Môi trường kinh doanh, còn nhiều “đèn đỏ”

Môi trường kinh doanh, còn nhiều “đèn đỏ”

(ĐTCK) Tuy có nhiều cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để môi trường kinh doanh có thể sánh ngang với các nền kinh tế trong khu vực.

Báo cáo môi trường kinh doanh 2013 có tiêu đề “Các quy định thuận lợi hơn cho DN vừa và nhỏ” vừa được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23/10 cho thấy, Việt Nam xếp hạng thứ 99 trong tổng số 185 nền kinh tế, gần như không thay đổi vị trí so với năm ngoái là 98 trong tổng số 183 nền kinh tế được xếp hạng.

Môi trường kinh doanh, còn nhiều “đèn đỏ” ảnh 1

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn lớn liên quan đến thủ tục hành chính 

Báo cáo nhận định, từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 18 cải cách về thể chế hoặc pháp lý trong 8/10 lĩnh vực thuộc phạm vi xem xét. Đặc biệt, gần đây nhất, Việt Nam đã có bước tiến trong việc hỗ trợ hoạt động của DN bằng việc cho phép DN trong nước sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in. Tuy nhiên, một vài chỉ số như “bảo vệ nhà đầu tư”, “tiếp cận điện năng” và “xử lý DN mất khả năng thanh toán” của Việt Nam tiếp tục bị mất điểm trong bảng xếp hạng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả Báo cáo cũng thể hiện rằng, Việt Nam còn một khoảng cách không nhỏ và cần nỗ lực nhiều hơn để môi trường kinh doanh có thể sánh ngang với các nền kinh tế trong khu vực”.

Có thể thấy, kể từ khi Báo cáo môi trường kinh doanh được thực hiện 10 năm nay bởi IFC và WB, Việt Nam thường xếp ở nửa cuối bảng xếp hạng và chưa có những bước nhảy đột biến. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, nhưng hiệu quả trên thực tế còn thấp. Dù trong 10 lĩnh vực được xem xét năm nay có 5 tiêu chí được xếp hạng khá, nhưng ngay cả trong 5 lĩnh vực này vẫn còn những điều đáng quan ngại. Cụ thể, tại tiêu chí “cấp phép xây dựng”, dù Việt Nam xếp hạng 28 trong 185 nền kinh tế, nhưng chia sẻ với ĐTCK, ông Karim Belayachi, đồng tác giả Báo cáo cho biết, là một lĩnh vực rất nhạy cảm, quan trọng trong nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều quy định quá phức tạp, tốn kém khiến không ít chủ dự án phải chấp nhận đi đường vòng với những chi phí không chính thức để xin phép xây dựng.

“Nếu đèn đỏ cứ bật liên tục trong một tiếng đồng hồ, người ta sẽ vượt đèn hoặc chuyển sang đường đi khác”, ông Karim ví von khi nói về những trở ngại trong việc cấp phép xây dựng.

Trong khi đó, bà Joanna Nasr, đồng tác giả Báo cáo cho biết, DN Việt Nam mất khoảng 30 ngày để có được phê chuẩn về mặt thiết kế của cấp tỉnh đối với các dự án xây dựng và tiếp tục mất một khoảng thời gian tương tự để có được giấy phép tại Sở Xây dựng. Sau khi xây dựng xong, DN vẫn còn nhiều điều kiện khác phải thỏa mãn trước khi dự án được đưa vào sử dụng hay có thể trở thành tài sản thế chấp tại ngân hàng. Đó chính là một phần lý do khiến tại sao nhiều DN Việt Nam có những dự án kéo dài hết năm này sang năm khác, làm chi phí bị đội lên rất lớn…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng, có một số tiêu chí xem xét chưa sát với thực tế. Ví dụ như, theo bà Lan, tiêu chí “vay vốn tín dụng” được xếp hạng 40 là quá lạc quan, bởi khó tiếp cận tín dụng là một trong những điểm mấu chốt của DN và nền kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu - cục máu đông của nền kinh tế, cũng chưa có phương án giải quyết rõ ràng, cụ thể. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mới đạt xấp xỉ 2,5%. Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 chỉ đạt khoảng 5%, bằng một nửa mục tiêu đề ra là 8 - 10%.

“Rõ ràng, tiêu chí ‘vay vốn tín dụng’ là điểm chưa thể thỏa mãn. Hơn thế, tôi rất tiếc vì chúng ta đã nhìn nhận được những khó khăn đối với môi trường kinh doanh mà hành động chưa được bao nhiêu. Cụ thể, Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính được đề ra với một tham vọng lớn nhưng trong năm nay, Đề án này khá chìm. Những rối rắm, phức tạp trong thủ tục hành chính đã được chỉ ra cần phải được gỡ bỏ, nhưng việc này vẫn chưa được thực hiện rốt ráo”, bà Lan nói. 

 

Theo Báo cáo, các quốc gia khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có sự cải thiện môi trường kinh doanh mạnh hơn so với Việt Nam . Từ năm 2005 đến nay, đã có 23 nền kinh tế ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thực hiện nhiều cải thiện môi trường pháp lý theo hướng có lợi cho DN. Trong 8 năm qua, Trung Quốc là nền kinh tế có nhiều tiến bộ nhất khu vực về cải cách các quy định kinh doanh tạo thuận lợi cho DN trong nước. Mông Cổ có mặt trong nhóm 10 nước có nhiều cải thiện nhất thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh. Singapore năm thứ 7 liên tiếp là nền kinh tế có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho kinh doanh, đứng thứ hai tiếp tục là Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc). Các quốc gia tiếp theo có mặt trong nhóm 10 nền kinh tế có quy định thuận lợi nhất thế giới cho DN, theo thứ tự bao gồm Niu Di-lân, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Gru-dia và Úc.