Chia sẻ với phóng viên, đại lý bảo hiểm nhân thọ Trần Thu Trang kể, chị là đại lý mới vào nghề được hơn 1 năm, đúng vào thời điểm kinh tế của nhiều người bấp bênh do Covid, bán được 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khó “như lên trời”, nên khi kiếm được khách hàng tiềm năng, chị cuống cuồng lo ký. Khách hàng đồng ý mua bảo hiểm với mức phí đóng 12 triệu đồng/năm, nhưng vì không có sẵn tiền nên do dự, chỉ nộp phí theo quý và nộp 3 triệu đồng để đóng phí bảo hiểm quý đầu tiên.
“Tuy nhiên, vì muốn được hưởng hoa hồng cả năm nên tôi ứng tiền của mình để đóng đủ phí cả năm là 12 triệu đồng cho khách hàng. Sau đó, chồng khách hàng này không cho mua vì tài chính eo hẹp, đòi rút lại tiền, nhưng không hề báo với tôi mà âm thầm qua công ty rút, lấy về 12 triệu đồng. Giờ gọi điện đòi số tiền 9 triệu đồng tạm ứng thì khách hàng không nghe máy”, chị Trang buồn bã nói.
Một câu chuyện tương tự, được đại lý bảo hiểm lâu năm - anh Mạnh Hùng cho hay, một số đại lý mới vào nghề vì muốn được thăng bậc sớm, lại được quản lý cấp cao hơn “bật đèn xanh” bán bảo hiểm bằng mọi cách để đạt doanh số nên cũng liều lĩnh tự bỏ 100% tiền của mình trên nhiều hợp đồng để đóng tiền phí bảo hiểm cho khách hàng. Kết quả là danh hiệu đâu không thấy, mà mang về một đống nợ, thậm chí phải bỏ nghề.
Trên trang facebook cá nhân của một chuyên gia đào tạo có tiếng trong ngành mới đây cũng chia sẻ câu chuyện về một đại lý bảo hiểm nhân thọ tên T. sau khi ứng phí bảo hiểm 20 triệu đồng để nộp thay cho một khách hàng ở Phú Thọ thì khách hàng này bỗng dưng mất hút, không liên lạc được. Đại lý này nhờ chuyên gia trên tư vấn xem có cách nào lấy được lại khoản tiền đã nộp, vì sợ khách hàng tự qua công ty rút tiền, trong khi đại lý phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bởi nếu để lộ thông tin ứng phí thay cho khách hàng sẽ bị công ty phạt nặng.
Theo chia sẻ của vị chuyên gia này, việc ứng phí không chỉ diễn ra với các đại lý mới, mà còn cả với đại lý lâu năm do áp lực doanh số cũng như bị “mờ mắt” trước sự hào nhoáng của các danh hiệu Ngoại hạng, MDRT, được vào các câu lạc bộ đẳng cấp, du lịch đó đây…, mà bất chấp chạy đua thành tích cao.
Được biết, quy định của các công ty bảo hiểm đều nghiêm cấm đại lý ứng phí thay cho khách hàng và có hình thức xử phạt nặng khi bị phát hiện. Theo lãnh đạo phụ trách pháp chế của một công ty bảo hiểm, để đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh từ các cấp ở trên áp xuống, việc đại lý tự bỏ tiền ra mua hợp đồng cho chính mình, tự ứng phí mua hợp đồng cho người thân trong gia đình hay khách hàng... là khá phổ biến, nhưng không dám công khai, mà tự thỏa thuận và giải quyết “ngầm” với khách hàng, bởi nếu bị phát hiện thì “lãnh đủ”, mức phạt nhẹ thì hạ thi đua, còn nặng là cắt hợp đồng đại lý.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Lưu Vũ Anh, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho rằng, các đại lý mới cần được cảnh báo vấn đề này ngay từ những buổi đào tạo đầu tiên, tránh gây tư lợi không đáng có cũng như ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng dành cho bảo hiểm. Để hạn chế tình trạng đại lý ứng trước phí bảo hiểm, theo luật sư Vũ Anh, bên cạnh tăng nặng chế tài xử lý, các công ty bảo hiểm cần sớm bắt tay vào việc nâng chất đại lý.
Ông cho biết, ở các nước phát triển, các đại lý thành viên do hội đại lý bảo hiểm quản lý và xây dựng các chương trình đào tạo từ thấp đến cao, được phân cấp theo năng lực bản thân qua các kỳ thi khắt khe. Còn tại Việt Nam, đại lý bảo hiểm chỉ cần học cấp chứng chỉ trong vòng 5-7 ngày là được bán sản phẩm và không có phân loại chất lượng đại lý. Điều này dẫn đến việc khách hàng khó nhận biết ai là đại lý bảo hiểm tốt, nhiều kinh nghiệm, có thể tư vấn sản phẩm phù hợp nhất cho mình.
“Ở nhiều nước trên thế giới, đại lý bảo hiểm phải đặt cọc một khoản tiền khá lớn, khi có sai phạm xảy ra thì lấy số tiền này bồi thường thiệt hại hoặc nộp phạt theo quy định, cho nên sai phạm trong hoạt động đại lý rất ít”, ông Vũ Anh thông tin thêm.