Đầu tư Kingsmen, Digiworld chính thức chào sân ngành chăm sóc sức khỏe.

Đầu tư Kingsmen, Digiworld chính thức chào sân ngành chăm sóc sức khỏe.

M&A y tế kích thích “khứu giác” nhà đầu tư

Giữa năm 2018, Sun Medical Center (SMC) hoàn tất thương vụ thâu tóm hệ thống Nha khoa Mỹ (NKM). Cùng với một số thương vụ lớn khác cũng như xu hướng chuyển dịch đầu tư của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, thương vụ này báo hiệu M&A trong lĩnh vực này đang vào thời “khoe sắc”.

Sự cộng hưởng của các thương vụ lớn

Việc SMC mua lại NKM là thương vụ đầu tiên trong lĩnh vực nha khoa, cũng là mối duyên lành cho các tổ chức tầm cỡ lớn về y khoa được phô diễn những ưu thế của mình tại thị trường Việt Nam.

SMC là bệnh viện đa khoa quốc tế số 1 Hàn Quốc đã đạt được chứng chỉ vàng JCI về dịch vụ y tế, được công nhận trên 90 quốc gia trên thế giới. SMC chính thức đi vào hoạt động tại thị trường Việt Nam từ tháng 11/2017, với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thẩm mỹ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. 

Trong khi đó, NKM là hệ thống phòng khám nha khoa quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam 15 năm, có nhiều dịch vụ nha khoa kỹ thuật cao.

Ông Lê Minh Long, Chủ tịch SMC Việt Nam cho biết, sau khi nhận sáp nhập NKM, SMC sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ đối với hệ thống NKM, đội ngũ bác sỹ, nhân sự, đồng thời cam kết bảo hành và giữ nguyên quyền lợi của tất cả khác hàng.

Cuộc hôn phối giữa SMC và NKM phần nào đã tạo ra sức cộng hưởng với các thương vụ thành công trong y tế trước đó để đánh thức sự quan tâm hơn của giới đầu tư đối với lĩnh vực giàu tiềm năng này. Hồi đầu năm 2018, Tập đoàn Hoàn Mỹ đã hoàn tất việc mua lại Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc.

Ông Huỳnh Lê Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, Hoàn Mỹ hiện có 13 bệnh viện, 5 phòng khám. Sắp tới, khoa sản nhi ở 13 bệnh viện sẽ được nâng cấp và theo hướng phát triển của Bệnh viện Hạnh Phúc.

Song song đó, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Hạnh Phúc sẽ được triển khai cho toàn bộ hệ thống bệnh viện của Hoàn Mỹ. Nếu nhu cầu tăng cao, thì Hoàn Mỹ có thể sẽ mở thêm một bệnh viện Hạnh Phúc ở tỉnh, thành phố mới.

Thực chất, Hoàn Mỹ là cái tên rất đáng chú ý trong việc tạo làn sóng M&A trong lĩnh vực y tế. “Tiếng pháo” đầu tiên phát nổ vào năm 2011, khi Fortis Healthcare (Ấn Độ) chi 64 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần Hoàn Mỹ.

2 năm sau thương vụ trên, Fortis bán lại số cổ phần của Hoàn Mỹ cho Richard Chandler Corp (Singapore). Đến năm 2016, Hoàn Mỹ đã lần lượt sáp nhập Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) và Bệnh viện Vạn Phúc (Bình Dương) vào hệ thống của mình.

Bên cạnh mảng chăm sóc sức khỏe, mảng dược phẩm cũng có những động thái rất đáng ý trong hoạt động M&A, trong đó phải  kể đến thương vụ Dược Cửu Long mua Dược phẩm Euvipharm. Giá trị chuyển nhượng bao gồm cả một số khoản chi trả nội bộ sau khi tiếp quản Euvipharm là khoảng 200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Dược Cửu Long cho biết, việc mua chi phối Euvipharm sẽ giúp Dược Cửu Long tăng mạnh năng lực sản xuất, phát triển các dòng dược phẩm mới, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển do tận dụng được hệ thống trang thiết bị hiện đại của Euvipharm tại Long An.

Ngoại đạo cũng ngấp nghé

Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng có động thái nhòm ngó mảng y - dược. Điều đó càng khẳng định lĩnh vực này đang ngày càng tăng sức hấp dẫn trong giới kinh doanh.

Một trong những doanh nghiệp ngoại đạo đang ngấp nghé tiến quân vào mảng y tế là Thế giới Di động (MWG). Theo đó, công ty bán lẻ này đã nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần, tương đương 49% vốn cổ phần hệ thống nhà thuốc An Khang, tổng chi phí cho thương vụ này hơn 62 tỷ đồng.

Tương tự, một doanh nghiệp ngành phân phối khác là Thế giới số (Digiworld) cũng tham gia phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mảng kinh doanh này cũng đã bắt đầu đóng góp vào doanh thu của Digiwold từ đầu năm 2018.

Thực tế,  MWG và Digiwold không phải là một vài ngoại binh phiêu lưu vào địa giới ngành y tế. Một ngoại binh khác cũng đang nuôi tham vọng “buông lưới” trong mảng y tế là Tập đoàn Sao Mai.

Công ty này đã có kế hoạch hợp tác với Tập đoàn Siemens (Đức) để xây dựng mô hình bệnh viện kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam là Bệnh viện Kỹ thuật số Sao Mai.

Được biết, tổng diện tích dự kiến của Bệnh viện Kỹ thuật số Sao Mai là gần 4 ha. Trong giai đoạn I, Dự án có quy mô 250 giường, vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ có các khoa chấn thương - chỉnh hình, tim mạch, tiêu hóa, ung thư, thần kinh - phẫu thuật thần kinh, tiết niệu và khoa xét nghiệm huyết học.

Ở một trường hợp khác, Công ty cổ phần Sara Việt Nam cho thấy khả năng hòa nhập khá nhanh sau khi mở rộng đầu tư sang y tế.

Đây vốn là doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin. Từ năm 2017, Sara đã thành lập 3 công ty con tại Cần Thơ, Nha Trang và Phú Thọ đều kinh doanh buôn bán máy móc, thiết bị y tế, vật tư tiêu hao…

Sau động thái đầu tư sang y tế, Công ty đã đạt doanh thu thuần  52,5 tỷ đồng trong quý II/2018 (cùng kỳ chỉ đạt 4,2 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt tới 29,4 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 494 triệu đồng). Trong đó, phần lớn lợi nhuận mà Sara có được trong quý II/2018 đến từ các công ty con.

Tin bài liên quan