Đã lâu lắm rồi nhà đầu tư chỉ quen với việc SCIC thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước như CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), FPT, Domesco… Có thể thấy kể từ năm 2018 tới nay, chủ trương thoái vốn và hạ tỷ trọng cổ phiếu vẫn là chủ trương cốt lõi mà SCIC thực hiện và liên tục thoái vốn thành công được giá cao.
Tuy nhiên, sau khi gặp khó trong việc thoái vốn thời gian gần đây, cũng như chứng kiến thị trường chứng khoán liên tục bị bán tháo, lần đầu tiên thấy chủ trương của SCIC có dấu hiệu đảo ngược thông qua thương vụ FPT.
Diễn biến thị trường trong khoảng 3 tháng vừa qua, các chỉ số và cổ phiếu đồng loạt giảm sâu. Cụ thể, VN-Index giảm 25,8%, VN30-Index giảm 27% và hàng loạt các cổ phiếu trụ, cơ bản giảm sâu về mức kỷ lục.
Nguyên nhân là do tâm lý nhà đầu tư trong nước hoảng loạn và bị chi phối nhiều bởi biến động các thị trường thế giới và khu vực, hiện tượng bán tháo liên tục xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến nhiều cổ phiếu về vùng giá tương đối hấp dẫn,
Với đà giảm khá sâu của các cổ phiếu, theo ước tính của HOSE, kể từ tháng 2 tới cuối tháng 3, các doanh nghiệp đã đăng ký và thông qua chủ trương mua cổ phiếu quỹ lên tới 4.000 tỷ đồng; các lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan đăng ký mua vào ước tính 2.000 tỷ đồng, việc giải ngân được dự kiến mạnh trong tháng 4/2020.
Như vậy, có thể thấy hành động của SCIC khi đăng ký mua vào cổ phiếu FPT vừa hưởng ứng phong trào đỡ giá của doanh nghiệp, vừa là một thương vụ đầu tư khi mặt bằng giá chứng khoán giảm quá sâu trong thời gian ngắn, trong khi khó khăn chỉ là tạm thời đối với doanh nghiệp.
Câu chuyện doanh nghiệp nhà nước mua vào đỡ giá cổ phiếu được liên tưởng tới Trung Quốc trong hai nhịp bán tháo.
Nhịp bán tháo năm 2015 từ ngày 12/6 tới ngày 25/8, chỉ số Shanghai Composite đã giảm kỷ lục tới 42,6%, nguyên nhân có thể đến từ đà tăng nóng của thị trường trước đó, cũng như chính sách nởi lỏng tiền tệ liên tục đã tạo ra bong bóng quá lớn. Điều quan trọng thời điểm đó là có tới 80% giao dịch thuộc về nhà đầu tư cá nhân, điều này càng gia tăng hiện tương bán tháo.
Khi đó, để khôi phục lại niềm tin thị trường, Chính phủ Trung Quốc đã bơm tiền trực tiếp cho các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư có nguồn gốc từ Chính phủ đỡ giá chứng khoán, sau đó thị trường mới ổn định trở lại.
Điều tương tự cũng diễn ra trong đợt bán tháo đầu năm khi dịch COVID-19 diễn ra bắt nguồn từ Vũ Hán. Ngoài chính sách đóng cửa tạm thời thị trường chứng khoán, kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, chính phủ Trung Quốc tiếp tục dùng các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư có nguồn gốc chính phủ để đỡ giá chứng khoán. Việc làm này đã tác dụng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán hồi phục đầu tiên dù Trung Quốc là tâm dịch xuất phát.
Mặc dù việc so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc khập khiễng về quy mô, cũng như sự giàu có của hai quốc gia là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, với việc SCIC thông báo mua vào FPT, giới đầu tư đang kỳ vọng SCIC sẽ tiếp tục có thể mua thêm nhiều cổ phiếu nữa để đỡ giá chứng khoán sau chuỗi bán tháo.
Hiện tại, mặc dù giá chứng khoán về mức chiết khấu và thấp, nhưng nhà đầu tư đang thiếu niềm tin vào thị trường. Nếu niềm tin quay trở lại, sẽ giúp nhà đầu tư sớm nhận ra nhiều doanh nghiệp dù chỉ bị ảnh hưởng nhẹ nhưng giá cổ phiếu đã phản ứng thái quá.
Tháng 4 là một tháng đáng để chờ đợi từ tín hiệu lãnh đạo và doanh nghiệp bổ sung dòng tiền mới lên tới 6.000 tỷ đồng, SCIC bắt đầu mua dần các cổ phiếu. Thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều năm phát triển, quỹ luật tạo sóng liên tục lặp đi, lặp lại và nhà đầu tư ngoài việc chọn cổ phiếu phải chiến đấu với tâm lý, bản lĩnh trên sàn.
Quy luật thị trường có thể tóm tắt như câu nói sau: “Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn”