Năm 2019, thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy động lực ấn tượng - chỉ số S&P 500 vượt mốc 3.100 điểm.
Tuy nhiên, theo Morgan Stanley, Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ, mọi thứ sẽ sớm thay đổi, thị trường sẽ bắt đầu lao dốc. Và đến cuối năm 2020, S&P 500 sẽ giảm xuống còn 3000 điểm.
Đồng USD cũng không có triển vọng tốt hơn là bao. Dự báo của Morgan Stanley cho thấy, xu hương chính của năm tới chính là sự mất giá của đông bạc xanh.
"Đồng tiền của nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự chậm lại của nền kinh tế trong nước, sự phục hồi tăng trưởng của các quốc gia khác và dòng vốn đầu tư giảm", các nhà phân tích của Morgan Stanley chỉ ra.
Sự thay đổi trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Hans Redeker, chiến lược gia tiền tệ tại Morgan Stanley, với việc Fed cắt giảm lãi suất 3 lần liên tiếp trong năm nay khiến đồng USD nhận được ít sự hỗ trợ hơn từ xu hướng lợi suất trái phiếu tăng cao. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục yêu cầu Fed làm làm suy yếu đồng USD và hạ lãi suất cơ bản xuống mức âm.
"Lãi suất cơ bản quá cao so với những gì các quốc gia khác – những đối thủ của chúng ta. Trên thực tế, lãi suất của chúng ta nên thấp hơn tất cả các nước khác. Đồng USD quá mạnh đang gây bất lợi cho nhà sản xuất và tăng trưởng kinh tế!"
Năm 2019 chứng kiến một dòng đầu tư nước ngoài đáng kể vào đồng tiền của Mỹ. Kể từ tháng 1, USD Index (USDX hay DYX), chỉ số phản ánh giá trị của đồng USD so với một nhóm các đồng tiền của các quốc gia hàng đầu thế giới đồng thời là đối tác thương mại lớn của Mỹ, đã tăng khoảng 4,9%.
Tuy nhiên, chính sách cắt giảm lãi suất của Fed, bắt đầu từ cuối tháng 7, đang buộc các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường khác. Vì vậy, vào cuối năm 2020, USD Index sẽ giảm từ 98 điểm hiện tại xuống còn 81 điểm, báo cáo của Morgan Stanley viết.
Thêm vào đó là một yếu tố khác quan khác. Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đang đầu tư ngày càng ít vào thị trường tài chính toàn cầu, điều này làm giảm nhu cầu đối với đồng USD.
Các chuyên gia Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh, vấn đề của Mỹ là thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai, còn chính phủ thì cần người mua trái phiếu. Thật không dễ dàng nếu nguồn vốn toàn cầu giảm mạnh và khoản thâm hụt ngân sách gần 1.000 tỷ USD đang trở nên rắc rối hơn.
Jefferies Group, một công ty tư vấn tài chính của Mỹ, cảnh báo, trong tương lai gần, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ là nguyên nhân làm cho gia tăng thâm hụt ngân sách. Các chuyên gia lo ngại, khoảng cách vốn đã rất lớn giữa thu và chi ngân sách sẽ còn nới rộng thêm nhiều khi tân tổng thống lên nắm quyền, dù đó có là ai. Và điều này sẽ có thể đẩy đồng USD vào một thời kỳ dài suy yếu.
Bank of America cũng đưa ra dự báo, đồng USD sẽ suy yếu so với đồng yên, đồng euro và bảng Anh vào năm 2020. Cụ thể, đồng euro sẽ tăng lên 1,15 USD đổi một euro, (hiện tại đồng tiền của châu Âu đang được giao dịch với giá 1,1 USD đổi một euro).
Goldman Sachs, một ngân hàng lớn khác, lưu ý trong khảo sát Global Macro Outlook rằng, tăng trưởng vừa phải của nền kinh tế Mỹ và hoạt động kinh tế yếu kém ở Trung Quốc cho đến nay vẫn đang hỗ trợ đồng USD, tuy nhiên, về lâu dài, chắc chắn tình hình sẽ biến đổi.
"Sự phục hồi bền vững hơn trong khu vực đồng euro, thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm đáng kể và Fed cắt giảm lãi suất là những rủi ro rõ ràng khiến đồng USD mất giá", Goldman Sachs cho biết.
Như các nhà phân tích của Goldman Sachs giải thích, đồng USD là loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, vì vậy tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng tốc trong năm tới sẽ gây áp lực khiến giá USD giảm mạnh. Mặc dù vậy, ngân hàng này đang chờ đợi một "mức giảm vừa phải" trong khoảng 1,5 - 2%.