Mua điện gió của Lào không quá 6,95 UScent/kWh, điện gió trong nước ngất ngưởng giá 8,5 UScent/kWh

Mua điện gió của Lào không quá 6,95 UScent/kWh, điện gió trong nước ngất ngưởng giá 8,5 UScent/kWh

Mức giá trần nhập khẩu điện gió từ Lào về Việt Nam đối với loại hình nhà máy điện gió là 6,95 Uscent/kWh và áp dụng trong thời gian 25 năm. Mức này cũng thấp hơn rất nhiều so với giá mua điện gió tại Việt Nam với dự án trên đất liền hiện đang là 8,5 UScent/kWh.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đồng ý nguyên tắc và mức giá trần (giá tối đa) nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đối với loại hình nhà máy điện gió theo kiến nghị của Bộ Công thương.

Cụ thể, mức giá trần áp dụng cho điện gió nhập khẩu từ Lào về là 6,95 UScent/kWh. Mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào được áp dụng với các nhà máy điện vận hành trước ngày 31/12/2025 và áp dụng trong cả đời dự án là 25 năm.

Mức giá này cũng được xác định tại biên giới Việt Nam, các bên có trách nhiệm đầu tư, xây dựng và vận hành đường dây truyền tải ở mỗi nước đến biên giới.

Trước đó, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nhập khẩu điện và đấu nối cụm điện gió Monsoon (Lào) với tổng công suất 600 MW.

Theo Bộ Công thương, chủ đầu tư cụm điện gió Monsoon là Tập đoàn Impact Energy Asia Development đã có văn bản vào tháng 6 và tháng 7/2019, cam kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá bán điện của dự án không cao hơn khung giá đối với loại hình nhà máy thuỷ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định tại văn bản 241/TTg-QHQT (ngày 23/2/2019) về nguyên tắc và giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam là 6,95 UScent/kWh.

Mức giá 6,95 UScent/kWh như chủ đầu tư cam kết bán điện cho EVN từ cụm điện gió Monsoon cũng thấp hơn so với giá điện mua từ các dự án điện gió trong nước hiện đang quy định là 8,5 UScent/kWh trên bờ hay 9,8 UScent/kWh với các dự án ngoài khơi.

Đáng chú ý là mức giá điện gió mua từ Lào tối đa là 6,95 UScent/kWh cũng được chính Bộ Công thương cho là “đã đảm bảo hiệu quả cũng như lợi ích giữa các bên”.

Như vậy, giá mua điện gió của các doanh nghiệp trong nước đang cao hơn khoảng 1,5 UScent/kWh và không phải xây dựng đường dây 500 kV dài đôi ba chục km để đấu nối điện về biên giới Việt Nam - Lào thì chắc chắn hiệu quả hơn nhiều.

Điều này cũng có thể lý giải được cho thực tế số lượng các dự án điện gió tại Việt Nam do các nhà đầu tư tư nhân đề nghị tới các cơ quan hữu trách đã tăng mạnh kể từ khi có giá mua điện theo Quyết định 39/QĐ-TTg (ban hành năm 2018) công bố giá mua điện gió là 8,5 UScent/kWh cho dự án trên bờ và 9,8 UScent/kWh cho dự án ngoài khơi.

Cũng trong chưa đầy 2 tháng, Bộ Công thương đã liên tục có 3 công văn đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch và kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện cố định (FIT) với loại hình này tới hết năm 2023.

Hiện nay các doanh nghiệp làm điện gió cũng đang đề nghị được kéo dài mức giá mua điện gió 8,5 UScent và 9,8 UScent/kWh này với lý do bị ảnh hưởng bởi khó khăn trong những tháng đầu năm nay do dịch bệnh.

Đáng nói là trước 7.000 MW điện gió đang được đề nghị bổ sung hiện nay, các cơ quan chức năng đã bổ sung tới 4.800 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa là điểm dừng. Vẫn theo thống kê của Bộ Công thương, hiện có 250 dự án điện gió với tổng công suất 45.000 MW được các nhà đầu tư và các địa phương đề nghị bổ sung vào Quy hoạch.

Tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 78 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.800 MW được bổ sung quy hoạch.

Tuy nhiên mới chỉ có 11 dự án (tổng công suất 377 MW) đã vận hành phát điện; 31 dự án (tổng công suất 1.62 MW) đã ký hợp đồng mua bán điện dự kiến đi vào vận hành năm 2020 - 2021.

Ngoài ra, còn 250 dự án với tổng công suất khoảng 45.000 MW đang đề nghị được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.   

Tin bài liên quan