Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Cách thức mua một công ty tại Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày càng nhiều công ty gia đình vừa và nhỏ của Nhật Bản muốn chấm dứt hoạt động do chủ sở hữu đã cao tuổi nhưng lại không có người kế nghiệp. 

Đó sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư tham vọng của Việt Nam tiếp quản các doanh nghiệp này. 

Gần đây, như là hệ quả của quá trình chuyển dịch kinh tế, thị trường Nhật Bản đang chứng kiến một đợt gia tăng mới của các hoạt động M&A, cả ở thị trường nội địa, từ nước ngoài vào Nhật Bản và từ Nhật Bản ra nước ngoài (xem bảng).

Cách thức mua một công ty tại Nhật Bản ảnh 1

Số vụ M&A tại Nhật Bản.

Các thông tin cho thấy, đã có 4.088 giao dịch M&A được thực hiện tại Nhật Bản trong năm 2019, trong đó có 826 giao dịch công ty Nhật Bản mua một công ty của quốc gia khác (trong - ngoài) và 262 giao dịch là công ty của quốc gia khác mua một công ty Nhật Bản (ngoài -trong).

Xu hướng nổi bật gần đây là các nhà đầu tư Trung Quốc hoặc Hàn Quốc mua lại các công ty sản xuất gia đình vừa và nhỏ tại Nhật Bản.

Việc xã hội Nhật Bản đang già hóa một cách nhanh chóng dẫn tới hệ quả là ngày càng nhiều chủ sở hữu của các công ty Nhật Bản (trong đó có cả các công ty đang sở hữu công nghệ quý và đẳng cấp thế giới, thậm chí chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh trên thị trường quốc tế) đang già đi nhưng lại không có người thừa kế kế nghiệp.

Ðặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang phải trải qua thời kỳ khó khăn.

Ngày càng nhiều công ty gia đình vừa và nhỏ đang kinh doanh có lợi nhuận nhưng muốn chấm dứt hoạt động do chủ sở hữu đã cao tuổi.

Nếu các công ty Việt Nam có khả năng tiếp quản những công ty công nghệ cao này thì sẽ có thể mang lại giá trị lớn cho kinh tế Việt Nam và có thể tạo ra bước ngoặt lớn cho các nhà đầu tư đầy tham vọng của Việt Nam.

Hiểu rõ về các quy định liên quan của pháp luật Nhật Bản sẽ là bước khởi đầu tốt cho thương vụ M&A của một công ty Việt Nam tại quốc gia này.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào việc mua cổ phần phổ thông tại một công ty cổ phần không niêm yết của Nhật Bản (kabushiki kaisha).

Các văn bản luật điều chỉnh hoạt động M&A tại Nhật Bản khá đa dạng, tùy thuộc theo loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh. Các luật chung điều chỉnh hoạt động M&A bao gồm nhưng không giới hạn bởi Bộ luật Dân sự, Ðạo luật Công ty, Ðạo luật Ngoại hối và Ngoại thương (FEFTA), Ðạo luật Chống độc quyền, Ðạo luật Công cụ và Giao dịch Tài chính.

Có thể cần phải xem xét thêm đến các luật chuyên ngành, ví dụ như Ðạo luật Kinh doanh Bảo hiểm, hay Ðạo luật Ðại lý Du lịch, nếu công ty mục tiêu đang kinh doanh một số ngành nghề đặc biệt.

Thủ tục giao dịch

Tại Nhật Bản, quy trình mua cổ phần trong mỗi công ty sẽ khác nhau, phụ thuộc vào việc công ty đó có phát hành cổ phiếu hay không.

Theo Ðạo luật Công ty hiện hành, một công ty cổ phần có thể tự lựa chọn việc phát hành hay không phát hành cổ phiếu, và quyết định đó sẽ được ghi nhận tại đăng ký kinh doanh được công bố công khai của công ty.

