Kịch bản sáp nhập Tiki - Sendo: Hình thành thế chân kiềng

Nếu Tiki và Sendo hoàn thành thương vụ sáp nhập, thị trường sẽ hình thành thế chân kiềng gồm Shopee, Lazada và Tiki-Sendo.
Nếu Sendo sáp nhập Tiki, thị trường sẽ là cuộc đua tam mã giữa 3 Shopee, Lazada và Tiki-Sendo.

Nếu Sendo sáp nhập Tiki, thị trường sẽ là cuộc đua tam mã giữa 3 Shopee, Lazada và Tiki-Sendo.

Lỗ nhưng vẫn đầu tư

Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, lãnh đạo 2 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam là Tiki và Sendo đã có cuộc gặp gỡ, đàm phán về việc sáp nhập.

ến thời điểm này, cả Tiki và Sendo đều không bình luận gì về động thái này, nhưng sự quan tâm của thị trường là rất lớn, bởi Tiki và Sendo nằm trong Top 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam và nếu thương vụ xảy ra sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường.

Sau khi Adayroi của Vingroup “khai tử”, Top 5 thị trường thương mại điện tử chỉ còn lại Shopee, Lazada, Sendo và Tiki.

Trong đó, Shopee có sự hậu thuẫn lớn của ông lớn Tencent (Trung Quốc) với mức đầu tư  2.500 tỷ đồng trong năm 2019.

Lazada có sự chống lưng của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) với mức đầu tư hơn 4 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2019 cho Lazada Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Còn Tiki và Sendo trong 2 năm 2018 - 2019 đã liên tục gọi vốn, huy động các nhà đầu tư để giữ và giành thị phần.

Năm 2019, Tiki đã có 2 lần tăng vốn hàng ngàn tỷ đồng và hiện 2 cổ đông chính là VNG (24,6%) và JD.com (21,9%).

Năm 2019, Sendo đã công bố huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư trong nước nắm gần 37% Sendo và 13 cổ đông ngoại nắm hơn 63% cổ phần.    

Theo Bộ Công thương, ước tính các sàn thương mại điện tử xử lý đến 3 triệu đơn hàng mỗi ngày. Người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn khi mua sắm online, với mức chi trả bình quân là 186 USD/người/năm, tương đương 4,3 triệu đồng.

Theo Tập đoàn iPrice Group (Malaysia), Top 4 sàn hàng đầu là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo, dù đều có sự tăng trưởng bền vững qua các năm về lượng người sử dụng, nhưng lợi nhuận lại đi xuống.

Tổng hợp báo cáo kinh doanh của các sàn này cho thấy, trong năm 2018, tổng mức lỗ của 4 sàn đã lên đến 5.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2017.

Trong khi đó, theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 4,6 tỷ USD và dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2025, nên nhiều công ty trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đầu tư lớn vào thị trường này.

“Trong cuộc đua thu hút người dùng của các sàn thương mại điện tử Việt Nam, không ai là người thắng, kẻ bại tuyệt đối. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh các công ty đều đang muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới",  iPrice Group bình luận.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group nhận xét, thị trường thương mại điện tử đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự tham gia của các doanh nghiệp giàu tiềm năng, sẵn sàng chấp nhận thua lỗ lớn để giành thị phần, khách hàng.

“Trong thị trường thương mại điện tử, không ai dám nói trước điều gì, bởi cuộc chơi thuộc về các đối thủ có tiềm lực tài chính và là cuộc đua đường dài”, ông Bình bình luận.

Sẽ chỉ còn cuộc đua tam mã

Nếu Sendo sáp nhập Tiki, thị trường sẽ là cuộc đua tam mã giữa 3 Shopee, Lazada và Tiki-Sendo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), sáp nhập là xu hướng chung của trên thế giới.

Thương vụ này, nếu diễn ra, sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường, bởi họ sẽ bổ trợ, hỗ trợ nhau để tăng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh.

Sendo có những lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành, trong khi Shopee, Lazada, Tiki đang tập trung ở các đô thị lớn. 

"Giả sử 2 doanh nghiệp này sáp nhập thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp thương mại điện tử nội đủ năng lực để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Như vậy, đây là một hướng đi tốt của các doanh nghiệp nội ngành thương mại điện tử. Từ đó, Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như thương mại điện tử", ông Dũng bình luận.

Tiki có đối tượng khách hàng trẻ, Sendo có nhiều khách hàng truyền thống và cả hai đều có hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa, nên khi kết hợp với nhau sẽ tạo lợi thế để cạnh tranh với Shopee và Lazada.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của thương vụ này là 2 doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình khác nhau.

Trong khi Tiki hoạt động theo mô hình Marketplace (mở sàn cho các cửa hàng và chính Tiki đứng ra kinh doanh, Công ty cũng tự quản lý hệ thống kho bãi, giao nhận), thì Sendo là nền tảng kết nối người bán, người mua, đơn vị giao nhận, thanh toán.

Cuộc đua thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ rất hấp dẫn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan