Một số người bảo, nếu lấy câu quảng cáo của chủ đầu tư trên catalogue bán nhà là “mỗi gia đình một chỗ đậu xe hơi” thì nay hóa ra là quảng cáo láo. Thực ra không cần đợi đến lúc xe quá tải chỗ đậu, mà chỉ cần về ở đã nhận ra: cả tòa nhà có 17 tầng, trong đó nhà ở bắt đầu từ tầng 3, mỗi tầng 10 nhà, sẽ có 150 căn hộ. Trong khi đó, cả tầng hầm 1 lẫn tầng hầm 2 cộng lại mới có khoảng 40 chỗ đậu ô tô.
Chỉ 1/3 số căn hộ có ô tô thì đã quá tải. Không những thế, khi chưa thành lập được ban quản trị, người của chủ đầu tư còn nhận thêm ô tô của các tòa nhà khác vào gửi, khiến tình trạng quá tải càng lộ rõ: ai về muộn, chỉ có nước đậu xe dọc đường đi. Và những nhà mua xe sau, chỉ có nước gửi ra ngoài công viên nội khu.
Nhưng xem lại hợp đồng, mới thấy rằng không có điều khoản nào liên quan đến chỗ đậu xe. Chủ đầu tư cũng không tính chỗ đậu xe vào giá bán, nên trong trường hợp này, cư dân không có lý do gì khiếu nại.
Nhưng câu chuyện liên quan tới sự việc ngày 24/12 một số cư dân sống tại chung cư The EverRich Infinity (tọa lạc tại số 290 An Dương Vương, phường 4, Quận 5, TPHCM) kéo qua trụ sở Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt diễu hành băng rôn phản đối chủ đầu tư bán 500 triệu đồng/chỗ đậu ô tô thì lại là vấn đề khác.
Tháng 4/2019, Công ty Phát Đạt phát đi thông báo sẽ bán chỗ đậu xe ô tô tại hầm số 2 của Chung cư The EverRich do doanh nghiệp này xây dựng với giá khởi điểm 500 triệu đồng/chỗ đậu xe lâu dài. Ngay sau đó, một số cư dân chung cư này đã đưa ra nhiều ý kiến vì cho rằng, giá bán này là không hợp lý và đây là khu vực nằm trong tòa nhà của chung cư mà họ đã mua, chủ đầu tư nên khai thác cho thuê hàng tháng, thay vì bán chỗ đậu xe.
Theo quy định của Bộ Xây dựng từ năm 2013, đối với chung cư nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Luật Nhà ở năm 2014 và Thông tư 02/2016/TT-BXD, vấn đề chỗ đậu xe sẽ do chủ đầu tư và khách hàng thỏa thuận vào hợp đồng mua bán. Nếu trường hợp chủ đầu tư không đủ chỗ cho cư dân thì sẽ tổ chức bốc thăm.
Vậy thì việc đầu tiên đối với cư dân của tòa chung cư The EverRich là xem lại hợp đồng và luật, có chỗ nào công ty Phát Đạt làm không đúng luật thì khiếu nại hoặc kiện ra tòa. Về việc nay, theo đại diện Phát Đạt, tại thời điểm mở bán chung cư The EverRich Infinity, chủ đầu tư giữ lại phần diện tích chỗ đậu xe ô tô không bán và cũng không phân bổ giá trị xây dựng phần diện tích chỗ đậu xe ô tô này vào giá bán căn hộ/văn phòng/diện tích thương mại. Mặt khác, trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa cư dân và chủ đầu tư đã ký với nhau cũng có điều khoản quy định trừ diện tích để xe 2 bánh, phần còn lại của bãi xe thuộc quyền quản lý và sở hữu của chủ đầu tư.
Điểm đ Khoản 4 Điều 8 của Thông tư 02/2016/TT-BXD có quy định: “Trường hợp người mua, thuê mua căn hộ không mua chỗ để xe ô tô quy định tại khoản này thì các bên phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ là phần diện tích này thuộc quyền sở hữu và quản lý của chủ đầu tư, chủ đầu tư không được tính chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này vào giá bán, giá thuê mua căn hộ …”.
Chưa bàn chuyện giá bán chỗ đậu xe Phát Đạt đưa ra đắt hay rẻ. Điều quan trọng là đối tượng được đăng ký mua, theo công ty này, là “cư dân của chung cư The EverRich Infinity và đang sở hữu căn hộ/văn phòng/diện tích thương mại của Chung cư The EverRich Infinity. Chủ đầu tư không bán chỗ để xe ô tô cho các tổ chức, cá nhân không phải là cư dân của chung cư The EverRich Infinity”.
Xét đi xét lại, nếu so với trường hợp của chung cư tôi ở, đề cập ở đầu bài, việc chủ đầu tư chủ trương bán chỗ đậu xe lâu dài cho cư dân thực ra là có lợi cho người ở chung cư, là họ có thêm một lựa chọn, và mọi thứ được minh bạch.
Chỗ đậu xe cũng có thể trở thành một hình thức đầu tư. Ai có tiền, không muốn đậu xe chung chạ thì bỏ tiền mua. Khi đi vắng, chỗ đậu dù bỏ trống cũng không ai có quyền đậu vào đó trừ phi chủ nhân cho phép. Ban quản lý tòa nhà cũng không thể nhập nhèm nhét xe nơi khác vào, đảm bảo mật độ xe theo thiết kế.