Nếu công ty mục tiêu là một công ty phát hành cổ phiếu, việc chuyển nhượng cổ phần sẽ có hiệu lực giữa bên bán và bên mua, đồng thời có hiệu lực đối kháng với các bên thứ ba (trừ đối với chính công ty mục tiêu đó) khi cả hai điều kiện sau đây được thỏa mãn: có hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu đã thực sự được giao cho bên mua.

Quyền của bên mua với cổ phần sẽ không có hiệu lực đối với công ty mục tiêu cho đến khi tên và địa chỉ của bên mua được ghi nhận tại sổ đăng ký cổ đông của công ty mục tiêu.

Nếu công ty mục tiêu là một công ty không phát hành cổ phiếu, việc chuyển nhượng cổ phần sẽ có hiệu lực giữa bên bán và bên mua theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được giao kết.

Tuy nhiên, quyền của bên mua đối với cổ phần sẽ không có hiệu lực đối kháng đối với công ty mục tiêu (ví dụ, bên mua chưa thể yêu cầu công ty mục tiêu thanh toán cổ tức trên cổ phần được chuyển nhượng) và các bên thứ ba khác (ví dụ, hiệu lực đối kháng đối với một cổ đông khác - người cũng có các quyền đối với cổ phần đã được chuyển nhượng) cho đến khi tên và địa chỉ của bên mua được ghi nhận tại sổ đăng ký cổ đông của công ty mục tiêu.

Cần lưu ý rằng, nếu điều lệ của công ty mục tiêu có quy định thì việc chuyển nhượng cổ phần phải được chấp thuận nội bộ để có hiệu lực. 

Trong cả hai trường hợp nêu trên, Ðạo luật Công ty không có quy định đặc biệt nào về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (ví dụ như phải được công chứng) để việc chuyển nhượng cổ phần có hiệu lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng chuyển nhượng thường được lập thành văn bản. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không phải nộp cho bất kỳ cơ quan nhà nước nào của Nhật Bản để giao dịch có hiệu lực.

Ðăng ký kinh doanh của một công ty cổ phần tại Nhật Bản không có bất kỳ thông tin nào của cổ đông (kể cả cổ đông sáng lập), do đó, sự thay đổi về cổ đông không cần phải được đăng ký với văn phòng đăng ký kinh doanh.

Quy định về đầu tư nước ngoài tại FEFTA

Theo FEFTA, khi một chủ thể nước ngoài sở hữu một số lượng cổ phần nhất định tại một công ty không niêm yết của Nhật Bản thông qua việc mua cổ phần, nếu bên bán không phải là “nhà đầu tư nước ngoài,” thì việc mua cổ phần của bên mua sẽ bị coi là hoạt động “đầu tư trực tiếp vào Nhật Bản” và về nguyên tắc, bên mua cần phải nộp một thông báo trước hoặc một báo cáo sau khi tiến hành giao dịch, trừ một số ngoại lệ nhất định. 

Cụ thể, trong trường hợp bên mua là một chủ thể Việt Nam thì bên mua chỉ phải nộp thông báo trước trong trường hợp công ty mục tiêu hoặc (các) bên liên kết của công ty đó tiến hành các hoạt động kinh doanh có quy định yêu cầu phải được thông báo trước (ví dụ như ngành nghề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, an toàn cộng đồng, hoặc ngành nghề nhất định khác như nông nghiệp, dầu, da thuộc).

Trong trường hợp đó, nhà đầu tư sẽ không được mua cổ phần cho tới khi hết thời hạn 30 ngày (trên thực tế thường được giảm xuống 2 tuần) kể từ ngày thông báo được nộp và nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Xin lưu ý rằng, trong những trường hợp này, bên mua vẫn phải nộp một báo cáo khi hoàn thành việc mua cổ phần, kể cả khi đã nộp thông báo trước đó.

