Ngoài việc để ý đến tính chất của nguyên liệu, còn phải xem xét đến các loại gia vị nêm nếm, cách chế biến, nước mắm đi kèm…
Theo cách người phương Tây chọn rượu với thức ăn: “Vang trắng với các loài dưới nước và có cánh, vang đỏ với các loài trên cạn”, xem ra không thể áp dụng hoàn toàn được với đồ ăn Việt.
Tuy được du nhập từ Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XIX, nhưng rượu vang vẫn chưa phổ biến lắm trong nền ẩm thực địa phương, vì nhiều lý do nhưng cơ bản là vì Việt Nam không trồng được nho vang, nên ngành sản xuất rượu vang chưa được phát triển.
Ẩm thực nước nhà kết hợp với rượu vang do vậy còn rất mờ nhạt. Nếu chiếu theo nguyên tắc cơ bản của ẩm thực là ”Rượu địa phương nào thì hợp với món ăn địa phương ấy”, thì các món ăn Việt Nam chỉ hợp với rượu làm từ lúa gạo hoặc bia làm từ ngũ cốc địa phương.
Rượu vang trắng của Pháp.
Rượu vang có nguồn gốc từ nước ngoài nên việc kết hợp với thực phẩm có nguồn gốc thuần Việt sẽ bị nhiều hạn chế. Hơn nữa, khí hậu nóng, ẩm như ở Việt Nam thì việc thưởng thức rượu vang cũng bị ảnh hưởng, không như bia lạnh, rất phù hợp.
Xét những đặc tính món ăn như mùi - vị - kết cấu, thì món ăn Việt Nam rất phức tạp, có mùi vị phong phú, đậm đà, ăn một mình rất ngon, nhưng lại không đủ tinh tế để kết hợp với rượu vang.
Có nhiều loại nguyên liệu và gia vị khác nhau cùng tạo nên kết cấu chính của món ăn nên khó xác định rượu cho phù hợp.
Món gỏi tôm thịt miền Nam.
Lấy món gỏi tôm thịt miền Nam làm ví dụ: Món gỏi gồm nhiều thành phần như rau, củ, thịt heo, tôm, rau thơm và nước xốt. Lại còn ăn kèm cùng nước mắm chua ngọt. Khó mà tìm được loại rượu vang nào có thể hợp cùng lúc với tất cả các yếu tố đó.
Ta sẽ phải chọn một yếu tố trong món gỏi làm cơ sở chọn rượu vang. Giả dụ như chọn nước xốt (vị chua ngọt) thì sẽ kết hợp với vang trắng cay ngọt, nếu lấy thịt heo thì phải uống với rượu vang đỏ nhẹ. Phải chắc rằng loại rượu đó không bị xung đột với các thành phần còn lại. Đây là một thử thách không hề đơn giản.
Món ăn Việt ngoài việc ướp với nhiều gia vị còn chế biến theo cấp độ tăng dần như luộc - hấp, chiên - xào, kho – rim, hầm - nướng.
Các món luộc, hấp phù hợp với các loại rượu có tính chất khô, nhẹ, thơm. Các món chiên xào nhiều dầu mỡ thì đi cùng với loại rượu chua hoặc chát để khắc phục yếu tố béo ngậy.
Các món hầm thì hợp với loại rượu êm, phức tạp còn món nướng đòi hỏi có rượu vị đậm, ngậy đi kèm. Riêng các món kho, rim, khìa Nam Bộ thì khó tìm vị nước mắm hoặc nước cốt dừa là yếu tố cản trợ kết hợp thức ăn với rượu vang.
Vang đỏ Napa Valley.
Nhiều người Việt Nam là “fan” của rượu đỏ đậm chát như Bordeux, Mesdoc hay vang đỏ Napa Valley hẳn sẽ lấy làm thất vọng nếu biết được rằng loại vang yêu thích này ít khi hợp với các món thịt đỏ nấu theo kiểu Việt Nam như họ nghĩ.
Các món thịt của Việt Nam thường được nấu với rất nhiều loại gia vị cay mặn ngọt tổng hòa với nhau nên rất không hợp với rượu có vị tannin cao. Đặc biệt, nước mắm có trong gia vị nêm nếm nếu gặp tannin sẽ làm hỏng cả vị đồ ăn và rượu (nước mắm sẽ có vị kim loại còn rượu sẽ có vị đắng gắt).
Một bất hợp lý khác nữa là các món ăn truyền thống như bún, phở, mì, hủ tiếu… cũng rất khó để dùng kèm với rượu vang.
Miễn cưỡng lắm thì uống với một chút rượu sủi bọt, vì về cơ bản thì món nước lỏng (có nước dùng) không hợp với rượu vang, ngoại trừ món xúp chế biến theo kiểu Tây.
Dưới đây là một vài cách kết hợp rượu và đồ ăn Việt khá hợp lý như sau:
Các món salad, hải sản, thịt gia cầm: Vang sủi bọt, vang trắng cho đến rose và vang đỏ nhẹ.
Các món rau, củ; salad chua, ngọt; gỏi – nộm: Vang trắng khô nhẹ, rose khô nhẹ, vang trắng bản ngọt, rose bản ngọt, vang sủi bọt demi-sec.
Các món bánh hấp có nguồn gốc từ Trung Quốc (dimsum, há cảo, bánh xếp): vang trắng, rose khô nhẹ hoặc ngọt.
Các món ăn với nước chấm (bánh cuốn, gỏi cuốn v.v..): vang trắng, rose khô nhẹ hoặc bán ngọt.
Các món ăn khai vị chiên, lăn bột (nem, tôm chiên, hoành thánh chiên): vang sủi bọt, vang trắng, rose khô nhẹ hoặc bán ngọt.
Các món hải sản giáp xác (tôm, cua, ghẹ): Vang sủi bọt, vang trắng khô nhẹ hoắc bán ngọt, rose khô hoặc bán ngọt cho các món hấp, luộc thông thường. Với các món nướng nhiều gia vị thì có thể dùng với vang đỏ nhẹ hoặc vang trắng đậm.
1 loại vang rose nổi tiếng thế giới
Các món hải sản nhuyễn thể (sò, ốc, hàu): vang trắng khô, vang rose khô.
Các món hải sản cá: Có thể dùng với nhiều loại vang sủi bọt, vang trắng và rose.
Các món hải sản, gia cầm có cách chế biến đậm đà, nhiều gia vị (nướng, quay, rô ti, kho): vang trắng đậm ngậy hoặc bán ngọt, rose bán ngọt, vang đỏ nhẹ.
Các món hải sản ăn tươi sống: vang trắng khô nhẹ, rose khô, vang sủi bọt brut.
Tráng miệng ngọt: vang tráng miệng, vang sủi bọt demi-sec.
Cơm rang (dương châu, hải sản, cá mặn): rose, vang đỏ nhẹ.
Bánh mì, thức ăn nhanh: rose, vang đỏ nhẹ.
Các món thịt heo, bò chế biến thông thường ít gia vị (luộc, hấp): vang đỏ nhẹ, vang đỏ vừa.
Các loại thịt đậm như thịt thú rừng, thịt dê, thịt vịt: Có thể dùng với vang đỏ đậm, tuy nhiên nên tránh dùng loại vang quá trẻ.
Các món thịt nướng, quay, rô ti, BBQ: vang đỏ vừa. Nếu dùng vang đỏ đậm chát thì tránh các món mặn hoặc có nêm nước mắm.