Agribank vẫn giữ tỷ lệ vốn nhà nước như cũ, trên 65%. Ảnh: Đức Thanh

Agribank vẫn giữ tỷ lệ vốn nhà nước như cũ, trên 65%. Ảnh: Đức Thanh

Chốt danh mục cổ phần hóa, sóng M&A thêm lực mới

Theo kế hoạch, Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt trong hôm nay. Sức ép cổ phần hóa sẽ tạo xung lực mới cho thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Khó cũng phải làm

93 doanh nghiệp nhà nước có tên trong Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trước ngày cuối cùng của năm 2020. Trong số này, có cả VNPT, Vinafood 1, Agribank… - những doanh nghiệp vừa phải than khó hoàn tất đúng kế hoạch trong cuộc họp Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 8/7 vừa qua.

Cũng phải nói rõ, so với danh mục tương tự được ban hành theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, ngoài Agribank và VNPT vẫn giữ tỷ lệ vốn nhà nước như cũ, tương ứng trên 65% với Agribank và trên 50-65% với VNPT, Vinafood 1 được chuyển từ danh mục vốn nhà nước nắm giữ trên 50-65% lên trên 65%.

Chỉ có 4 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước ở mức trên 65%, gồm Agribank, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ, Vinafood 1, Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.

Nghĩa là việc cổ phần hóa của các doanh nghiệp lớn này, cũng như nhiều doanh nghiệp đang chậm tiến độ khác, sẽ vẫn phải hoàn thành đúng hạn định mới là cuối năm 20202. Như vậy, thị trường chắc chắn sẽ đón nhiều hàng mới hấp dẫn, vì đây là những tên tuổi được cân nhắc để lại chặng cuối của tiến trình cổ phần hóa.

Nhưng điều này cũng có nghĩa phải có những giải pháp thực sự mạnh mẽ.

Khi chia sẻ về lý do khó đảm bảo tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch trước đây, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Vinafood 1 cho biết, cuối năm 2018, các điều kiện về tài chính, công nợ của Công ty đều ổn, nhưng mọi việc phát sinh do thay đổi về đối tượng phải rà soát, thực hiện phương án sử dụng đất.

“Quý I/2019, khi thực hiện rà soát quỹ đất, căn cứ theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, số điểm đất phải rà soát là 35. Đến tháng 4/2019, Bộ Tài chính ban hành Công văn 4544/BTC-TCDN về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, quy định thêm đối tượng có sắp xếp đất, bao gồm công ty cấp 1, 2 do Tổng công ty nắm cổ phần chi phối. Vinafood 1 đang có 22 đơn vị công ty con diện này, tăng số điểm đất phải rà soát thêm 248 mảnh, rải rác ở 25 địa phương”, bà Tâm phân tích và lo lắng, chưa chắc hoàn thành được việc sắp xếp đất đai trước thời điểm 31/12/2019, để làm cơ sở cho phê duyệt quyết định cổ phần hóa.

Phải nói rõ, nếu chưa có quyết định cổ phần hóa, chưa thể xác định chi phí cổ phần hóa, từ đó tiến hành bước thuê tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp. Hơn thế, thủ tục thuê tư vấn thường mất tới vài tháng, có nơi 9 tháng…

Thậm chí, bà Nguyễn Tuyết Dương, thành viên HĐTV Agribank lo ngại, ngay cả khi phương án sắp xếp đất đai được địa phương cuối cùng là TP.HCM chấp thuận trong tháng 7 này, Agribank ban hành được quyết định cổ phần hoá luôn, thì kế hoạch cổ phần hoá cũng không thể xong trong năm 2019.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa với Agribank cũng phải đợi hoàn tất phương án sắp xếp đất đai.

Gỡ chốt chặn đất đai

Hiện tại, để đẩy nhanh tiến độ, một số doanh nghiệp đề xuất cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp trước, sẽ chính thức ký hợp đồng sau khi có quyết định cổ phần hóa, mong rút ngắn thời gian. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT cho rằng, cách này vừa không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, khúc mắc về đất đai vẫn là điểm chốt chặn, cần phải được xử lý dứt điểm. Nhất là với những doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều địa phương, chỉ cần một mảnh đất ở một địa phương nào đó bị vướng thì cả phương án sử dụng đất bị tắc lại.

Tiến trình cổ phần hoá Agribank đã khởi động từ năm 2017, đến giờ chưa xong do có rất nhiều chi nhánh, phòng giao dịch với hàng ngàn mảnh đất ở vị trí khác nhau, có giá trị khác nhau, nên việc rà soát đất đai để xây dựng phương án sử dụng rất phức tạp.

Hay trường hợp của nhiều doanh nghiệp, sau khi rà soát, phương án sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch của địa phương, việc hoàn trả hay tiếp tục lên các phương án mới thường rất phức tạp.

Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, Quyết định số 707/QĐ-TTg, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7/2019.

Các bộ, ngành khác cũng sẽ phải hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, đang có đề nghị tổ chức hội nghị chuyên đề giải quyết khó khăn trong sắp xếp đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Mục tiêu là phối hợp với UBND các tỉnh đẩy nhanh tháo gỡ phần việc này.

Chốt đất đai được gỡ, thì thị trường M&A sẽ thực sự dậy sóng.

Cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2019: Đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 4 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 680,86 đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng.

Thoái vốn 6 tháng đầu năm 2019: Đã thoái vốn nhà nước tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách). Trong số này có tính số thoái vốn của Viettel tại Vinaconex năm 2018, nhưng năm 2019 mới báo cáo số liệu.

Tin bài liên quan