Cuối năm 2017, ThaiBev (Thái Lan) đã bỏ ra 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco.

Cuối năm 2017, ThaiBev (Thái Lan) đã bỏ ra 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco.

Thị trường mua bán sáp nhập: Bùng nổ góp vốn, mua cổ phần

Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Động thái này sẽ góp phần quan trọng thổi bùng sức nóng của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam.

Bùng nổ góp vốn, mua cổ phần

Thông tin rất đáng chú ý mới đây là việc Tập đoàn Vemanti (Mỹ) đã quyết định mua 20% vốn cổ phần của eLoan JSC, một công ty fintech có trụ sở tại TP.HCM.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng theo kế hoạch, giao dịch sẽ được hoàn tất trong quý III/2018.

Tương tự, sau khi đã chi khoảng 18 triệu USD để thâu tóm 24 triệu cổ phần (tương đương 75%) của Công ty cổ phần Bất động sản Phú An Khang, Frasers Property - một công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, mới đây cũng đã thông báo kế hoạch mua 75% cổ phần của Công ty cổ phần Địa ốc Phú An Điền (PAD), với giá 799 tỷ đồng (tương đương 34,3 triệu USD).

Thương vụ này sẽ được thực hiện thông qua công ty con tại Việt Nam là Frasers Property Investments. 

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều thương vụ góp vốn, mua cổ phần mà nhà đầu tưnước ngoài đã và sẽ thực hiện, góp phần quan trọng thổi bùng sức nóng của thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế, theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam, để có thể ngay lập tức “tham chiến” trên thị trường, thay vì đầu tư xây nhà máy, hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu.

Con số được ông Nguyễn Nội công bố: năm 2016, nếu như giá trị của thị trường M&A Việt Nam là 5,8 tỷ USD, thì các nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần 4,5 tỷ USD.

Năm 2017, thị trường M&A Việt Nam trị giá 10,2 tỷ USD, thì riêng phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 6,3 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Không chỉ làm “nóng” thị trường M&A, mà việc các nhà đầu tư nước ngoài “bùng nổ” trong góp vốn, mua cổ phần đã góp phần quan trọng thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao.

Trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài gần 4,8 tỷ USD thông qua góp vốn, mua cổ phần, có 13,2 tỷ USD vốn đăng ký mới, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017 và 4,95 tỷ USD vốn tăng thêm, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017.

“Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Tôi cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần khi đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng, bởi hầu hết phần vốn này sẽ ngay lập tức được đưa vào thực hiện.

Hơn nữa, thực hiện góp vốn, mua cổ phần cũng chính là hình thức liên doanh, liên kết, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ năng quản lý tiên tiến và đặc biệt là mang lại sự minh bạch trong các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Nội nói.

Bán vốn khôn ngoan

Các nhà nghiên cứu tại Diễn đàn M&A Việt Nam đã khẳng định, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua chính là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.   

Trong 7 tháng đầu năm nay, riêng phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo báo cáo của Diễn đàn M&A, trong những năm qua, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại những công ty lớn dẫn đầu thị trường.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối có BigC, Metro, Nguyễn Kim; lĩnh vực nguyên vật liệu có Prime Group, VCM, Xi măng Holcim; lĩnh vực nhựa có Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất và phân phối bia, có thương vụ đình đám ThaiBev - Sabeco.

Với các thương vụ này, năm 2017, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam.

Trong khi đó, 7 tháng đầu năm nay, Singapore ghi dấu ấn với những thương vụ đầu tư lớn của GIC, đưa tổng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư này lên 805 triệu USD.

Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất tích cực trong hoạt động M&A.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, nhà đầu tư Hàn Quốc đã chi 937,6 triệu USD để góp vốn, mua cổ phần; còn nhà đầu tư Nhật Bản chi 343,5 triệu USD. Thậm chí, British Virgin Islands đã “dốc hầu bao” hơn 1 tỷ USD để thực hiện các thương vụ mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang lớn mạnh từng ngày, theo các chuyên gia trong lĩnh vực M&A, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng đã mang lại những “mặt hàng” hấp dẫn cho thị trường góp vốn, mua cổ phần.

Hàng hóa dồi dào, song theo các chuyên gia, Việt Nam cần bán vốn một cách khôn ngoan, để có thể thu được nhiều hơn và khi đó, con số mà Cục Đầu tư nước ngoài thống kê hàng năm cũng sẽ tăng lên.

“Cần cổ phần hóa theo đúng chủ trương và đúng tiến độ, nhưng bán vốn nhà nước thì nên khôn ngoan và có chiến lược hơn. Bán vốn nhà nước không như mang ra chợ và bán bằng mọi giá, bán ào ạt, miễn là đạt tiến độ.

Cũng không nên bán một cách nhỏ giọt. Tôi hy vọng, sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ mang lại những chiến lược tổng thể hơn trong bán vốn nhà nước.

Nếu biết bán khôn ngoan, biết làm hàng, thì sẽ bán chạy hơn, mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận.

Thực tế, chuyện bán vốn khôn ngoan không chỉ có ý nghĩa đối với việc bán vốn nhà nước. Nếu biết làm hàng tốt, thương thuyết tốt, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thu về nhiều hơn thông qua các hoạt động bán vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan