Tiếp tục cải cách quy định theo hướng thực chất
Gần 5 năm vừa qua, dưới sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã làm được nhiều việc liên quan đến cải cách điều kiện kinh doanh. Lần đầu tiên, toàn bộ các điều kiện kinh doanh quy định tại hàng ngàn thông tư đã được chuyển đổi lên thành Nghị định theo yêu cầu của Luật Đầu tư và đã có sự rà soát và chuẩn hoá bước đầu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI |
Lần đầu tiên đã có quá trình tự rà soát điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá, cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Năm 2018, có đến 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn có tình trạng cải cách các điều kiện kinh doanh chưa thực chất, nhiều bộ, ngành đưa ra phương án cắt giảm cho có, mang tính đối phó, không thực chất. Như tình trạng gộp 3 điều kiện kinh doanh cụ thể làm 1 và thống kê là đã cắt giảm 2 điều kiện như một số doanh nghiệp và chuyên gia phản ánh. Hay tình trạng chuyển điều kiện kinh doanh sang hình thức quản lý khác bằng quy chuẩn kỹ thuật, hay quy định mới để giữ nguyên tinh thần xin phép, cấp phép.
Trong nội bộ từng bộ, vẫn phổ biến tình trạng các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những cơ quan này sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình.
Quy định cải cách cần giao cho các bộ phận độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần tích cực tham vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội liên quan.
Giải pháp cần thực hiện thời gian tới là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài chủ động lập danh sách các điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ và kiến nghị các giải pháp giúp giảm chi phí kinh doanh, chủ động gửi cho Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sau cân nhắc từ nhiều phía, các bộ, ngành, các chuyên gia... sẽ đưa ra quyết định. Trên cơ sở đó sẽ ra nghị định bãi bỏ, cách tiếp cận là không cần chờ các bộ tự rà soát và quyết định.
Thúc đẩy đầu tư tư nhân vào hạ tầng
Hiện nay, khu vực tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã đảm đương được các dự án lớn, chương trình lớn có chất lượng cao, như đường cao tốc, sân bay, cảng biển, khu đô thị lớn... Các nhà đầu tư tư nhân đã bước chân vào những lĩnh vực đầy tham vọng, như sản xuất ô tô, vận tải hàng không... Đầu tư từ tư nhân trong nước cần xem là nguồn lực quan trọng để phát triển các công trình đặc biệt quan trọng.
Chẳng hạn, Nhà nước đang có chương trình làm đường cao tốc Bắc - Nam. Sau 44 năm thống nhất đất nước, đã đến lúc các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải vươn lên cùng Chính phủ làm con đường này. Không thể cái gì cũng trông chờ vào đầu tư nước ngoài, vào nguồn vốn vay từ các nước, mà doanh nghiệp trong nước phải hợp sức cùng làm. Dưới sự định hướng của Chính phủ, thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với tập đoàn, tổng công ty nhà nước để triển khai các dự án hạ tầng quan trọng. Có như thế, doanh nghiệp tư nhân mới lớn mạnh.
Về phía Chính phủ, cần nhanh chóng tạo ra khung khổ pháp lý phù hợp, ổn định, chắc chắn ít rủi ro và tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia. Sắp tới, cần đặc biệt chú trọng vào thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), mà Quốc hội vừa thông qua. Từng bước hướng các doanh nghiệp đầu tư một cách minh bạch, có sự tham gia giám sát của các nhà chuyên môn, các hiệp hội và người dân.
Tăng cường đẩy mạnh giám sát thực thi cấp cơ sở
Thời gian qua, cấp bộ, cấp tỉnh đã có những chuyển động tích cực. Ở cấp bộ đã chủ động đưa ra các sáng kiến và chương trình cải cách điều kiện kinh doanh hay kiểm tra chuyên ngành. Một số địa phương đã thực hiện rất tốt việc cải cách thủ tục hành chính và đối thoại doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách rất lớn giữa các chính sách và việc thực thi, hay sự vận hành chưa đồng bộ ở cấp cơ sở trong thực thi các chính sách.
Các cấp này nếu vận hành không tốt sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách, ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và hàng triệu hộ kinh doanh vốn rất nhạy cảm với thủ tục hành chính.
Một số địa phương thời gian qua đã tiên phong áp dụng bộ chỉ số đánh giá thực thi hành chính của cấp sở, ngành và quận, huyện theo cách thức mà VCCI thực hiện Chỉ số PCI. Một số mô hình rất tốt như Chỉ số DDCI của Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn... Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của VCCI, có trên 40 tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình này theo quy mô khác nhau.
Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thúc đẩy việc giám sát và đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của các sở, ngành, quận, huyện. Người đánh giá cần là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, cơ quan tổ chức đánh giá ở tỉnh cần là các tổ chức khách quan và độc lập như các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, hay viện trực thuộc tỉnh. Phương pháp đánh giá cần khoa học, bài bản.
Khắc phục tình trạng thanh tra kiểm tra tràn lan
Thực hiện Chỉ thị 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng thanh tra kiểm tra doanh nghiệp đã giảm bớt, nhưng vẫn còn cao hơn so với yêu cầu tối đa chỉ có 1 lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong 1 năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua điều tra của VCCI, doanh nghiệp phản ánh có tình trạng thanh tra không phải để phát hiện vi phạm mà thanh tra, kiểm tra để vòi vĩnh, kiếm tiền. Có những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, bài bản thì bị thanh tra kiểm tra liên tục, trong khi đó những trường hợp vi phạm ngang nhiên thì không thấy cơ quan nhà nước đâu.
Để giải quyết vấn đề này, cần có đề án để thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo nguyên tắc quản lý rủi ro (tương tự như cách cơ quan hải quan phân loại hàng hoá nhập khẩu theo luồng xanh, vàng hay đỏ).
Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đóng thuế nghiêm túc, chưa có dấu hiệu vi phạm thì cần phải ít đón tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra. Những doanh nghiệp nào có tiền sử vi phạm, làm ăn không nghiêm túc, thì bị đưa vào diện theo dõi và giám sát chặt chẽ và tần suất thanh tra kiểm tra cao hơn.
Chính quyền luôn ủng hộ và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và chi phí thực hiện thủ tục hành chính thấp hơn là một động lực quan trọng để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt. Ngay việc lựa chọn doanh nghiệp nào để đưa vào diện thanh tra, kiểm tra cũng cần thực hiện khách quan, bằng máy móc để tránh tính trạng bảo kê bỏ qua hay lạm dụng để kiếm tiền.
Thanh tra Chính phủ cần phải là cơ quan chủ trì rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra hiện nay và thúc đẩy cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tích cực chia sẻ và phối hợp thông tin lần nhau để tránh chồng chéo khi thanh tra kiểm tra.