Trong thị trường M&A hiện nay, MobiFone là một trong những doanh nghiệp lớn lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Đức Thanh

Trong thị trường M&A hiện nay, MobiFone là một trong những doanh nghiệp lớn lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Đức Thanh

Kinh tế hồi phục tích cực, nền tảng để M&A đột phá

Kinh tế vĩ mô đang hồi phục tích cực, cùng với hàng loạt chính sách liên quan tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam có bước đột phá trong thời gian tới.

Nền tảng là kinh tế hồi phục tích cực

Xu hướng hồi phục tích cực của nền kinh tế đã thêm một lần nữa được khẳng định thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,7%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 28,8%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 22 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước...

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng đột phá trong quý II, lên tới 6,17%, cao hơn 1,02 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 5,15% của quý I - điều chưa từng có kể từ năm 2011 trở lại đây, qua đó đưa tăng trưởng của nền kinh tế lên 5,73% trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực ngay trong tháng đầu tiên của quý III/2017.

Đây là những nền tảng quan trọng để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 7,23% trong quý III và 7,57% trong quý IV, đưa GDP cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Từ “bước chạy đà” 2017, Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,4 - 6,8%.

“Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có cái nhìn khá lạc quan về kinh tế Việt Nam, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, ngân hàng và du lịch.

“Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định là nền tảng cơ bản để các nhà đầu tư thêm tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào thị trường, trong đó có đầu tư qua hình thức M&A”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bình luận.

Tất nhiên, để thu hút đầu tư, nền tảng kinh tế vĩ mô chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.

Dù tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn đang phải trông chờ vào các cuộc đàm phán trở lại trong thời gian tới, nhưng việc Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN... sẽ tạo cơ hội to lớn để Việt Nam thu hút đầu tư, trong đó có qua hình thức M&A.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Cú hích lớn

Nếu như kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực là nền tảng quan trọng, thì quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là cú hích quan trọng để thị trường M&A Việt Nam có được bước đột phá trong thời gian tới.

Nhận định của Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến thị trường M&A Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại chính là vì tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt ở những doanh nghiệp lớn, còn chậm. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài dường như lại đang nhắm đến việc mua cổ phần trong hàng loạt doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, từ Vinamilk, Sabeco, Habeco đến MobiFone…

Thực tế, theo quan điểm của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, để thị trường M&A Việt Nam có thể đạt giá trị như mục tiêu, thì điều kiện cần thiết là phải “kích nổ” các thương vụ lớn. Cụ thể, nếu hai “vụ nổ lớn” là Sabeco, Habeco được kích hoạt trong năm nay, thì giá trị thị trường M&A Việt Nam sẽ đạt cao hơn kỳ vọng nhiều.

“Món ngon còn ở phía trước”, các chuyên gia trong lĩnh vực M&A Việt Nam đã nhận định như vậy. Món ngon đó được hiểu là việc hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang chờ được “lên kệ” trong thời gian tới.

Điều quan trọng là, Chính phủ gần đây đã hối thúc tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thậm chí còn tuyên bố sẽ kỷ luật những người đứng đầu nếu làm chậm quá trình này.

“Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành”, Thủ tướng đã yêu cầu như vậy đối với người đứng đầu các bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước.

Thêm nữa, việc hàng loạt chính sách mới đã và đang được ban hành liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, cho phép bán đấu giá theo lô và chấp nhận bán dưới giá trị vốn đầu tư... cũng sẽ tạo cú hích để “các món ngon” nhanh chóng được bày trên bàn tiệc M&A Việt Nam.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà trong hai chuyến thăm Mỹ và Nhật Bản hồi tháng 6/2017, khi gặp các tập đoàn hàng đầu của Mỹ hay đông đảo nhà đầu tư lớn Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định rằng, đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản, với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình tái cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nếu điều này là hiện thực, thì đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ, trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.

Tất cả đã sẵn sàng cho sự đột phá!

Tin bài liên quan