Tỷ lệ bồi thường thấp khiến bảo hiểm học sinh có mức độ cạnh tranh rất cao

Tỷ lệ bồi thường thấp khiến bảo hiểm học sinh có mức độ cạnh tranh rất cao

Mùa khai trường, bảo hiểm học sinh bước vào cuộc “đọ sức”

(ĐTCK-online) Nghiệp vụ bảo hiểm học sinh đơn giản, kỹ thuật khai thác dễ dàng, tỷ lệ bồi thường thấp, nên tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều triển khai sản phẩm này, khiến cạnh tranh trở nên gay gắt.

Đến hẹn lại lên, khi học sinh, sinh viên chuẩn bị vào năm học mới cũng là lúc các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đến mùa bán sản phẩm bảo hiểm dành cho học sinh. Tuy nhiên, thường thì bảo hiểm học sinh là chương trình bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai xong từ tháng 5 hàng năm (đó là thời điểm các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị sản phẩm đến các trường học, thậm chí là tiếp thị từ các Sở và Phòng giáo dục), còn các tháng sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu ký hợp đồng bán bảo hiểm, cấp đơn và thu phí.

Đã có không ít câu chuyện "cười ra nước mắt" vì những chiêu cạnh tranh để bán sản phẩm này vào trường học của các công ty bảo hiểm, từ hạ phí đến lobby nhà trường để ký được hợp đồng bán bảo hiểm cho học sinh. Trong giới bảo hiểm truyền tai nhau câu chuyện doanh nghiệp bảo hiểm A sau khi lobby Phòng giáo dục của một huyện nọ đã được lãnh đạo Phòng giáo dục của huyện này gửi công văn yêu cầu các trường thuộc Phòng giáo dục chỉ mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm A. Câu chuyện bị vỡ lở khi nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm B đến mời một trường học thuộc huyện nọ mua bảo hiểm và được lãnh đạo trường này thông báo đã có công văn chỉ đạo mua bảo hiểm cho học sinh của doanh nghiệp A. Một công văn kiến nghị được doanh nghiệp bảo hiểm B tức tốc gửi lên các cơ quan chức năng, vì cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đương nhiên hành vi này bị ngăn chặn.

Câu chuyện này không chỉ xảy ra đối với doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên. Tất nhiên, rút kinh nghiệp sau này, các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh "chào hàng" kín kẽ hơn. Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, dù doanh thu sản phẩm bảo hiểm học sinh chỉ chiếm khoảng 9% tổng doanh thu, nhưng góp phần mang lại lợi nhuận không nhỏ cho công ty, bởi tỷ lệ bồi thường không cao, chiếm khoảng 30% doanh thu sản phẩm này. Đây là tỷ lệ bồi thường thấp và khá an toàn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Đó cũng chính là lý do khiến hầu hết doanh nghiệp đều triển khai sản phẩm bảo hiểm học sinh và thị trường đang cạnh tranh nhau khốc liệt không kém sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới.

Bảo hiểm học sinh nằm trong nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người. Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam , 3 tháng đầu năm 2011 (chưa có thống kê 6 tháng), bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt doanh thu 671 tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu về doanh thu là Bảo Việt với 245 tỷ đồng, tiếp sau là Bảo Minh với 126 tỷ đồng, PVI 71 tỷ đồng, PTI 35 tỷ đồng, PJICO 22 tỷ đồng, Chartis 16 tỷ đồng. Số tiền đã giải quyết bồi thường là 282 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 42%. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao là Phú Hưng 136%, PJICO 63,4%, AAA 59,2%, Bảo Việt 54,3%, Bảo Long 53,2%, Fubon 51,5%. Sản phẩm bảo hiểm này ngày càng đa dạng, vì nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển sản phẩm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn, hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Hiện tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đều tham gia bán sản phẩm bảo hiểm học sinh, trong đó Bảo Việt chiếm thị phần cao nhất, hơn 50%.

Tại Bảo Minh, doanh thu bảo hiểm học sinh chiếm tỷ trọng 15% doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm con người và chiếm khoảng 4% doanh thu toàn Tổng công ty. Năm 2011, Bảo Minh đặt mức tăng trưởng nghiệp vụ này là 11% so với năm 2010 và tập trung vào 2 địa bàn chính là TP. HCM và Hà Nội.

Giám đốc Maketing của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần khá lớn chia sẻ, nghiệp vụ bảo hiểm học sinh đơn giản, kỹ thuật khai thác dễ dàng (như bảo hiểm xe máy). Đây cũng là sản phẩm dễ triển khai, vì tất các địa bàn đều có trường học, học sinh và đối tượng này đều có nhận thức sơ bộ về sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm bảo hiểm học sinh có tỷ lệ bồi thường trên doanh thu chỉ khoảng 40% trở xuống. Do đó, không khó hiểu khi sản phẩm bảo hiểm này đang cạnh tranh rất gay gắt.

Dù vậy, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cảnh báo, đối với các sản phẩm bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người nói chung, hiện tượng trục lợi bảo hiểm vẫn xảy ra, khi các doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể kiểm soát chặt chẽ khâu điều trị khi thanh toán bằng hóa đơn mua thuốc, viện phí điều trị kỹ thuật cao.