Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

EuroCham: M&A tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2020

(ĐTCK) Các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Hội nghị đối thoại Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”, các đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ đã thảo luận sôi một loạt các vấn đề, trong đó, đáng chú ý câu chuyện là mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp.

Theo EuroCham, thị trường M&A của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A sẽ còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong năm 2020 (đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam - EVFTA đã được phê chuẩn). 

EuroCham: M&A tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2020  ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt khoảng 10,1 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2017 và trong năm 2019, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt khoảng 15,6 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2018. 

Hai ngành có hoạt động M&A mạnh nhất trong năm 2018 và 2019 là sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các ngành chủ chốt khác bao gồm tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics và giáo dục.

Đối thoại được tổ chức kết hợp với Lễ ra mắt Sách trắng EuroCham, ấn bản lần thứ 12, tổng hợp các vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của 17 tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham, cùng với kiến nghị mà Chính phủ có thể thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thương mại và đầu tư với Liên minh châu Âu.   

Các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đóng vai trò rất quan trọng trong thị trường M&A tại Việt Nam trong năm 2018 và 2019 vớI khốI lượng các giao dịch được hoàn tất ấn tượng.

EuroCham cho rằng, ước tính những con số này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2020 vì đó là thời điểm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào thị trường Việt Nam để có thể tận dụng được toàn bộ những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực mang lại trong những năm tới, bao gồm cả EVFTA. 

Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 được nhận định là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của khung pháp lý dành cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Văn bản hướng dẫn thi hành những luật mới này cũng đã góp phần vào việc đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính và pháp lý có liên quan tại Việt Nam.

Tuy nhiên, EuroCham cho rằng, vẫn còn những vấn đề quan trọng trong khuôn khổ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cùng văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản luật này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể những rào cản chính và EuroCham khuyến nghị khắc phục như tiếp tục giảm số lượng ngành nghề kinh doanh “có điều kiện” và xác định rõ ràng hơn những ngành nghề cấu thành và không cấu thành ngành nghề kinh doanh “có điều kiện” để phù hợp với mục đích của các văn bản pháp luật có bao gồm khái niệm này. 

Bên cạnh đó, bãi bỏ “kiểm tra nhu cầu kinh tế” đối với việc các nhà phân phối bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài thành lập các cửa hàng bán lẻ mới (EVFTA quy định “kiểm tra nhu cầu kinh tế” sẽ không còn được áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu năm năm sau khi EVFTA có hiệu lực). 

Đồng thời, bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải xin “Chấp thuận giao dịch M&A” trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch M&A với doanh nghiệp tư nhân; Giảm mức độ quyết định của các cơ quan cấp phép liên quan đến việc rà soát và xem xét lại các điều khoản thương mại của các giao dịch M&A; Nâng cao tính rõ ràng và thống nhất của các thủ tục áp dụng cho các giao dịch M&A. 

Ngoài ra, giảm mức độ kiểm soát của Nhà nước trên tổng thể đối với luồng ngoại tệ vào và ra khỏi Việt Nam, bao gồm việc loại bỏ rõ ràng mọi yêu cầu sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp liên quan đến các giao dịch M&A; Đảm bảo xử lý nhanh gọn và suôn sẻ các thủ tục miễn thuế cần thiết để thực hiện các giao dịch M&A và chuyển khoản phí chuyển nhượng; Giảm mức độ kiểm soát tổng thể của Nhà nước đối với các luồng ngoại tệ vào và ra khỏi Việt Nam, bao gồm việc xóa bỏ rõ ràng bất kỳ yêu cầu sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp trong nước liên quan đến các giao dịch M&A. 

Đảm bảo xử lý nhanh gọn và suôn sẻ các thủ tục miễn thuế cần thiết để thực thi giao dịch M&A và chuyển khoản phí chuyển nhượng; và xem xét lại ngưỡng kiểm tra thông báo kiểm soát sáp nhập theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản thi hành, nhằm giảm thiểu số lượng các giao dịch M&A phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nói: “Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, điều quan trọng lúc này là cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nhau, đảm bảo việc thực thi suôn sẻ và thành công Hiệp định. Một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy về những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hoá các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hoá khung pháp lý”.

Thông qua Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI), EuroCham đã và đang nắm bắt được nhịp điệu của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010. Kể từ năm 2014, BCI đã ghi nhận đánh giá tích cực và nhất quán trên 70%, đặc biệt năm 2018 và 2019 ở mức cao hơn 80%. Tuy nhiên, tương tự xu hướng chung trên toàn thế giới, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh toàn cầu, BCI của EuroCham cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận (26%) vào quý I/2020. 

Nguyên nhân trực tiếp cho sự đảo chiều đánh giá tích cực này là đại dịch Covid-19, không phản ánh sự phát triển của Việt Nam hay chính sách của Chính phủ. Điều này được khẳng định chắc chắn bởi doanh nghiệp thành viên EuroCham vẫn đánh giá tích cực cho đến khi đại dịch bùng nổ. Thực tế, nhờ các biện pháp hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, bao gồm cả biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các gói kích thích kinh tế, một số hoạt động kinh doanh vẫn có thể duy trì ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19. 

“Hiện nay, cho dù nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang ở giữa đại dịch, thì tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh đang từ từ được khôi phục và kinh tế đang bắt đầu phục hồi. Vì vậy, EuroCham kỳ vọng BCI sẽ hồi phục lại mức trước đây trong thời gian tới”, EuroCham nhận định. 

Tin bài liên quan