Phân phối bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghiệp dược phẩm và bất động sản ở Việt Nam đang lọt mắt các quỹ đầu tư từ châu Á. Trong ảnh: Tiki.vn là một trong những công ty nhận đầu tư từ STIC Investment.

Phân phối bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghiệp dược phẩm và bất động sản ở Việt Nam đang lọt mắt các quỹ đầu tư từ châu Á. Trong ảnh: Tiki.vn là một trong những công ty nhận đầu tư từ STIC Investment.

Điểm khởi đầu cho sự bùng nổ M&A

Thời gian qua, Việt Nam có nhiều thương vụ M&A trị giá lên tới tỷ USD, nhưng vẫn chỉ là điểm khởi đầu bởi thị trường còn nhiều “vùng sáng” cần khai phá.

Sóng Hàn lại nổi

Thời gian này đối với ông Kim Hyeong Soo, Phó chủ tịch Hiệp hội Venture Capital Hàn Quốc (KVCA) tại Việt Nam khá bận rộn. Những cuộc đưa đón doanh nghiệp hai nước nhằm thương thảo những khoản đầu tư trong tương lai diễn ra nhiều hơn. Nhiệm vụ của ông là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc, hỗ trợ vốn, thúc đẩy M&A đối với thị trường Việt Nam. 

“Họ đã tìm được những cơ hội mới ở Việt Nam. Các cơ hội mở ra chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, hạ tầng, logistics và vận tải”, ông Kim Hyeong Soo nói và tự tin các số lượng và giá trị các giao dịch M&A sẽ tăng cao trong năm tới. 

Trong khi đó ông Daniel Lee, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc cũng tiết lộ, Việt Nam và các nước châu Á khác hiện chiếm 19% danh mục đầu tư của quỹ. STIC Investment đang nhắm đến 3 công ty, trong đó có 2 công ty từ Việt Nam. 

Trong thời gian qua, Quỹ đầu tư STIC Investment đã hoạt động tích cực tại thị trường Việt Nam, đầu tư vào các công ty như Tiki, Cammsys Việt Nam, Công ty Thủy sản Việt Úc, Công nghệ sinh học Dược Nanogen và Hoa Sen Group….

Tháng 8/2018, Hanwha Group thông qua đơn vị thành viên Hanwha Asset Management cũng đã chi 9.300 tỷ đồng (400 triệu USD) để mua 84 triệu cổ phiếu ưu đãi của Tập đoàn Vingroup (VIC).

Trước đó, SK Group cũng chi 470 triệu USD để sở hữu 9,5% vốn cổ phần của Masan Group, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây.

Mới đây, ASAM Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ chuyên quản lý vốn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, đã rót 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã mua lại hai doanh nghiệp thuộc công ty hậu cần lớn nhất Việt Nam Gemadept. Tập đoàn này đã mua 50,9% cổ phần của Gemadept Logistics Holding và Gemadept Shipping Holding, với tổng trị giá 85 triệu USD.

Ngoài ra, không thể bỏ qua cái tên Hyosung trong bản đồ M&A ở Việt Nam. Không chỉ muốn có thêm nhiều dự án đầu tư tỷ USD ở thị trường Việt Nam, tập đoàn này còn muốn trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp đã niêm yết.

Hyosung muốn M&A với các công ty có lĩnh vực sản xuất tương tự hoặc lĩnh vực bất động sản, ô tô, logistics, bán lẻ và hàng tiêu dùng…

“Chúng tôi không đặt giới hạn về ngân sách đối với khoản đầu tư, miễn là đối tác Việt Nam trong M&A đáp ứng các tiêu chí hiệu quả trong ngành công nghiệp mà công ty đang hoạt động. Các tiêu chí cụ thể cho một đối tác khi M&A sẽ tùy thuộc từng ngành và xét đến sự hiểu biết của Hyosung về lĩnh vực đó”, đại diện Hyosung cho biết.

Với kinh nghiệm sản xuất, nguồn khách hàng toàn cầu khi chọn Hyosung làm đối tác chiến lược, cổ đông, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường và giải quyết được vấn đề cộng hưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tiêu chí cụ thể cho một đối tác khi M&A sẽ tùy thuộc từng ngành và xét đến sự hiểu biết của Hyosung về lĩnh vực đó. 

Vùng sáng hiện dần

Thị trường hơn 97 triệu dân, với nhiều nhu cầu bùng nổ như Việt Nam luôn là điểm đến của các “đại gia” trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, khi những tên tuổi đa quốc gia đã trấn giữ các cứ điểm và sân chơi, các tên tuổi chiếu dưới buộc phải tìm đến thị trường ngách. 

Hiện, sau phân phối bán lẻ và hàng tiêu dùng, ngành công nghiệp dược phẩm và bất động sản ở Việt Nam luôn lọt vào mắt người mua đến từ châu Á. 

Trong đó, bất động sản vẫn nổi lên như một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với việc Chính phủ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng; khu dân cư, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp đã tăng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. 

Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản thích liên doanh hơn là mua lại, vì các công ty địa phương có tài sản đất đai và được kết nối tốt với chính quyền địa phương, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có vốn rất cần thiết và chuyên môn kỹ thuật.

Bất kể ngành công nghiệp nào, nhà đầu tư vẫn chỉ tập trung vào các công ty hàng đầu vì họ có thị phần thống trị và giá trị thương hiệu mạnh.

Các cam kết quốc tế về mở cửa kinh tế của Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn và theo hướng bảo vệ nhà đầu tư tư nhân (kể cả trong và ngoài nước) trong giao dịch M&A với doanh nghiệp nhà nước.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam

Theo giới đầu tư, trong nhiều năm qua, thị trường Việt Nam đã trở thành điểm đến của các thương vụ M&A, nhưng giai đoạn đó vẫn chỉ được xem là điểm khởi đầu cho sự bùng nổ M&A khi nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các cam kết về độ minh bạch đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Chẳng hạn, trong vòng 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực, Việt Nam phải công khai danh sách các DNNN có doanh thu từ 500 triệu USD/năm (tương đương 15.700 tỷ đồng) trở lên trong ba năm liền trước. Đây là mức áp dụng riêng cho Việt Nam, Brunei và Malaysia, còn mức chung của Hiệp định là 200 triệu USD/năm. 

Không chỉ vậy, Việt Nam phải cung cấp cơ sở thông tin khi có yêu cầu của thành viên CPTPP, ví dụ về các lĩnh vực độc quyền hoặc DNNN với thông tin về doanh thu, quản lý, thành viên hội đồng, các quyền miễn trừ, báo cáo tài chính. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cung cấp thông tin về chính sách trợ cấp, cơ sở pháp lý, lãi suất cho vay khi có yêu cầu của thành viên CPTPP (khi có yêu cầu bằng văn bản, bao gồm giải thích các chính sách đó có thể gây ảnh hưởng tới thương mại hoặc đầu tư giữa các thành viên CPTPP)

Việc Việt Nam minh bạch tình hình hoạt động của các DNNN theo các điều khoản nói trên được cho là “vùng sáng” đối với các nhà đầu tư tổ chức, chiến lược trong việc thực hiện các thương vụ M&A.

Ông Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên VIAC, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, các DNNN cần nhớ, nhà đầu tư thực hiện M&A với mình để kiểm soát công ty và làm ăn lâu dài tại Việt Nam, nên  không chỉ cần tìm hiểu các vấn đề luật trên giấy tờ, mà còn cần tạo ra các liên kết không chính thức với nhau để tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng như thích nghi với các yếu tố Việt Nam.

Tin bài liên quan