Theo quan sát của ĐTCK, tỷ lệ cổ đông tham dự ĐHCĐ năm nay chỉ từ 5-10% tổng số cổ đông mỗi DN.
Công ty cổ phần Kho vận miền Nam cho biết, tại ngày chốt quyền dự Đại hội, Công ty có 456 cổ đông, nhưng chỉ có 24 cổ đông dự Đại hội. Nếu trừ các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát đồng thời là cổ đông đi dự Đại hội, thì số cổ đông bên ngoài đến thực hiện quyền “ông chủ” của mình tại DN này chỉ hơn chục người.
CTCP Thương mại và Dịch vụ Bến Thành chọn Metropole là nơi tổ chức Đại hội, nhưng cũng chỉ thu hút được 51 cổ đông tham dự. Buồn hơn, CTCP Thủy hải sản Việt Nhật, vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng, có tổng số trên 1.100 cổ đông, nhưng chỉ có… 11 cổ đông đến dự Đại hội hôm 18/4 vừa qua.
Nhiều DN có vốn điều lệ hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng, với cổ đông rộng khắp lên đến hàng vạn người, nhưng cũng chỉ thu hút được vài chục cổ đông đến dự Đại hội. Vì sao các “ông chủ” lại kém nhiệt tình quan tâm đến hiện trạng DN mình đầu tư như vậy?
Dù rất vắng cổ đông dự họp, nhưng điểm mới của năm nay là hầu hết đại hội được tiến hành ngay từ lần đầu, do Luật Doanh nghiệp mới cho phép giảm tỷ lệ đủ điều kiện tổ chức đại hội lần đầu từ 65% số cổ phiếu có quyền biểu quyết xuống mức 51%.
DN không bám được cổ đông, sẽ không thể tận dụng được trí tuệ và cả sự phản biện khách quan từ góc nhìn bên ngoài vào công tác định hướng phát triển DN. Ngược lại, cổ đông không đến dự đại hội của các DN nơi mình bỏ vốn đầu tư là tự từ bỏ quyền “ông chủ” của mình. Thực trạng này là một điểm yếu của DN Việt Nam khi soi vào các nguyên tắc quản trị công ty theo khuyến nghị của OECD.
Một DN được quản trị hiệu quả nếu đồng thời xử lý tốt 5 lĩnh vực: quyền cổ đông; khả năng đối xử bình đẳng với cổ đông; vai trò của các bên liên quan tại DN; công bố thông tin và minh bạch; trách nhiệm giải trình của HĐQT, Ban điều hành với cổ đông và thị trường.
Để thúc đẩy cổ đông đại chúng đến với DN mình đầu tư, quan tâm và tạo đối trọng trong việc giám sát, chất vấn, góp ý phát triển DN, hình thức tổ chức ĐHCĐ trực tuyến (E-voting) cần được thúc đẩy để phổ cập tại Việt Nam. Theo một số nghiên cứu, trên thế giới, hình thức E-voting rất phổ cập, được áp dụng tại nhiều nước.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã đưa ra hệ thống bỏ phiêu điện tử để thực hiện quyền biểu quyết cho cổ đông các DN vào năm 2010. Tại TTCK Đài Loan, năm 2009, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đưa hình thức E-voting vào sử dụng…
Các nước có TTCK phát triển như Anh, Mỹ… đều sử dụng hình thức bỏ phiếu điện tử như một phương thức để DN tổ chức lấy ý kiến các cổ đông khi cần.
Tại Việt Nam, theo ông Lưu Trung Dũng, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Hợp tác quốc tế VSD, dịch vụ bỏ phiếu điện tử đã cơ bản hoàn thành. Hy vọng từ 2017, tình trạng đại hội vắng… cổ đông sẽ giảm thiểu, khi các cổ đông dễ dàng thực hiện quyền “ông chủ” của mình qua cổng điện tử của dịch vụ E-voting.