Doanh nghiệp xi măng nội “khó thở” trước sức ép M&A

Doanh nghiệp xi măng nội “khó thở” trước sức ép M&A

(ĐTCK) Qua những thương vụ M&A thành công trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện những bước đi vững chắc trên thị trường xi măng Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu cảnh báo cho các doanh nghiệp xi măng nội địa về nguy cơ mất sân nhà.

Dấu ấn người Thái trên thị trường xi măng Việt

Nhiều nhà sản xuất xi măng Việt Nam đang tính đến việc xuất khẩu xi măng như một hướng đi khả dĩ nhằm đối phó với nguy cơ dư cung loại vật liệu xây dựng này. Tuy nhiên, trong khi đường ra thị trường thế giới vẫn còn đang ì ạch thì xi măng Việt Nam có nguy cơ bị chiếm lĩnh thị trường nội địa bởi các thương vụ M&A liên tiếp thời gian gần đây.

Ghi nhận thị trường M&A ngành xi măng một vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường xi măng Việt Nam qua những thương vụ mua lại thành công các nhà máy xi măng nội địa. Đặc biệt, trong các thương vụ mua lại doanh nghiệp xi măng của Việt Nam trong thời gian qua có thể thấy, người Thái đang dành nhiều sự quan tâm cho ngành công nghiệp này.

Tiêu biểu như thương vụ diễn ra vào cuối năm 2016 khá đình đám khi tập đoàn xi măng lớn tại Thái Lan, Siam City Cement (SCCC) đã mua lại 65% cổ phần của Công ty LafargeHolcim Việt Nam. Ngay sau khi thâu tóm được thương hiệu Holcim Việt Nam không lâu, đại gia người Thái đã chính thức công bố đổi tên thương hiệu sản phẩm từ Holcim thành INSEE ngày 24/3 vừa qua.

Theo thông báo của SCCC, thương vụ này có tổng giá trị khoảng 479 triệu Euro, tương đương 524 triệu USD.

Được biết, Holcim Việt Nam là một liên doanh giữa Tập đoàn Holcim của Thụy Sĩ (nắm giữ 65%) với Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Trong khi đó, Tập đoàn LafargeHolcim là thương hiệu dẫn đầu trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng thế giới với sự góp mặt tại 90 quốc gia cùng đội ngũ nhân viên hùng hậu. Đây cũng là doanh nghiệp xi măng có vốn ngoại lớn bậc nhất tại Việt Nam.

Trước bối cảnh ngành xi măng có nguy cơ dư thừa như hiện nay, lý do vì sao đại gia Thụy Sỹ rút khỏi thị trường Việt Nam không được phía LafargeHolcim đưa ra. Song nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, việc đại gia Thụy Sỹ rời khỏi Việt Nam sau 22 năm đầu tư phát triển là để tái cấu trúc tập đoàn đa quốc gia có quy mô sản xuất xi măng thiết kế lớn nhất thế giới, nhưng nhiều khả năng cũng là do ông lớn này không còn nhìn thấy điểm sáng ở thị trường xi măng Việt Nam sau nhiều năm tham gia.

Vậy tại sao SCCC lại chọn thời điểm này để đầu tư vào Việt Nam (?) Thông tin từ Ban giám đốc tập đoàn này cho biết, SCCC đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của thị trường xi măng Việt Nam.

“Với Việt Nam, công ty chúng tôi đang có nền tảng tốt nhất để có thể tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mình. Chúng tôi rất lạc quan vào tín hiệu của thị trường, cũng như vào tiềm năng phát triển của Công ty tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới”, đại diện SCCC cho hay.

Phân tích thêm về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, ông Philippe Richart, Tổng Giám đốc SCCC Việt Nam cho biết, việc dư cung - thiếu cầu trong ngành xi măng chỉ diễn ra tại khu vực phía Bắc, còn đối với khu vực phía Nam thì tốc độ phát triển của ngành vật liệu xây dựng, cũng như tốc độ phát triển kinh tế của các thành phố trong khu vực là rất lớn. Ngoài TP.HCM phát triển rất mạnh, còn có Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ… cũng năng động không kém. Do đó, các thành phố này cũng đang rất cần xi măng và các loại vật liệu khác để phát triển các công trình tòa nhà cao ốc hay cầu cảng, đường xá...

“Đây chính là địa bàn lý tưởng để chúng tôi tiêu thụ sản phẩm xi măng của mình”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Theo công bố của SCCC, những sản phẩm mang thương hiệu INSEE sẽ là những sản phẩm cao cấp, với chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp với từng khách hàng, cũng như có những chiến lược kinh doanh hiệu quả để giữ vững được vị thế của mình trên thị trường Viêt Nam.

