Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, các chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A liên quan đến start-up công nghệ đang có dấu hiệu khởi sắc

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, các chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A liên quan đến start-up công nghệ đang có dấu hiệu khởi sắc

M&A lan tới khởi nghiệp

(ĐTCK) “Hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động ở lĩnh vực tiêu dùng và công nghiệp, được thúc đẩy bởi các hoạt động liên quan đến chế tạo. Cùng với đó, số hóa cũng sẽ là xu thế quan trọng trong M&A ở Việt Nam. Chỉ 5 năm tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đạt giá trị tỷ USD”, ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2017 diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua.

Nhận định tổng quan về thị trường M&A Việt Nam giai đoạn 2016-2017, ông Jeffrey Pirie cho biết, năm 2016, thị trường M&A Đông Nam Á có giá trị 115 tỷ USD thì Việt Nam đạt 5,8 tỷ USD.

Nếu so với các thương vụ M&A của khu vực thì giá trị M&A tại thị trường Việt Nam là nhỏ, nhưng so với dân số và GDP thì con số này thực sự ấn tượng. Với tiềm năng vốn có, Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, cũng như cơ hội gia tăng giá trị các hoạt động M&A.

Chia sẻ về các cơ hội M&A với thị trường Việt Nam, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof cho hay, các công ty Nhật đang khá tích cực tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ tài chính và phát triển bất động sản.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ chuyên nghiệp, thương mại điện tử”,  ông Masataka Sam Yoshida cho biết.

Không “nóng” như tiêu dùng bán lẻ, bất động sản hay tài chính, các thương vụ M&A trong lĩnh vực khởi nghiệp (start-up) liên quan đến công nghệ chỉ mới manh nha một vài năm gần đây, nhưng tại Diễn đàn M&A 2017, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đang có dấu hiệu khởi sắc.

Một dự án khảo sát, nghiên cứu toàn cầu do Pure Storage, nhà cung cấp hạ tầng điện toán đám mây hàng đầu thế giới, mới đây cũng đã khẳng định rằng, một kỷ nguyên mới về số hóa đã bắt đầu tại Việt Nam.

Cuộc khảo sát của Pure Storage cho thấy, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang ở một thời khắc mang tính bước ngoặt trên khắp Việt Nam, với 53% doanh nghiệp có doanh thu từ kỹ thuật số chiếm quá nửa tổng doanh thu.

“Công nghệ số đang len lỏi vào mọi lĩnh vực và bất động sản cũng không là ngoại lệ. Mảng co-working sẽ rất ‘nóng’ trong xu hướng M&A bất động sản thời gian tới đây”, bà Nguyễn Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước dự báo.

Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2012, mô hình không gian làm việc chung (co-working space) đang lan rộng một cách nhanh chóng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Mô hình này bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 2015, với sự ra mắt của các chuỗi không gian làm việc chung như Dreamplex và Toong. Đến tháng 6/2017, có tổng cộng 17 đơn vị vận hành tại 22 địa điểm.

“Hiện chỉ một đơn vị nước ngoài đang triển khai dịch vụ này, còn lại đều là các đơn vị trong nước. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ sớm thay đổi khi một số công ty nước ngoài đã có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam trong năm nay và năm tới”, bà Phương chia sẻ.

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 91% người sử dụng không gian làm việc chung thuộc “thế hệ Y”, là những người có độ tuổi dưới 35, cao hơn so với trung bình thế giới là 67%. Con số này cũng phản ánh tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam hiện ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.

“Sự phát triển của không gian làm việc chung được thúc đẩy một phần bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng khởi nghiệp”, CBRE nhìn nhận.

Cũng liên quan đến xu hướng M&A đối với các dự án start-up công nghệ, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho biết, sự hấp dẫn của thị trường công nghệ Việt Nam mới được khám phá trong vài năm gần đây. Hiện tại, các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như SoftBank, Alibaba… đang rất quan tâm đến phân khúc này và họ đã đầu tư vào các start-up như Grab…

“So với Việt Nam, các doanh nghiệp trong khu vực thường dễ dàng hơn trong huy động vốn để đầu tư phát triển các ngành nghề mới”, ông Minh nói và cho biết, riêng trong lĩnh vực công nghệ, dù có thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thực tế, số tiền đổ vào cộng đồng start-up Việt Nam không đáng kể, dưới 100 triệu USD/năm. Trong khi đó, con số này tại khu vực Đông Nam Á là khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó 80% đổ vào Indonesia và Singapore.

“Tại sao các start-up Việt Nam chưa thể thu hút được sự chú ý từ nguồn vốn khổng lồ này? Tôi cho rằng, ngoài hạn chế về năng lực thì các chính sách hỗ trợ thiếu đồng nhất cũng là rào cản”, ông Minh nhìn nhận.           

Tin bài liên quan