Phần thông quan biên giới thuộc trách nhiệm cơ quan hải quan đã triển khai tương đối tốt

Phần thông quan biên giới thuộc trách nhiệm cơ quan hải quan đã triển khai tương đối tốt

Môi trường kinh doanh, thêm chỉ dấu lạc quan

(ĐTCK) Với một số cải thiện về 5 trên tổng số 10 chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, Việt Nam đã bắt đầu có một số tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và dự kiến sẽ có những cải thiện về vị trí xếp hạng trong báo cáo môi trường kinh doanh công bố năm nay.

 Đó là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (Dự án USAID/GIG) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Đánh giá về tình hình thực thi các cải cách sau 1 năm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều chuyển biến lớn có thể thấy rõ. Cụ thể, trong số 5 chỉ số đã và đang thực thi các cải cách, về chỉ số khởi sự kinh doanh đã giảm được số lượng thủ tục khởi sự kinh doanh từ 10 xuống còn 5 thủ tục và giảm thời gian thực hiện từ 31 ngày xuống còn 6 ngày.

Về nộp thuế và bảo hiểm xã hội, trước đây DN mất 872 giờ để nộp thuế và bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong năm 2014 nhờ thực thi các chính sách cải cách của ngành thuế và bảo hiểm xã hội nên đã cắt giảm được khoảng 400 giờ.

Về tiếp cận điện năng, tính đến nay EVN đã trực tiếp giảm số thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 18 ngày. Về bảo vệ nhà đầu tư, theo đánh giá của ông Cung, đã thiết lập được các giải pháp tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thiểu số khởi kiện trực tiếp người quản lý DN và kiểm soát chặt chẽ các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi, đồng thời đã thực hiện được công khai hóa các giao dịch các bên có liên quan.

“Với việc thực hiện đồng loạt các giải pháp cải thiện trên cả 3 phương diện như vậy, chỉ số bảo vệ NĐT có thể tăng lên vài chục bậc. Hiện Việt Nam đang xếp thứ hạng khá cao, ở vị trí thứ 165 trên thế giới. Theo tính toán của chúng tôi, dự tính có thể tăng lên 65 bậc trong bảng xếp hạng ở chỉ số này”, ông Cung cho biết.

Về chỉ số thông quan qua biên giới vốn rất quan trọng đối với cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Bộ Tài chính mà cụ thể là Tổng cục Hải quan đã phối hợp triển khai tích cực, hiện nay phần thông quan biên giới thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan đã triển khai tương đối tốt. Phần còn lại liên quan đến quản lý của các bộ chuyên ngành về quản lý xuất nhập khẩu bao gồm kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng đang được đơn giản hóa thông qua việc cắt giảm số sản phẩm thuộc diện kiểm tra, thay đổi phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm bớt số lượng giấy tờ buộc DN phải nộp trình và có sự kết nối giữa các bộ với hải quan để thực hiện thủ tục bằng giải pháp công nghệ thông tin.

Theo ông Cung, điều đáng quan tâm và khả quan nhất là những thay đổi tích cực về tư duy. “Thể hiện rõ nhất là sự thay đổi về tư duy so sánh. Hiện nay, ta không còn so sánh giữa ta với ta theo kiểu năm ngoái thế nào, năm nay tiến bộ ra sao nữa, mà đã bắt đầu so sánh giữa ta với bên ngoài. Đã thấy được tầm quan trọng của việc cần so sánh với các nước xung quanh, đặc biệt là các nước dẫn đầu trong các chỉ số xếp hạng, để từ đó thấy được những khoảng cách lớn còn tồn tại và tìm tòi biện pháp tiến tới lấp khoảng cách đó. Bên cạnh đó, sự thay đổi còn thể hiện ở chỗ trước đây Việt Nam hầu như không sử dụng các phương pháp đánh giá thống nhất trong khu vực và thế giới, mà chủ yếu thiên về cảm tính. Song nay đã dựa hoàn toàn vào cách tính của WB để đánh giá các chỉ số đo lường môi trường kinh doanh và có tính cả tới cách đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới”, ông Cung nhận định.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia WB, cách tính các chỉ số đánh giá thay đổi từng năm, do đó đòi hỏi các quốc gia phải thường xuyên cập nhật. Bên cạnh đó, hầu hết các nước phát triển và kể cả các nước có thu nhập thấp thuộc các khu vực khác như châu Phi, Nam Á đều đang có tốc độ cải cách rất nhanh.

“Toàn thế giới đang đẩy nhanh thực hiện các cải cách. Bản thân WB qua mỗi năm đều phải đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để có thay đổi trong cách tính và đánh giá môi trường kinh doanh, do đó Việt Nam phải luôn cập nhật các phương pháp tính chỉ số, và quan trọng nhất là phải tích cực thực thi các cải cách trên thực tiễn thì mới có thể bắt kịp nhịp độ cải cách. Nếu không thì dù có cải cách, Việt Nam vẫn sẽ chậm hơn so với các nước và sẽ bị tụt hạng trong xếp hạng về môi trường kinh doanh”, một chuyên gia WB khuyến cáo.  

Tin bài liên quan