Công nhân của May mặc Dony làm việc trong nhà máy tại quận Tân Bình, TP.HCM (Ảnh: Quang Anh).
Hơn 100 lao động đã miệt mài làm việc, không nghỉ một ngày nào từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại TP.HCM.
Trải qua 3 làn sóng dịch, đơn hàng đều đặn, Công ty TNHH May mặc Dony ở Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP.HCM) đã duy trì liên tục chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên trước yêu cầu, doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đảm bảo “3 tại chỗ” hoặc “2 cung đường 1 điểm đến” từ ngày 15/7 của chính quyền TP.HCM, ông Phạm Quang Anh, giám đốc May mặc Dony đã phải chọn phương án tạm đóng cửa nhà máy.
Thông cảm với diễn biến dịch ở TP.HCM đang rất phức tạp nên các đối tác nhập khẩu hay tại nội địa của Dony đều đồng ý hoãn thời gian giao hàng.
Doanh nghiệp này chỉ còn một đơn xuất khẩu đi Nhật Bản sắp hoàn thành nên sẽ bố trí cho hơn 10 công nhân ở lại làm nốt trước khi tạm ngưng hoạt động.
Cùng với đó, Ban lãnh đạo May mặc Dony đã phải cân nhắc nhiều vấn đề về việc có nên chuẩn bị “3 tại chỗ” hay không. Bởi, chuyện cá nhân thì dễ sắp xếp. Còn về mối quan hệ cá nhân giữa các nhân viên thì không dễ quản lý.
Công ty cũng chưa thể chuẩn bị khu nấu ăn tập thể trong doanh nghiệp; một số đối tác cung ứng vật tư, nguyên phụ liệu đã và sắp tạm ngưng hoạt động.
Hơn 1 năm, chúng tôi chưa dừng hoạt động ngày nào vì vẫn có đơn hàng liên tục còn người lao động, nhà máy được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bây giờ chúng tôi tạm nghỉ, với tâm thế là mình đã lao động hết mình trong nhiều tháng qua
Ông Phạm Quang Anh, giám đốc May mặc Dony
“Nếu duy trì sản xuất thì phải đảm bảo hoạt động ít nhất 50% công suất so với ngày bình thương vì nếu chỉ hoạt động được 10-30% thì không có ý nghĩa, tốn nguồn lực quản trị”, ông Quang Anh chia sẻ thêm và cho biết, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sẽ tuỳ thực tế để dự liệu cho kế hoạch mở lại nhà máy.
Trong trường hợp hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16 (dự kiến vào ngày 23/7) mà dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm, doanh nghiệp sẽ tổ chức “3 tại chỗ”; bố trí cho công nhân lên công ty, nhằm không để máy móc không không rơi vào tình trạng “trùm mền” và công nhân thì không có kế sinh nhai.
Doanh nhân trẻ này còn cho biết, khi làn sóng dịch lần thứ 4 xuất hiện ở TP.HCM, ông đã mường tượng về một thời điểm phải ngưng mọi hoạt động sản xuất bởi quy tắc trong dịch tễ, đợt dịch sau sẽ bùng mạnh hơn đợt trước. Nhưng ông không ngờ, viễn cảnh này lại đến quá nhanh.
Thời gian qua, May mặc Dony gia tăng thời gian làm việc, nhằm hoàn tất những đơn hàng đã ký trong thời gian ngắn nhất.
“Vì không ai biết, ngày mai có bị ngừng hoạt động hay không nên dù khách hàng yêu cầu ngày 20 mới giao hàng nhưng chúng tôi liên tục đẩy nhanh tiến độ để ngày 10 sẽ giao luôn”, ông Quang Anh lấy ví dụ về việc tổ chức sản xuất nhằm tránh tình trạng trễ đơn hàng.
Cùng với đó, doanh nghiệp không xem đây là quãng thời gian tăng ca mà thoả thuận với công nhân, khi hết dịch, nếu đã làm hết đơn hàng, công nhân sẽ được nghỉ ngơi vài ngày.
Còn nếu sau dịch, vẫn có nhiều đơn hàng thì việc tăng giờ làm trước đó sẽ được tính theo mức lương tăng ca.
Ông Quang Anh gọi đây là tinh thần làm việc “khi còn được sản xuất thì tận dụng tối đa thời gian, làm hết mình để khi tạm nghỉ thì công nhân cũng thoải mái, không lo lắng về thu nhập”.