Mua robot đầu tư chứng khoán, ý tưởng không tồi?

Mua robot đầu tư chứng khoán, ý tưởng không tồi?

(ĐTCK) Robot giao dịch chứng khoán là thuật toán được lập trình dựa trên các dữ liệu về giá và khối lượng (phân tích kỹ thuật) nhằm xác định điểm mua - bán cổ phiếu hoặc chứng khoán phái sinh.

Thuật ngữ giao dịch bằng robot bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970-1980 tại Mỹ, sau đó lan rộng ra các nước châu Âu và một số nước khu vực châu Á. Tại Việt Nam, nhờ tác động tích cực từ xu hướng cách mạng 4.0 và sự xuất hiện của chứng khoán phái sinh mà thị trường chứng khoán những năm gần đây mới trở nên rầm rộ và quan tâm nhiều hơn đến phương pháp đầu tư này.

Ưu và nhược điểm của robot đầu tư chứng khoán

Ðược lập trình bằng những thuật toán phức tạp trên một cơ sở dữ liệu đủ lớn, các robot được kiểm tra thử hiệu quả đầu tư trong quá khứ (Backtest) trước khi được chính thức đưa lên hệ thống giao dịch.

Chính vì hiệu suất đầu tư đã được kiểm nhiệm, về lý thuyết, khi nhà đầu tư giao dịch hoàn toàn theo hệ thống robot thì có thể đạt được một tỷ suất sinh lời nhất định dựa trên hiệu suất ban đầu của robot.

Lợi ích thứ hai từ việc đầu tư bằng robot là giúp nhà đầu tư không mất nhiều thời gian tìm kiếm cơ hội.

Công việc duy nhất của nhà đầu tư chỉ là việc nhập lệnh theo thông báo từ hệ thống robot đưa ra.

Các khuyến nghị mua bán được đưa ra một cách kịp thời đến nhà đầu tư dựa trên dữ liệu thực từ thị trường, nên quá trình giao dịch hầu như diễn ra ngay lập tức mà không có độ trễ.

Ưu điểm quan trọng cuối cùng mà hệ thống robot đem lại là việc loại bỏ yếu tố cảm xúc và tâm lý trong quá trình giao dịch.

Ða phần việc mua bán được thực hiện thông qua cảm xúc của nhà đầu tư. Chính vì vậy, sẽ có những thời điểm nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm khi cảm xúc không ổn định.

Yếu tố này sẽ được loại bỏ triệt để khi giao dịch bằng robot do các quyết định mua bán được tự động hóa hoàn toàn và có thể hoạt động 24/7, chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối mạng Internet.

Bên cạnh ưu điểm, việc giao dịch dựa trên hệ thống robot cũng mang lại một số nhược điểm.

Thứ nhất, giao dịch bằng robot không dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp. Các robot giao dịch chứng khoán được xây dựng trên cơ sở giá và thanh khoản, chứ không bao gồm các yếu tố tài chính của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, nhà đầu tư có thể nhận được thông báo mua ở một cổ phiếu “lởm” là điều bình thường.

Thứ hai, robot giao dịch chỉ tỏ ra hiệu quả khi cổ phiếu có xu hướng rõ ràng. Ở những giai đoạn cổ phiếu đi ngang, các robot này thường cho tín hiệu mua bán liên tục khiến nhà đầu tư phải nhanh chóng đổi vị thế.

Thứ ba, nhà đầu tư không thể can thiệp vào hệ thống để tìm được cổ phiếu cho riêng mình, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thuật toán ban đầu của người lập trình.

Các robot được lập trình để tương tác và khuyến nghị tới mọi nhà đầu tư trên thị trường sử dụng hệ thống. Khi nhà đầu tư này nhận được thông báo mua hoặc bán, thì các nhà đầu tư khác cũng nhận được tín hiệu như vậy trong cùng thời điểm, việc mua bán cùng một cổ phiếu trong cùng một thời điểm là dễ gặp phải.

Với thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối hạn hẹp, nhiều lệnh giao dịch giống nhau vào cùng một thời điểm có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

Thực trạng sử dụng robot đầu tư chứng khoán tại Việt Nam

Hiện nay, trên thị trường đã có một số công ty chứng khoán đầu tư chi phí xây dựng cho mình một hệ thống giao dịch bằng robot với mục đích hỗ trợ khách hàng trong việc đầu tư.

