M&A thập kỷ tới sẽ có nhiều nguồn hàng hợp khẩu vị

M&A thập kỷ tới sẽ có nhiều nguồn hàng hợp khẩu vị

(ĐTCK) “Hàng tiêu dùng, thực phẩm - thức uống tiếp tục là những lĩnh vực có triển vọng cao sẽ diễn ra các thương vụ M&A trong thập kỷ tới. Ngoài ra, khung pháp lý hoàn thiện hơn cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, dược và bất động sản, đặc biệt là phân khúc khách sạn – nghỉ dưỡng, tại thị trường Việt Nam”, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhấn mạnh tại Phiên thảo luận: Sức bật của thập kỷ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018.

Hoạt động M&A mang tính chọn lọc hơn

Trong 10 năm qua, M&A trở thành kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ những khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn.

Tổng giá trị thương vụ M&A giai đoạn 2009 - 2018 đạt 48,8 tỷ USD với hàng ngàn giao dịch, trong đó riêng năm 2017, giá trị M&A đã đạt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD.

Nhận định về các cơ hội M&A tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, ông Warrick Cleine chia sẻ, lĩnh vực ngân hàng sẽ trở thành điểm nhấn thú vị.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2018. 

Theo đó, việc Chính phủ ngày càng mở rộng cánh cửa trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ tạo sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, đầu tư vào nông nghiệp – các lĩnh vực đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư cũng sẽ chứng kiến dòng vốn đổ vào tích cực hơn.

Thực tế, trong thập kỷ qua, đa phần các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam đều có sự hiện diện của các nhà đầu tư châu Á. Đây cũng sẽ là khu vực nắm giữ dòng vốn đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng chú ý, với việc ký kết các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam ngày càng được các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc quan tâm và mở rộng đầu tư tại đây.

“Hiện tại, các nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore… có xu hướng chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam. Đồng thời, các nhà đầu tư đến từ châu Âu cũng thể hiện điều này”, đại diện KPMG nhận định.

Như vậy, trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ M&A với sự hiện diện của đa dạng đối tượng nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Đánh giá thị trường M&A Việt Nam sau 10 năm phát triển và nhận định về quy mô thị trường khi bước vào giai đoạn mới, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, trong thập kỷ qua, môi trường M&A tại Việt Nam đã thay đổi theo hướng tích cực cả về số lượng và chất lượng thương vụ. Trong 10 năm tới, xu hướng sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào câu hỏi: Việt Nam cần điều gì?

“Các hoạt động M&A sẽ mang tính chọn lọc hơn, theo hướng nội lực quyết định ngoại lực”, ông Dominic Scriven nói và cho biết thêm, Quỹ Dragon luôn quan tâm đến hoạt động M&A tại các doanh nghiệp Việt Nam, bởi việc tìm kiếm các nhà đầu tư để gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp là cần thiết.

“Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần có thế hệ ông/bà chủ mới. Hiện tại, vấn đề vẫn xoay quanh câu chuyện thu hút đầu tư trực tiếp – gián tiếp, nhưng sau nay, vấn đề sẽ là đầu tư chiến lược, bất chấp dòng vốn này đến từ trong hay ngoài nước. Theo đó, việc ai nắm quyền làm chủ sẽ bớt đi phần quan trọng, mà tập trung vào vấn đề gia tăng sức mạnh cho doanh nghiệp”, ông Dominic Scriven nói. 

Nguồn hàng phong phú

Chia sẻ về nguồn hàng sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC đang tiếp tục thoái vốn tại 140 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Bảo Minh, Dược Hậu Giang…

“Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh…, chắc chắn sẽ hợp khẩu vị của nhiều nhà đầu tư”, ông Lai chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, TP.HCM cũng sẽ tiến hành cổ phần hóa khoảng 30 doanh nghiệp và tiếp tục quá trình cổ phần hóa thêm 30 doanh nghiệp vào năm 2021. 

Chia sẻ về câu chuyện cung cấp nguồn hàng phong phú ra thị trường trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, một số nhà đầu tư đã dành sẵn tiền để chờ đợi cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia duy trì đà tăng trưởng tích cực 6 - 7%/năm.

Dựa trên yếu tố cung - cầu của thị trường, Chính phủ Việt Nam sẽ tính toán đưa ra lượng hàng hóa phù hợp nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường.

“Năm nay, Chính phủ sẽ tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với chủ trương đẩy mạnh thu hút nguồn vốn này một cách có chọn lọc với công nghệ thân thiện môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thị trường chứng khoán phát triển góp phần thúc đẩy hoạt động M&A

M&A thập kỷ tới sẽ có nhiều nguồn hàng hợp khẩu vị ảnh 2

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 

Nhờ sự phát triển tích cực của thị trường chứng khoán, các hoạt động M&A đã diễn ra sôi nổi hơn, nhất là khi kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trở nên ổn định và hiệu quả; lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn chứng khoán quý II/2018 cao hơn so với quý I/2018 và cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, với quyết tâm của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, chúng tôi tin rằng, thị trường chứng khoán sẽ duy trì đà phát triển bền vững và ổn định, thúc đẩy hơn nữa hoạt động M&A, nhất là khi nhiều doanh nghiệp niêm yết đang nằm trong danh sách tiếp tục thoái vốn của Nhà nước.

Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2019, Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện quá trình thoái vốn tại 127 doanh nghiệp, riêng năm 2018 là 64 doanh nghiệp. Hiện tại, Chính phủ đang có quyết tâm rất lớn trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban Chứng khoán cũng đang nghiên cứu thêm các phương thức mới ngoài việc bán qua sàn chứng khoán…

Đối với những quan ngại về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được đối xử bình đẳng trên thị trường chứng khoán, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng và tuân theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Không đáng ngại chuyện cổ đông nthỏ bị chèn ép

M&A thập kỷ tới sẽ có nhiều nguồn hàng hợp khẩu vị ảnh 3

TS. Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) 

Để thị trường M&A phát triển hơn nữa, chúng ta cần phải coi đây là hoạt động kinh tế bình thường, gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp. Dù đi kèm với đó là những mối lo hiện hữu như thôn tính đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh, nhà đầu tư bị chèn ép.

Tuy nhiên, hoạt động M&A luôn tồn tại hai mặt như vậy và Nhà nước đã có các quy định để kiểm soát hoạt động cạnh tranh, vấn đề lạm dụng quyền cổ đông lớn. Sắp tới, Chính phủ sẽ lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và những vấn đề bất cập hiện nay sẽ có những quy định cụ thể. Tôi cho rằng, không quá quan ngại câu chuyện cổ đông nhỏ bị chèn ép sau các thương vụ M&A.

Theo tôi, để tự bảo vệ mình, trước khi tham gia các thương vụ M&A, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ các mặt hạn chế của thương vụ để xử lý tốt hơn, hay có phương án phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra. Nếu không nắm rõ nguy cơ hay các ràng buộc pháp lý, doanh nghiệp cần phải thuê công ty luật chuyên nghiệp tiến hành tư vấn.

Tin bài liên quan