Ngày bé, những đêm trăng sáng, con đê là tụ điểm yêu thích của người dân xóm tôi. Cứ những hôm có trăng, đám thanh niên lại mang chiếu lên mặt đê, triền đê trải ra, trăm ngàn câu chuyện kể cũng theo đó mà bắt đầu bay bổng.
Mùa trăng về trước mùa bão gió. Ngay gần nhà tôi là một điếm canh đê vốn khá đặc trưng ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Điếm là ngôi nhà mái bằng một tầng, rộng khoảng 25 m2. Đây là nơi để các nhân sự trong tổ gác đê ở lại những ngày làm nhiệm vụ. Trước cửa điếm là một cái cột tre, trên đó sẽ treo từ một đến ba lá cờ đuôi nheo, biểu thị cho mức nước. Báo động một thì một cái, báo động ba thì ba cái.
Điếm canh đê. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Nhiều năm nay, do mức nước trên sông không còn cao, điếm canh đóng cửa im lìm, chứ ngày trước, mùa nước về là điếm lúc nào cũng sáng đèn. Trong điếm, các bác, các chú dự trữ sẵn đầy lốp xe đạp hỏng. Lốp sẽ được đốt phục vụ khi đi tuần dọc bờ sông để xem mực nước và nhận diện tổ mối, chứ ngày đó, đèn pin vẫn là thứ phải tằn tiện, để dành.
Trên mái điếm vốn trải đầy nhựa đường, là kho nhựa đường quen thuộc để đám trẻ lên khai thác mỗi khi làm xe bọ xít.
Hoàng hôn trên sông. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Quay lại chuyện chơi trăng, mùa này, trời cao, trăng sáng, triền đê khá sạch sẽ, an toàn. Chiếu được trải trên lớp cỏ dày, ngả lưng xuống cũng êm tựa như nằm đệm vậy.
Trên đê, con gió mát lành chăm chỉ thổi. Ngày đó chưa có cầu, càng làm tăng thêm cảm giác xa ngái. Ngồi trên bờ đê đầy cỏ may, nhìn bên kia sông là bến đò Lời, là thành phố Việt Trì (Phú Thọ) lấp lánh những ánh đèn, tôi cảm như mình hóa thành một trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, thèm tha thiết cảm giác ồn ào phố xá.
Thường thì các mẹ, các chị còn ngồi im kể chuyện, tán dóc, chứ đám mấy thằng con trai thì thể nào cũng nô nhau ầm trời. Từ toét bắn, chơi đồ, trốn tìm cho đến chạy thi, trận giả.
Lô cốt có từ thời Pháp. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Gần nhà tôi có ba, bốn cái lô cốt từ thời Pháp thuộc. Cái tròn, cái vuông, cái ngoi hẳn trên mặt đê cao chừng gần 2m, cái lại chỉ tầm tầm, một phần giấu vào thân đê. Cái nào cũng đen xì, lừng lững, có gì đấy bí ẩn ánh trong trăng vằng vặc.
Các lô cốt thường có một hay vài lỗ châu mai, còn lại kín bưng, bao năm chẳng hề suy suyển một chút nào. Nghe người lớn bảo, trong vật liệu làm lô cốt, người ta bổ sung cả phân trâu và mật mía, chả biết có đúng không nhưng sự chắc chắn thì đã được thừa nhận qua bao dịp biến thiên lịch sử.
Bến sông. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Bên đê, mặt sông Hồng vằng vặc ánh trăng, còn bờ sông thì đầy tre kĩu kịt. Sát đó, còn đầy những bụi hoa mò, cây lá han, chỉ khẽ chạm vào là ăn đủ, tha hồ mà gãi. Bụi tre chỗ nhà ông Tượng, nhà bà Thanh Biền ban ngày là chỗ chơi, chỗ kiếm mo nang làm nón (mo nang - bẹ của cây măng, tương tự như bẹ cau), kiếm măng làm giấm ớt thì đêm xuống nó lại mang các sắc màu bí ẩn cố hữu, ít đứa trẻ nào đủ can đảm lại gần.
Bến sông cứ vài trăm mét lại có một gành đá được đắp nổi, hướng thẳng ra sông để bảo vệ đê khỏi dòng chảy. Đêm xuống, gành đá cứ lùi lũi trong cái bàng bạc của ánh trăng, lại gần còn nghe rõ tiếng óc ách nước chảy, tiếng cá đớp mồi đầy ma mị,
Đê làng ghi dấu tuổi thơ bao người. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Ngày ấy khó khăn, mấy đứa bọn tôi mà góp tiền mua được vài gói ngô cay, hay mấy que kem túi là oách lắm. Kem túi là sản phẩm đặc thù của vùng quê nuôi nhiều bò sữa như Ba Vì. Kem được làm từ sữa bò và nước đường, đóng túi to bằng hai ngón tay, 200 đồng/cái, chỉ vài nghìn là cả lũ tha hồ mút kem và lép bép ngô cay, tưởng thưởng trăng cũng chỉ đến thế là cùng.
Hoàng hôn. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Ngày ấy, chơi trăng chán mới về, có khi đến tận khuya. Về nhà, đứa nào đứa nấy ra giếng làm vài gầu nước dội ào ào là sẽ có một giấc ngủ ngon lành.
Mùa trăng ngày ấy ăm ắp những màu ký ức, tôi đã sống trong cái đẹp nguyên sơ trong lành như thế, có điều ngày ấy chả đủ lãng mạn để mà biết đẹp, chỉ đơn giản là thích thế thôi.
Sông quê. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Hai mấy năm xa quê, hôm nay gặp lại ánh trăng nơi thành phố, mà nghe như con gió mùa cổ tích vẫn còn đang tha thiết thổi. Người ta rời quê lên phố, lang bạt kỳ hồ để đánh đổi lấy nỗi nhớ nồi cá kho, bát cà muối, canh chua. Có kẻ tháng vẫn đôi lần về quê, vậy mà trong miền nhớ vẫn nhắc hoài những mùa trăng cũ.
Có lần tôi đã tự hỏi, vậy còn những người đi biệt xứ, nỗi nhớ ấy còn da diết đến nhường nào?