Ðơn vị đi đầu trong việc ứng dụng robot trong việc tư vấn đầu tư phải kể đến Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) với hệ thống IBroker.

Ðây là một công cụ tư vấn có khả năng tương tác với nhà đầu tư dưới dạng trò chuyện trực tuyến. Nhà đầu tư chỉ cần gõ mã cổ phiếu, hệ thống IBroker sẽ cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, cũng như khuyến nghị mua bán.

Sản phẩm IRA của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cũng là một robot đầu tư dựa vào tín hiệu giao dịch theo phân tích kỹ thuật. Trên danh mục theo dõi hay nắm giữ của nhà đầu tư, IRA sẽ cho khuyến nghị mua bán khi mã cổ phiếu đó phát tín hiệu giao dịch trong tức thì.

Ngoài các công ty chứng khoán, nhiều đơn vị khác trên thị trường như Stocktrader, Finbox, Harmonic parttern, Finshark… cũng có những hệ thống robot của riêng mình nhằm mục đích cho thuê, hoặc bán trực tiếp hệ thống cho khách hàng để kiếm lợi nhuận.

Các sản phẩm robot được bán trên thị trường có thể là phần mềm hoặc một đoạn mã có gắn thuật toán mua bán. Ðể có thể sở hữu một được một hệ thống giao dịch như vậy, nhà đầu phải bỏ ra số tiền từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng tùy thuộc vào tính hiệu quả của robot.

Tuy nhiên, sau thời gian nở rộ các hệ thông giao dịch theo robot, hiện tại, nhà đầu tư có phần thờ ơ hơn.

Nguyên nhân chính bởi các hệ thống này tỏ ra chưa thực sự hiệu quả khi thị trường cơ sở không thuận lợi.

Ða phần các hệ thống giao dịch mới đều có tuổi thọ không cao và dễ “chết yểu” khi không giúp nhà đầu tư giải được bài toán kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Kết quả buộc nhà đầu tư phải quay lưng đi tìm một phương pháp khác hiệu quả hơn.

Ngoài lý do trên, một nhà đầu tư lâu năm cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất của việc áp dụng robot ở các thị trường phát triển và Việt Nam là ở tính thanh khoản.

Tại các thị trường phát triển, thanh khoản thường rất cao nên phân tích có độ chuẩn xác cao. Còn tại Việt Nam, thanh khoản vẫn còn thấp, nên chỉ cần giao dịch tập trung ở một số cổ phiếu vốn hoá lớn, có tính dẫn dắt chỉ số thì có thể thay đổi, nên xác suất dự báo sẽ không cao.

Chưa kể, nếu robot báo mua thì nhiều nhà đầu tư cùng mua, điều này có thể khiến giá cổ phiếu tăng, nhưng vấn đề mấu chốt hơn là ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang áp dụng T+2, nên nhà đầu tư sẽ đối mặt rủi ro: Hàng về đến tài khoản là bị lỗ - hay nói cách khác là không kịp thoát hàng.

Nhà đầu tư này cho rằng, thanh khoản là yếu tố hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể đáp ứng để triển khai áp dụng robot, ngoại trừ một số mã bluechip có giao dịch ổn định.

Bên cạnh đó, một số ý kiến từ các nhà môi giới, tư vấn cho rằng, nhà đầu tư hiện nay có xu hướng học hỏi và trang bị cho mình những kiến thức để có thể tự tìm kiếm cơ hội đầu tư, thay vì phụ thuộc vào robot.

Có thể thấy được các các khóa học về đầu tư ngày càng trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Những khóa học này mặc dù không đưa ra khuyến nghị mua bán trực tiếp, nhưng có thể giúp nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội cho riêng mình.

Sau cùng, trong một thị trường biến động không ngừng, các robot đầu tư có thể ra đời và có thể có nhiều cải tiến, xong việc thay thế con người trong đầu tư ở tương lai gần là hầu như không thể.

Nhà đầu tư nên tự trang bị cho mình những kiến thức đầu tư để có thể kiếm lời trên thị trường một cách ổn định và bền vững.

Tin bài liên quan