Diện tích vùng nguyên liệu của riêng SBT hiện trên 30.000 ha

Diện tích vùng nguyên liệu của riêng SBT hiện trên 30.000 ha

Sân chơi đầy sỏi đá

(ĐTCK)  M&A là xu thế tất yếu, dù nhận được sự quan tâm từ thị trường tuy nhiên cách đánh giá thông tin về hoạt động các doanh nghiệp đang có hoạt động M&A lại khá đa chiều…

Khi thông tin về thương vụ sáp nhập hai doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn (CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh - SBT và CTCP Đường Biên Hòa - BHS) được công bố, thị giá cả 2 cổ phiếu đều có mức tăng trưởng ấn tượng sau thời gian ngắn, mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho các nhà đầu tư… Tuy nhiên, càng sát ngày BHS hủy niêm yết, nghĩa là cái đích M&A càng gần, thì thị giá cổ phiếu SBT sụt giảm do nhiều nhận định khác nhau, liệu các thông tin này có khách quan?

Việc các công ty chứng khoán cắt margin BHS khiến giá cổ phiếu BHS chưa thể đuổi kịp SBT với tỉ lệ hoán đổi sát nút là điều có thể lý giải… Có phải đây là lý do ảnh hưởng thị giá SBT? Chốt lời hay đặt kỳ vọng vào tiềm năng hoạt động doanh nghiệp?

Hiện nay, ngành đường Việt Nam tăng trưởng bình quân 3%/năm và với ngành đường TTC là 7 - 8%/năm, mục tiêu tăng trưởng 10% cho các năm tiếp theo. Theo kế hoạch doanh thu hợp nhất niên độ ‎2017-2018 của SBT ước đạt 8.400 tỷ đồng, trong đó BHS ước đạt 4.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 680 tỷ đồng.

Sau sáp nhập, quy mô của SBT sẽ tăng mạnh với hơn 5.570 tỷ đồng vốn điều lệ, tổng tài sản 15.900 tỷ đồng, trở thành Công ty mía đường có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để SBT đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tiêu chí “vốn hóa”, tiệm cận kế hoạch niêm yết tại thị trường quốc tế Singapore, vốn đang được triển khai.

Chỉ tính riêng về SBT, diện tích vùng nguyên liệu trên 30.000 ha, trong này có 10% thuộc diện tích quản lý trực tiếp của Công ty, diện tích văn phòng nhà xưởng gần 50 ha, hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất đường tiêu chuẩn châu Âu, trang thiết bị cơ giới nông nghiệp hiện đại, công suất nhiệt điện 72MW trong tổng số 152MW điện toàn ngành đường TTC. Chỉ tính riêng nguồn lực này đã vượt giá trị 5.000 tỷ đồng…so với giá trị sổ sách của tài sản cố định trên báo cáo tài chính Công ty hiện nay là 1.600 tỷ đồng.

Về nguồn lực khác, hiện nay, SBT có hệ thống phân phối và kênh khách hàng công nghiệp rộng. Công ty cũng đang tập trung việc mở rộng quỹ đất vùng nguyên liệu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm organic và sau đường.

Được biết, SBT cũng đang có ghi nhận danh mục đầu tư đối với các tích sản khác như Trung tâm Thương mại và Khu công nghiệp tại Tây Ninh… Về giá trị đầu tư của SBT - Trung tâm Thương mại, đất và công trình xây dựng trên đất hiện nay gần 200 tỷ với diện tích gần 12.000 m2, Khu công nghiệp là 245 tỷ đồng với diện tích 1.020 m2. Đây là giá trị đầu tư chưa định giá theo thực tế thị trường hiện nay.

Nếu làm một phép tính, riêng Khu công nghiệp giá thị trường hiện nay khoảng hơn 40 USD/m2… có thể hình dung được thực tế giá trị tích sản SBT.

Như vậy, nếu chỉ đánh giá riêng về SBT, có thể đánh giá được tiềm năng của Công ty và mục tiêu phát triển rõ nét trong tương lai gần. Sau khi hoàn tất M&A, dự kiến tháng 10 tới, nguồn lực của SBT và BHS sẽ được gom chung vào một rổ, tạo sức bật ngành đường TTC.

Cơ hội tăng trưởng hoạt động SBT là rõ ràng, và thị giá cổ phiếu SBT được kỳ vọng ở một ngưỡng mới sau M&A. Đây không chỉ là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn, tin tưởng vào tiềm năng phát triển Công ty, mà còn là cơ hội cho bức tranh ngay sau 3 tháng nữa… Sân chơi đầy sỏi đá nhưng nhận định đúng, cơ hội đang trong tầm tay.

Tin bài liên quan