Dự báo hướng chảy của dòng tiền M&A

Dự báo hướng chảy của dòng tiền M&A

(ĐTCK) Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 11 đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Trong đó, câu chuyện về xu hướng dòng tiền M&A sẽ chảy vào lĩnh vực nào nhận được nhiều sự quan tâm.

Thị trường Việt Nam thu hút nhà đầu tư

Phác thảo bức tranh về thị trường M&A Việt Nam thời gian qua, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM, Phó trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 cho biết, các báo cáo gần đây đều chỉ ra rằng, nhà đầu tư quốc tế đang dồn sự quan tâm vào Việt Nam.

Cùng với Thái Lan, Việt Nam đang là thị trường M&A có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tại hội thảo do Bloomberg tổ chức mới đây, nhà đầu tư cũng chia sẻ, họ kỳ vọng nhiều ở thị trường Việt Nam và mong muốn tìm hiểu thêm cơ hội tại thị trường này thông qua M&A. Ước tính, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Đa phần các thương vụ có bên mua đến từ nước ngoài.

Dự báo hướng chảy của dòng tiền M&A ảnh 1

Thống kê về cơ cấu nhà đầu tư tham gia M&A giai đoạn 2017 - 2018 cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài chiếm áp đảo, với tỷ lệ lần lượt 91,8% và 88,2%. Nhà đầu tư trong nước đóng vai trò bên mua còn khiêm tốn, năm 2017 chiếm 8,2% tổng các thương vụ và năm 2018 tỷ lệ này là 11,8%.

Tuy nắm tỷ lệ nhỏ, nhưng thời gian qua, một số thương vụ do doanh nghiệp nội đóng vai trò bên mua đã tạo được sự chú ý trên thị trường. Đơn cử như thương vụ Saigon Co.op mua lại chuỗi siêu thị Auchan (Pháp); Vinamilk mua 38% cổ phần GTN Food; Thaco mua 35% cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; Gelex mua 25% cổ phần Viglacera…

Dự báo hướng chảy của dòng tiền M&A ảnh 2

Hàn Quốc đang là nhà đầu tư số 1 tại thị trường M&A Việt Nam. Ông Michael DC Choi, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (Kotra) cho biết, dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam trực tiếp và gián tiếp thông qua M&A gia tăng mạnh mẽ trong một thập kỷ qua và có sự phát triển bền vững.

Thương vụ M&A mới nhất do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện là Ngân hàng KEB Hanna Bank chi 885 triệu USD để nắm giữ 15% cổ phần tại BIDV. Đây cũng là thương vụ M&A chiến lược có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam.

Trước đó, nhà đầu tư từ Xứ sở kim chi đã thực hiện một loạt thương vụ mua cổ phần của doanh nghiệp với quy mô “khủng”, như SK Group đầu tư 1 tỷ USD để sở hữu 6% cổ phần tại Vingroup. Tập đoàn đến từ Hàn Quốc này hồi năm ngoái cũng chi ra 470 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần tại Masan. Dòng vốn đầu tư qua M&A hiện đang chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam.

Xu hướng dòng chảy M&A

Một khảo sát của Diễn đàn M&A Việt Nam chỉ ra, đa số nhà đầu tư cho rằng, ngành hàng sản xuất tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, giáo dục và logistic đang có nhiều triển vọng trong thu hút vốn thông qua M&A.

Thống kê các thương vụ M&A được thực hiện trong năm 2018 cũng cho thấy, hoạt động M&A tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng. Kế đến là các ngành bán lẻ, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ, dược phẩm, tài chính… Có thể kể đến một số thương vụ tiêu biểu như SK Group đầu tư vào Vingroup, Masan; Mitsui mua 35% cổ phần tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Taisho (Nhật Bản) mua 50,78% cổ phần Dược Hậu Giang; Soijiz mua 10% cổ phần Tập đoàn PAN; Quỹ đầu tư ACA rót 121 triệu USD vào Sơn Kim Land…

Dự báo hướng chảy của dòng tiền M&A ảnh 3

Về xu hướng dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam thông qua M&A ngày càng nhiều, lãnh đạo Kotra cho rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, logistic của Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng của hoạt động M&A trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ông Đặng Xuân Minh cho biết, trong năm vừa qua, thị trường chỉ ghi nhận một thương vụ nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Fecon. Nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào khai thác lĩnh vực này thiên về hình thức đầu tư trực tiếp hơn là qua M&A.

Thực tiễn này được đại diện Công ty Chứng khoán VPS lý giải, với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hình thức vay vốn phát huy công dụng tốt hơn là bán vốn cho nhà đầu tư.

Để dòng vốn chảy mạnh hơn

Tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A 2019, các chuyên gia đã nêu ra nhiều trở ngại cần tháo gỡ để thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ nước ngoài tham gia thị trường M&A Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, hành lang pháp lý hiện hành vẫn chưa đầy đủ để người nước ngoài có thể mua lại công trình hạ tầng giao thông, chẳng hạn mua lại trạm thu phí vận hành. Do vậy, chưa có các thương vụ M&A trong lĩnh vực này diễn ra.

Liên quan đến vướng mắc này của nhà đầu tư ngoại, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho hay: “Trên thực tế, yếu tố pháp lý thông thoáng sẽ thúc đẩy các thương vụ M&A. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, họ rất quan tâm tới việc mua lại dự án BOT nhưng họ vẫn chưa tìm được phương án khả thi. Có thể nói, cơ hội hút vốn ngoại vào lĩnh vực này rất lớn, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực thì còn phải giải quyết nhiều vấn đề”.

Dự báo hướng chảy của dòng tiền M&A ảnh 4

Trong khi đó, luật sư Vũ Xuân Tùng lại chia sẻ về cái khó của nhà đầu tư ngoại khi M&A một tổ chức tài chính ngân hàng. Ông Tùng cho rằng, thời gian đàm phán một thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính thường diễn ra dài vì tính chất và quy mô của thương vụ. Trong thời gian đó, môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức này khiến các bên phải đàm phán lại. Có những yếu tố kỹ thuật khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc định giá và chốt thương vụ.

Ông Đặng Xuân Minh chỉ ra 8 yếu tố cốt lõi cản trở hoạt động M&A tại Việt Nam. Đó là tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước còn quá lớn - đây là trở ngại nhất khiến nhà đầu tư còn chưa mặn mà với nhiều thương vụ nhà nước thoái vốn. Tiếp theo là thời gian diễn ra một thương vụ còn quá dài, dẫn đến nhiều rủi ro và khả năng khó chốt thương vụ. Ngoài ra là việc định giá quá cao ở một số thương vụ, ví dụ gần nhất là đợt thoái vốn bất thành của SCIC tại Công ty cổ phần Sa Giang. Bên cạnh đó là các yếu tố như báo cáo tài chính công bố không minh bạch, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và cả khả năng tiếp cận doanh nghiệp…

“Giải pháp cần thiết hiện nay là Nhà nước cần thoái vốn một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn, có sự tham gia của các tập đoàn tư nhân, thúc đẩy niêm yết các công ty nhà nước, đồng thời doanh nghiệp minh bạch thông tin hơn. Nhà nước cần thay đổi luật pháp, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động M&A”, ông Minh kiến nghị.

Tin bài liên quan