Tính đến giữa tháng 6/2021, dư nợ cho vay của khối SME chỉ tăng 3,9%. Ảnh: Dũng Minh

Tính đến giữa tháng 6/2021, dư nợ cho vay của khối SME chỉ tăng 3,9%. Ảnh: Dũng Minh

Mùa dịch lại nhắc chuyện khó tiếp cận vốn ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo tín dụng 6 tháng của ngành ngân hàng có điểm đáng chú ý, đó là cho vay khối SME chỉ tăng dư nợ 3,9% - thấp hơn nhiều so với tăng trưởng chung.

Tiền cho SME vay không thiếu

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thế tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các ngân hàng liên tục đưa ra những gói tín dụng ưu đãi.

Đơn cử, HDBank tiếp tục giảm lãi suất vay gói Swift SME giá trị 5.000 tỷ đồng xuống mức 6,2%/năm nhằm giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn tài chính, tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh.

VPBank giảm lãi suất cho vay đối với SME từ 0,5-2%/năm, đồng thời đẩy mạnh các gói vay không tài sản đảm bảo (vay tín chấp) dành cho đối tượng khách hàng này với hạn mức tín dụng lên đến 3 tỷ đồng trong 36 tháng tùy theo nhu cầu kinh doanh thực tế. Doanh nghiệp có thể vay theo món hoặc theo hạn mức với phương thức trả nợ linh hoạt, trong đó vay theo món thì áp dụng trả gốc và lãi theo tháng.

Viet Capital Bank vừa đưa ra gói tín dụng 9.000 tỷ đồng dành cho SME, lãi vay giảm đến 2%/năm so với trước đây. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho rằng, làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tác động lên hoạt động cho vay là điều khó tránh, nhưng cầu vốn tín dụng của khách hàng thường tăng trong mùa cao điểm cuối năm, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát.

Mới đây, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã cấp khoản vay 40 triệu USD cho SeABank để hỗ trợ cho các SME Việt Nam. Đây là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ lên đến 150 triệu USD nhằm giúp mở rộng cho vay đối với những doanh nghiệp này, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Tương tự, IFC cũng cấp khoản cho vay dài hạn 100 triệu USD cho OCB để thúc đẩy khu vực tư nhân, qua đó nâng tổng mức cấp tín dụng cho OCB lên 280 triệu USD.... Trước đó, vào cuối quý III/2019, IFC đã cấp khoản vay trị giá 40 triệu USD cho OCB. Với nguồn tài trợ từ này, OCB sẽ cấp vốn vay bổ sung cho những doanh nghiệp trong nước bị gián đoạn kinh doanh trước tác động của bệnh dịch. Hiện OCB đang triển khai gói ưu đãi dành cho các SME do nữ làm chủ với tổng hạn mức là 500 tỷ đồng, lãi suất vay ưu đãi từ 7,5%/năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định rằng, thời gian tới, mức độ ảnh hưởng của dịch sẽ còn gia tăng. Để hỗ trợ tối đa cho các SME, OCB đã và đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho vay phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, từ đó nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế.

Nhưng vẫn khó tiếp cận

Mặc dù các ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho các SME, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng đối với các SME vẫn yếu, dư nợ cho vay nhóm này chỉ tăng 3,9% tính đến giữa tháng 6/2021 (quý I/2021 tăng 1,5%), thấp hơn mức tăng trưởn chung của toàn ngành là 5,1%. Còn theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, có đến 70% SME chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng và số còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí rất cao.

Lý giải nguyên nhân, theo VCCI, việc nợ xấu có xu hướng tăng lên khiến các ngân hàng phải thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng, thậm chí còn thắt chặt hơn, cho dù thanh khoản dư thừa. Với các SME, rào cản tiếp cận vốn ngân hàng tới từ tính minh bạch chưa cao, vòng đời kinh doanh ngắn và thiếu sự ổn định…, và đặc biệt là hạn chế về tài sản bảo đảm. Điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án kinh doanh cũng như uy tín khách hàng trong quan hệ tín dụng - vốn là cơ sở để đưa ra quyết định cho vay.

Hiện nay, có đến 70% SME chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng và số còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí rất cao.

Thực tế, ở Việt Nam, SME đã phát triển rất nhanh, có sức lan tỏa đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, trong đó 98% là SME. Vai trò của các SME ở Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo đã được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận. Theo đó, SME là lực lượng sản xuất quan trọng của nền kinh tế, tạo ra của cải vật chất và việc làm, thu nhập cho xã hội. Thế nhưng, thực trạng khó tiếp cận tín dụng ngân hàng của các SME vẫn là vấn đề nan giải.

Đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, với các SME, nguồn vốn là yếu tố sự quyết định sự thành công. Vì vậy, các chính sách của Chính phủ và ngành ngân hàng được SME đón nhận và đánh giá cao. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, nhưng đây cũng là khó khăn của toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhận biết được các khó khăn của doanh nghiệp nên ngành ngân hàng đã vào cuộc tích cực, ban hành nhanh các giải pháp như cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi suất vay của cả khoản vay mới và nợ cũ... Vấn đề đặt ra là cần sự phối hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp để làm sao các chính sách, giải pháp đúng, trúng đối tượng đang có nhu cầu vốn.

Đề xuất giải pháp, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, cần triển khai Quỹ bảo lãnh SME hiệu quả hơn, điểu chỉnh cơ chế bảo lãnh không hủy ngang để giúp tổ chức tín dụng yên tâm khi cấp tín dụng cho các SME, bên cạnh xây dựng quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng rủi ro, quỹ dự phòng rủi ro... Để mở rộng quy mô, tăng vốn điều lệ của Quỹ, theo ông Sơn, có thể kêu gọi nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và các quỹ nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các SME cần có phương án kinh doanh hiệu quả, minh bạch, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế của doanh nghiệp, thích ứng với bối cảnh phát triển mới của thị trường...

Về phía ngân hàng, ông Sơn cho rằng, cần hướng đến việc đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các SME có thể nắm bắt và thực hiện được. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) trong quản lý các hoạt động ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh của khách hàng, đánh giá được mức độ tín dụng của khách hàng kịp thời, chính xác.

Tin bài liên quan