Không nên kéo dài các ngân hàng yếu kém
Ngày 5/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng Thẩm định về Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Một trong những nội dung của Dự thảo đang gây tranh cãi là việc mua bắt buộc với giá 0 đồng. Biện pháp trên áp dụng với những ngân hàng yếu kém, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và cho thời gian để phục hồi, song vẫn không có phương án phục hồi hiệu quả.
Ocean Bank là một trong những ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng. Ảnh: Internet
Theo Dự thảo luật, biện pháp trên chỉ là biện pháp cuối cùng, khi các biện pháp khắc phục khác không hiệu quả và để tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc luật hóa phương thức mua ngân hàng với giá 0 đồng sẽ tạo cơ sở vững chắc cho NHNN đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống. Tuy nhiên, ông Lực cũng cảnh báo, biện pháp này không nên triển khai ồ ạt.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật BASICO cho rằng, đây là giải pháp phức tạp, tốn kém và không cần thiết. “Việc mua 0 đồng chỉ là tượng trưng, còn muốn duy trì được tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, âm vốn điều lệ thì rất phức tạp, tốn kém, dù là hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp”, ông Đức nói.
Theo các chuyên gia, việc NHNN đưa ra giải pháp 0 đồng (thay vì cho phá sản) không chỉ nhằm tránh đổ vỡ hệ thống, mà còn để cứu một tổ chức tín dụng có thể có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
Tuy vậy, thực tế, trước khi tiến hành mua 0 đồng, NHNN đã đưa ra một lộ trình rất dài, thậm chí tới 5 - 10 năm, để các ngân hàng này phục hồi. Nếu sau chừng đó năm mà các ngân hàng vẫn không phục hồi được thì chứng tỏ đã “hết thuốc chữa”. Khi đó, nếu vẫn tiếp tục duy trì ngân hàng yếu kém sẽ dẫn đến sự méo mó thị trường, tiếp tục gây ảnh hưởng đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống.
Hơn nữa, mục đích của việc mua bắt buộc 0 đồng là bảo vệ quyền lợi của những cá nhân người dân gửi tiền, chứ không phải cứu giới chủ ngân hàng. Do đó, cách tốt nhất là chuyển hết nguồn lực hỗ trợ những ngân hàng yếu kém này sang hỗ trợ người gửi tiền.
Nếu vẫn không muốn cho TCTD phá sản, thì thay vì mua bắt buộc 0 đồng, Nhà nước có thể đứng ra tuyên bố vẫn bảo đảm chi trả tiền gửi, nhưng phải đến hạn chi trả và thậm chí có thể kéo dài trong vài năm, chứ không trả ngay toàn bộ một lúc.
Mạnh dạn cho ngân hàng phá sản
Một giải pháp mạnh tay nữa để xử lý ngân hàng yếu kém được Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đưa ra là giải thể, phá sản. Biện pháp này được giới chuyên gia ủng hộ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, với các ngân hàng yếu kém, trước khi cho giải thể, phá sản hay mua lại 0 đồng như Dự thảo, NHNN đã cho một khoảng thời gian khá dài để xử lý, nên việc phá sản các tổ chức tín dụng sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.
Mua bắt buộc 0 đồng vừa tốn kém, vừa dễ khiến NHNN “mang tiếng oan” nếu sau này bán lại với giá cao hơn, dù trước đó, NHNN đã phải đổ không ít tiền để phục hồi những tổ chức tín dụng này. Thực tế, những năm qua, một số ngân hàng đã được âm thầm giải thể và không ảnh hưởng đến hệ thống như Việt Hoa, APBank…
Dù giải pháp tình thế mua ngân hàng 0 đồng mà NHNN áp dụng thời gian qua (áp dụng với CB, Ocean Bank, GPBank) được giới chuyên gia đánh giá cao, song việc đưa vào luật để coi đây là một trong những giải pháp chính để xử lý ngân hàng yếu kém thì lại là vấn đề cần cân nhắc.
Mua bắt buộc 0 đồng vừa tốn kém, vừa dễ khiến NHNN “mang tiếng oan” nếu sau này bán lại với giá cao hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp mua ngân hàng 0 đồng thời gian qua đã tránh được đổ vỡ hệ thống, giữ được uy tín, niềm tin của người gửi tiền. Tuy vậy, ở giai đoạn tới, với những ngân hàng quá yếu kém, trước hết, phải thu hẹp dần cả huy động và cho vay một cách nhẹ nhàng để người dân không hoang mang lo sợ và xử lý dần dần. Sau đó, nên cho phá sản vài ngân hàng quá yếu kém để làm gương, thay vì tiếp tục mua lại với giá 0 đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với những ngân hàng quá lớn, đã âm vốn, NHNN không nên tiếp tục mua lại với giá 0 đồng vì vẫn mất chi phí xử lý, mà thay vào đó, nên cho phá sản. Việc cho phá sản ngân hàng cũng sẽ khiến người dân phải lựa chọn ngân hàng tốt để gửi tiền, nên giảm sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Đương nhiên, theo khẳng định của NHNN, dù áp dụng biện pháp phá sản, giải thể hay mua 0 đồng, nguyên tắc lớn nhất vẫn là thận trọng, giữ vững an toàn hệ thống và đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền.