Ông Lâm Minh Chánh.

Ông Lâm Minh Chánh.

Một đồng vốn trước hai dòng đầu tư

(ĐTCK-online) Khi TTCK sụt giảm, vàng tăng giá. Nhiều ý kiến cho rằng, dòng vốn từ TTCK bị rút ra để chuyển sang vàng. Vào lúc này, nên chọn vàng hay chứng khoán? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Minh Chánh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tài chính Vàng Thế Giới về vấn đề này.

Năm 2008 và đầu năm 2009 có sự bùng nổ các sàn giao dịch vàng, đại lý nhận lệnh vàng lấn lướt chứng khoán khi TTCK giảm mạnh. Trong hai tuần điều chỉnh giảm của TTCK vừa qua, dòng vốn từ chứng khoán có chảy sang thị trường vàng mạnh mẽ như đã từng xảy ra không, theo ông?

Là người tham gia kinh doanh trên cả hai lĩnh vực vàng và chứng khoán, tôi thấy hai thị trường hiện có ranh giới khá rõ nét. NĐT vàng đòi hỏi sự nhanh nhạy, kinh nghiệm, kiến thức về kinh tế tài chính thế giới hoặc đôi khi chỉ dùng đến cảm giác. Lúc nào NĐT vàng cũng bận rộn cập nhật thông tin, theo dõi giá và ra quyết định đầu tư. Còn NĐT chứng khoán chủ yếu dựa vào tư vấn của CTCK, chuyên viên môi giới và nguồn thông tin riêng.

Vẫn có một số ít NĐT vừa đầu tư vàng, vừa đầu tư chứng khoán. Có thể thấy rõ khi TTCK xuống, một số NĐT vàng rút tiền để nộp đủ tỷ lệ cầm cố chứng khoán.

Mặt khác, so với chứng khoán thì vốn đầu tư vàng qua tài khoản là nhỏ hơn. Chẳng hạn, tại sàn Vàng Thế Giới, mức giao dịch đạt tương đối lớn, 150.000 - 200.000 lượng/ngày, nhưng lượng tiền mà NĐT bỏ ra không nhiều. Vì họ được hỗ trợ đòn bẩy tài chính đến 20 lần, trong khi chứng khoán thì mức hỗ trợ trung bình là 50%. Vàng thanh khoản cao, quay vòng vốn từng phút nên giá trị giao dịch cao, nhưng số vốn thật sự bỏ ra của NĐT không quá cao.

 

Theo ông, NĐT vàng nên làm gì lúc này, khi giá vàng đã tăng nóng?

Vàng đã tăng giá ngoài dự đoán của nhiều người, kể cả chuyên gia. Ngày 2/9, giá vàng bắt đầu tăng, từ 950 USD/ounce lên gần 1.000 USD/ounce, trong khi cả tháng 8 chỉ dao động quanh mốc 950 USD/ounce. Lúc đó, lực đánh xuống của các NĐT vàng trên sàn rất mạnh, vì không ai nghĩ vàng sẽ trụ được ở mức giá đó. Nhưng đến đầu tháng 10, vàng có bước tăng đột phá, vượt qua mốc 1.100 USD/ounce. Hịện tại, giá vàng là 1.120 USD/ounce, tương đương 24,2 triệu đồng/lượng. Song song với đà tăng đó, khoảng chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và vàng thế giới ngày càng cao, có khi lên đến 4 - 5 triệu đồng/lượng.

Khi giá vàng diễn biến tăng hoặc giảm với biên độ lớn, NĐT cần hết sức thận trọng. Vì giá vàng điều chỉnh lên hoặc xuống theo bước sóng ngắn thì NĐT bảo toàn được vốn và lời nhiều hơn lỗ. Nhưng nếu vàng đột biến về giá, tăng liên tục như mấy ngày qua, thì NĐT lỗ nhiều hơn. Lý do đơn giản là những người có lời đã chốt lời sớm, còn người lỗ thì chịu đựng.

Theo tôi, lúc này NĐT dài hạn nên khoan ra quyết định, mà đứng ngoài thị trường. Vì giá vàng cao nhưng không có nghĩa bán xuống là thu được lợi. Giá vàng đã cao vẫn có thể cao hơn và cũng có thể sẽ giảm rất mạnh. Rủi ro hiện tại là rất cao. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho NĐT ngắn hạn, nhưng nên nhớ theo đúng quy định chốt lời và cắt lỗ theo mức độ chấp nhận rủi ro. Có thể là lời 7, lỗ 5%, lời 10% lỗ 7, hay lời 15% lỗ 10% trên vốn ký quỹ.

 

Theo ông, NĐT dài hạn vào thị trường vàng nên đứng ngoài đến bao giờ?

Khi nào vàng tạo lập một mặt bằng giá mới, tức là giá vàng dao động quanh mức giá trung bình trong một thời gian tương đối. Mức giá 1.200 USD/ounce của vàng hiện nay là đỉnh mới hay leo thang tiếp thì chưa ai có thể dự đoán được.

 

Trong thời gian chờ đợi, ông có khuyên NĐT vàng nên đem vốn sang bỏ vào chứng khoán, đang được cho là rẻ so với thị trường trong khu vực?

VN-Index sau khi vượt mức 600 điểm vào ngày 15/10 đã điều chỉnh giảm trở lại. Đợt điều chỉnh nặng nề nhất là từ ngày 6/10 đến ngày 10/11, sau đó tăng trở lại gần mức 550 điểm trong hai ngày vừa qua.

TTCK Việt Nam vẫn còn nguyên đặc tính mới phát triển, đó là NĐT vẫn còn tâm lý tham lam hay sợ hãi quá mức. Tuy vậy, diễn biến giằng co trong những phiên giao dịch vừa qua cho thấy họ bản lĩnh hơn nhiều so với trước đây. Trong ba ngày 6, 9 và 10/11 thị trường giảm mạnh, nếu như trước đây có thể thị trường mất thanh khoản, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Lượng cầu lập tức được thiết lập. Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, VN-Index xuống quá 550 điểm cũng khó, mà vượt hẳn mức 600 điểm cũng không dễ. Tuy nhiên, thị trường lúc này ẩn chứa khá nhiều rủi ro cho NĐT ngắn hạn. Chỉ có NĐT bản lĩnh, sẵn cổ phiếu hoặc thực hiện chiến lược quay vòng vốn và cổ phiếu nhanh, nắm bắt “nhịp” thị trường kịp thời thì mới có khả năng thu lời.

 

Có cách nào để NĐT luân chuyển dòng vốn nhanh từ chứng khoán sang vàng và ngược lại, tùy theo từng thời điểm của thị trường, thưa ông?

Chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm tư vấn đầu tư chứng khoán. Theo đó, NĐT có thể sử dụng một đồng vốn cho cả hai thị trường. Tỷ lệ ký quỹ đầu tư vàng, thay vì để trong tài khoản thế chấp như trước kia sẽ được sử dụng để đầu tư và sinh lợi theo sự tăng trưởng của TTCK.