Nếu bên mua tiến hành đầu tư trực tiếp vào Nhật Bản nhưng không bị yêu cầu phải nộp một thông báo trước và tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi nhận chuyển nhượng chiếm từ 10% trở lên thì chậm nhất là đến ngày 15 của tháng liền sau tháng mua cổ phần, bên mua phải hoàn thành và nộp báo cáo sau khi tiến hành giao dịch.

Quy định pháp luật về cạnh tranh

Tương tự các quy định tại Việt Nam và các quốc gia khác, Nhật Bản cũng đặt ra các ngưỡng để phòng chống độc quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ðạo luật Chống độc quyền nghiêm cấm các hành vi tập trung kinh tế có khả năng hạn chế đáng kể cạnh tranh tại Nhật Bản.

Nếu có vi phạm về điều cấm này thì Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) có thể đưa ra một lệnh buộc chấm dứt và ngừng hoạt động đối với công ty vi phạm, đồng thời tiến hành các biện pháp khắc phục đối với vi phạm đó.

Cụ thể, theo Ðạo luật Chống độc quyền, nếu giao dịch thỏa mãn tất cả các điều kiện sau, bên mua sẽ phải nộp một báo cáo trước mua bán tới JFTC và không được thực hiện việc mua cổ phần cho tới khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày báo cáo được JFTC tiếp nhận: Một là, tổng doanh thu tại Nhật Bản trong năm kinh doanh liền trước của bên mua và của mỗi công ty thuộc cùng tập đoàn lớn hơn 20 tỷ yên (tương đương khoảng 4.320 tỷ đồng);

Hai là, tổng doanh thu tại Nhật Bản trong năm kinh doanh trước của công ty mục tiêu và của mỗi công ty con của công ty đó lớn hơn 5 tỷ yên (tương đương khoảng 1.080 tỷ đồng);

Ba là, sau khi mua, tỷ lệ quyền biểu quyết của bên mua (hoặc của tập đoàn của bên mua) trên tổng số quyền biểu quyết vượt quá 20% hoặc 50%.

Chính sách thuế

Thuế có thể ảnh hưởng tới việc đầu tư cổ phần trên nhiều phương diện, đặc biệt với việc mua cổ phần, nhận cổ tức và thặng dư vốn từ hoạt động bán hoặc nhượng cổ phần.

Nhìn chung, việc mua cổ phần không làm phát sinh thuế (trừ trường hợp mua không theo giá thị trường).

Cổ tức của bên mua có thể sẽ phải chịu thuế thu nhập của Nhật Bản bằng cách khấu trừ từ cổ tức do công ty mục tiêu chi trả.

Cần lưu ý rằng, nếu việc phân phối lợi nhuận được thực hiện từ thặng dư vốn thì một phần nhất định sẽ được coi là hoàn lại vốn và phần còn lại là một phần cổ tức. Mức thuế suất cao nhất được áp dụng để khấu trừ thuế đối với cổ tức tại Nhật Bản là 20%.

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản quy định rằng, nếu bên mua Việt Nam nhận được cổ tức từ một công ty Nhật Bản và là người thụ hưởng khoản lợi tức đó, mức thuế suất sẽ không vượt quá 10%.

Thặng dư vốn từ hoạt động bán hoặc nhượng cổ phần khác về nguyên tắc không phải chịu thuế tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt, mức thuế suất chung trên thặng dư vốn thực nhận tại Nhật Bản là 23,2% sẽ được áp dụng. Mức thuế suất có thể được giảm hoặc miễn theo DTA.

Ðể giảm thiểu rủi ro khi tiến hành M&A một doanh nghiệp trên thị trường Nhật Bản, nơi mà các quy định pháp luật có thể sẽ nghiêm ngặt hơn nhiều so với Việt Nam, nhà đầu tư nên cân nhắc thuê các chuyên gia phù hợp và có hiểu biết sâu rộng về các quy định liên quan.

Tin bài liên quan