Cổ phiếu MTG sẽ bị hủy niêm yết trên HOSE kể từ ngày 5/6/2105

Cổ phiếu MTG sẽ bị hủy niêm yết trên HOSE kể từ ngày 5/6/2105

MTG: Vì sao kiểm toán “bó tay”?

(ĐTCK) Cổ phiếu MTG của CTCP MT Gas đang có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính (BCTC) năm 2014. 

Thua lỗ và bị hủy niêm yết là cái kết không mong đợi của cổ đông MTG, nhưng nhìn ra thị trường, đang tồn tại nỗi lo về chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết và băn khoăn về chất lượng của những báo cáo tài chính đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần. 

4 lý do khiến kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến

Trong báo cáo kiểm toán cho báo cáo tài chính (BCTC) năm 2014 của MT Gas được cung cấp bởi Công ty hợp danh Kiểm toán Việt Nam (CPA Việt Nam), có 4 lý do chính khiến CPA Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán.

Trước hết là không có đủ bằng chứng kiểm toán cần thiết liên quan đến số dư các tài khoản tại ngày 1/1/2014 trên BCTC của MT Gas. Đây là năm đầu tiên CPA Việt Nam thực hiện kiểm toán cho MT Gas nên khi kiểm toán phải làm thủ tục xem xét số dư đầu kỳ. Tuy nhiên, do bị hạn chế trong tiếp cận các tài liệu của tổ chức kiểm toán trước đó và của khách hàng đã dẫn tới tình trạng không đủ bằng chứng nêu trên. Vì thế, CPA Việt Nam không đưa ra ý kiến về số dư đầu kỳ và ảnh hưởng (nếu có) đến các khoản mục trình bày trên BCTC kết thúc năm 2014.

Thứ hai là khoản phải thu từ 2 công ty là Công ty TNHH MTV Trần Hoài Bão và Công ty TNHH Scancom Việt Nam tại thời điểm đầu năm và cuối năm 2014 đều được MT Gas hạch toán là 1,202 tỷ đồng, nhưng khách hàng lại xác nhận là không còn nợ.

Lý do thứ ba liên quan đến xác minh các khoản phải thu. Cuối năm 2014, MT Gas có gần 9 tỷ đồng phải thu khách hàng chưa xác định công nợ, chiếm 46% tổng số khoản phải thu; 6,7 tỷ đồng các khoản phải trả người bán chưa xác định công nợ, chiếm 13% khoản phải trả người bán; 99% các khoản tạm ứng, với tổng giá trị 3,1 tỷ đồng chưa có xác định công nợ.

Bênh cạnh đó, 45% khoản phải thu khác có giá trị 5,348 tỷ đồng chưa có xác định công nợ. Như vậy, tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn chưa có xác minh công nợ lên tới hơn 18 tỷ đồng trên 25,85 tỷ đồng nợ phải thu đang hạch toán; 6,7 tỷ đồng các khoản phải trả người bán trên hơn 51 tỷ đồng nợ phải trả người bán. Trong khi đó, tổng giá trị vốn chủ sở hữu còn lại của MT Gas là 113 tỷ đồng.

Lý do thứ tư khiến kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán liên quan đến chênh lệch số dư hàng tồn kho giữa thực tế với số hạch toán, do kiểm toán chưa thu thập được nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng của khoản này. Giá trị khoản chênh lệch trên là 6,3 tỷ đồng cuối năm 2013, 2,4 tỷ đồng cuối năm 2014. 

Nỗi lo chất lượng quản trị doanh nghiệp

Năm 2014, MT Gas hạch toán khoản lỗ hơn 34 tỷ đồng, gấp 11 lần con số lợi nhuận hạch toán năm 2013, nguyên nhân chính là giá bán giảm mạnh trong khi giá vốn hàng hóa hầu như không giảm và Công ty phải trích lập dự phòng cho giảm giá hàng tồn kho, khoản phải thu.

Trong bối cảnh giá gas sụt giảm, MT Gas kinh doanh thua lỗ có thể không quá bất ngờ, nhưng những lý do từ chối của kiểm toán khiến nhiều NĐT lo ngại về chất lượng quản trị doanh nghiệp tại MT Gas.

Việc MT Gas không kiểm soát được hàng tồn kho, không giải thích được nguyên nhân hao hụt hàng tồn kho thực sự là điều đáng ngại. Thêm vào đó, số dư công nợ không được xác minh đầy đủ cho thấy, rủi ro với MT Gas không chỉ là tác động từ yếu tố môi trường kinh doanh, mà từ chính cách điều hành doanh nghiệp, quản lý tài sản. Liệu một doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả khi các yếu tố trên không được kiểm soát? 

Băn khoăn chất lượng báo cáo kiểm toán

Theo nội dung kiểm toán và báo cáo giải trình của MT Gas về BCTC năm 2014, nhiều vấn đề được kiểm toán ngoại trừ đã tồn tại từ năm 2013, liên quan đến chênh lệch công nợ, chênh lệch hàng tồn kho…

Vậy nhưng, xem lại báo cáo kiểm toán cho BCTC kết thúc năm tài chính 2013 được đưa ra bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP. HCM (AISC) thì thấy, BCTC của MT Gas vẫn được kiểm toán chấp thuận toàn phần.

Đáng chú ý, dù sở hữu một báo cáo tài chính được kiểm toán đánh giá “sạch”, nhưng công ty kiểm toán sau lại không thể thu thập đầy đủ các tài liệu kiểm toán từ phía doanh nghiệp và công ty kiểm toán trước đó để đánh giá số dư đầu kỳ. Kiểm toán tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp còn không tin tưởng được số liệu kiểm toán cũ, thì liệu NĐT có tin tưởng được? 

Tin bài liên quan