Kiều hồi là một trong những dòng tiền quan trọng trong bức tranh tổng thể cung - cầu ngoại tệ

Kiều hồi là một trong những dòng tiền quan trọng trong bức tranh tổng thể cung - cầu ngoại tệ

Mùa kiều hối gõ cửa, kỷ lục 12-13 tỷ USD sẽ được thiết lập

(ĐTCK) Số lượng kiều hồi về Việt Nam chững lại so với 3 năm gần đây, khi mỗi năm trước đều tăng 1 tỷ USD, nhưng năm nay chỉ tăng khoảng 400 triệu USD

Trao đổi với ĐTCK, bà Phan Thị Thanh Bình, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) cho biết, số lượng giao dịch kiều hối qua ANZ năm nay cũng như tất cả các năm trước luôn có xu hướng tăng vào cuối năm và trong những năm tới, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì.

Kiều hối năm 2014 dự kiến đạt 12 - 13 tỷ USD

“Kiều hối là một trong những dòng tiền quan trọng trong bức tranh tổng thể cung - cầu ngoại tệ. Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp, đây là hai nguồn vốn tương đối chính để hỗ trợ cán cân thanh toán của Việt Nam. Xu hướng kiều hối tăng đồng nghĩa với khả năng giữ giá của đồng Việt Nam đứng từ góc độ cung - cầu sẽ tốt hơn”, bà Phan Thị Thanh Bình nói.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, theo các số liệu phân tích và thống kê của thị trường, lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng rất tốt. Việt Nam vẫn là quốc gia trong nhóm hàng đầu của thế giới về thu hút kiều hối, lượng kiều hối năm nay dự kiến đạt 12 - 13 tỷ USD.

Còn thị trường ngoại tệ nói chung sẽ có thặng dư tốt trong cán cân thanh toán tổng thể cũng như trong cán cân thương mại nhờ những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân thực tế tăng lên, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như của chính phủ một số nước vẫn giải ngân tăng đều, tạo ra một trạng thái cán cân thanh toán tương đối khả quan cho Việt Nam.

“VietinBank chiếm khoảng 15 - 17% thị phần kiều hối và kiều hối tập trung ở TP. HCM, Hà Nội, Tây Ninh… Số liệu thống kê cuối cùng có thể giúp thị phần của VietinBank cao hơn”, ông Lê Đức Thọ nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kiều hối Agribank cho hay, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo từ tháng 10/2014, kiều hối về Việt Nam năm nay sẽ đạt 11,403 tỷ USD. Trên cơ sở số liệu tính đến 30/11/2014, Agribank dự báo, kiều hối cả năm chuyển về Việt Nam thông qua Agribank chiếm trên 12% tổng lượng kiều hối, nghĩa là khoảng 1,4 tỷ USD. Chuyển tiền tại Agribank chiếm 35% doanh số chi trả lượng kiều hối chuyển qua Western Union và Ngân hàng cũng là đại lý lớn nhất của Western Union.

“Về tổng thể, số lượng kiều hồi về Việt Nam chững lại so với 3 năm gần đây, khi mỗi năm trước đều tăng 1 tỷ USD, nhưng năm nay chỉ tăng khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên, xét về thứ hạng thì Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 9 về lượng kiều hối”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Chính sách sản phẩm bán lẻ Vietcombank cho biết, doanh số kiều hồi về Vietcombank đến thời điểm này là trên 1,2 tỷ USD, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm doanh số Vietcombank đạt gần 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 11,6% thị phần. Các thị trường chính tập trung là Mỹ, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc… là những quốc gia, vùng lãnh thổ có đông người Việt và có luồng tiền đầu tư về Việt Nam tốt. 

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM vừa công bố lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn tính đến cuối tháng 11/2014 đạt 4,4 tỷ USD. Dự báo, năm 2014, kiều hối chuyển về TP. HCM có thể lên đến 5 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2013, trong khi đó, lượng kiều hối của TP. HCM ước tính chiếm 50% cả nước.

Những khó khăn, thách thức

Ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, theo số liệu của Bộ Ngoại giao từ năm 2012, Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, ở Đài Loan có khoảng 80.000 cô dâu và 132.000 người lao động; ở Hàn Quốc có khoảng 40.000 cô dâu và 50.000 người lao động; số lượng Việt kiều ở Séc khoảng 60.000 người, ở Pháp và Úc xấp xỉ 300.000 người, ở Canada là 250.000 người… Trong đó, khoảng 20% là các cô dâu Việt và người lao động, còn lại 80% là Việt kiều.

Khách hàng có thể chuyển tiền qua các công ty chuyển tiền quốc tế hiện đang có mặt tại Việt Nam là Coinstar, Western Union MoneyGram hoặc qua ngân hàng thông qua các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các ngân hàng với nhau tại Hàn Quốc, Malaysia, Nga, Đông Âu hay chuyển tiền theo nghiệp vụ Swift giữa ngân hàng với ngân hàng đều khá thuận lợi. Tuy nhiên, lượng kiều hối từ người Việt Nam lao động ở nước ngoài cũng bắt đầu hạn chế, không còn nhiều “không gian” để khai thác. Bởi lẽ, tại một số nước, tình hình chính trị bất ổn, kinh tế suy thoái… khiến nguồn kiều hối có sự sụt giảm rõ rệt.

Theo ông Hùng, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt để thu hút kiều hối. Theo quy định, để được nhận tiền, khách hàng phải đến quầy giao dịch xuất trình giấy chứng minh nhân dân và khai báo các thông tin theo những nội dung quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Một bộ phận khách hàng thấy thủ tục phức tạp nên “chạy” sang ngân hàng khác, nơi mà những thủ tục này được nhân viên ngân hàng hỗ trợ “làm giúp”.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của các cửa hàng vàng. Cụ thể, các ngân hàng nhỏ không có mạng lưới, nhân lực rộng như ngân hàng lớn nên không đáp ứng hết được nhu cầu chi trả của khách, do đó có những ký kết với các cửa hàng vàng. Khi khách hàng đến cửa hàng vàng, xuất trình giấy tờ sẽ được chi trả tiền và sau đó cửa hàng vàng tất toán với ngân hàng rồi hưởng hoa hồng.

“Những câu chuyện này đều đã được phản ánh cho công ty gửi tiền, nhưng không thể xử lý triệt để nguyên nhân, bởi bản thân việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam quá lớn nên khó xử lý tận gốc. Cùng với đó, kênh chuyển tiền phi chính thức cũng rất nhiều, không kiểm soát được và cũng không có số liệu thống kê cụ thể”, ông Hùng nói.

Ông Bùi Thanh Bình cho rằng, các quy định hiện hành đang khuyến khích dòng kiều hối chuyển về tốt, nhưng nếu như Chính phủ có các chính sách đầu tư thông thoáng hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài kinh doanh trong nước, tạo điều kiện hơn trong việc mua nhà… thì dòng tiền này sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong những năm tới”. 

Tin bài liên quan