Trước SCCC, cũng đã có một tập đoàn Thái Lan khác "nhòm ngó" thị trường xi măng Việt Nam. Đó là thương vụ SCG Cement mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai vào năm 2012. Chưa dừng lại ở đó khi vẫn tiếp tục nhìn thấy tiềm năng của ngành xi măng Việt Nam, mới đây, Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, công ty thành viên của Tập đoàn SCG vừa mua lại 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung Việt Nam. Giá trị của thương vụ này tương đương 156 triệu USD.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, không chỉ riêng VCM, trong thương vụ này, Tập đoàn SCG đồng thời cũng mua lại một nhà máy xi măng tại Quảng Bình và giá trị của thương vụ này còn lớn hơn nhiều so với việc mua lại cổ phần của VMC, tuy nhiên, hiện nay thông tin về thương vụ này chưa được công bố rộng rãi.

Bên cạnh các nhà đầu tư Thái Lan, cuối năm 2014, Tập đoàn Semen của Indonesia cũng đã mua lại thành công Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh) của Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), đơn vị cung ứng xi măng lớn tại thị trường các tỉnh Đông Bắc Bộ, đồng thời có thị trường xuất khẩu lớn.

Ngành vật liệu xây dựng Thái Lan đã bước ra thị trường quốc tế từ rất lâu, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một tỷ lệ lớn vậy liệu, đặc biệt là vật liệu nội thất. Một trong những lợi thế của Thái Lan trong cạnh tranh chính là chất lượng và vận chuyển nhanh. Do đó, việc người Thái đổ bộ vào ngành xi măng có thể là tin mừng với triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành này, song cũng đặt ra những nỗi lo không nhỏ cho ngành xi măng nội địa vốn đã èo uột từ lâu.

Bị áp đảo trên sân nhà

Trước cuộc đổ bộ của các “đại gia” vào thị trường ngành xi măng Việt Nam là tín hiệu cho cuộc cạnh tranh khốc liệt được báo trước, các doanh nghiệp xi măng trong nước buộc phải chủ động khâu tiêu thụ nội địa cũng như tìm hướng xuất khẩu. Trong khi đó, các “ông lớn” như Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan…, cũng đang đẩy mạnh chính sách xuất khẩu xi măng với sản lượng cực lớn, điều này tác động không nhỏ tới thị trường xuất khẩu xi măng Việt Nam.

Doanh nghiệp xi măng nội “khó thở” trước sức ép M&A ảnh 1

Đại gia người Thái đã chính thức công bố đổi tên thương hiệu sản phẩm từ Holcim thành INSEE ngày 24/3 vừa qua 

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 triệu tấn, gấp 6 - 7 lần tổng công suất của Việt Nam hiện nay. Hay Thái Lan, với các tập đoàn lớn như SCG, Siam City Cement Public 

Company Limited (SCCC)… cũng đang khiến doanh nghiệp nội càng thêm khó trong cạnh tranh giành đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường khu vực như Bangladesh, Indonesia, Đài Loan, Peru, Philippiness... Chưa hết, một số thị trường quen thuộc của Việt Nam hiện đã tự chủ được nguồn xi măng, không nhập từ Việt Nam nữa, khiến sản lượng xuất khẩu xi măng càng giảm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn, dự đoán biến động thị trường còn yếu nên công tác định hướng xuất khẩu sản phẩm xi măng cũng gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm giá xuất khẩu của xi-măng Trung Quốc thấp hơn của nước ta khoảng 10 USD/tấn clinker, cho nên xuất khẩu gặp khó khăn là điều đương nhiên. Chính những khó khăn từ xuất khẩu đã gia tăng áp lực cạnh tranh trong nước. Các doanh nghiệp xi măng đều tập trung công tác tiêu thụ trong nước, nhất là các thị trường “chật chội” tại các tỉnh phía Bắc.

Song song với đó, để có “đủ hơi” trong cuộc đua khốc liệt này, các doanh nghiệp nội cần phải tập trung vào khâu quản trị doanh nghiệp, đổi mới trang thiết bị để hạ giá thành sản phẩm. Đây được xem là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp xi măng trong tình hình hiện nay. Cùng với đó là các giải pháp về công nghệ, các giải pháp xây dựng hệ thống bán hàng cũng quan trọng không kém.

Bên cạnh đó, một đại diện của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, để đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành xi măng, rất cần các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình sử dụng các sản phẩm xi măng như làm đường bê-tông xi măng, vật liệu xây dựng không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan