trường giai đoạn 2008-2009. Thực tế, nhiều quỹ đóng trong quá khứ đã thể hiện tốt hơn thị trường, nhưng việc đầu tư qua quỹ vẫn chưa thể hiện được lợi ích đúng như bản chất của loại hình này”, ông Phan Anh, Tổng giám đốc MBCapital nhận xét.